Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng là 7-10%, con số tương đối lớn trong cơ cấu giá xăng dầu.
Bộ Công Thương và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị xem xét lại quan điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng vì đã thu thuế bảo vệ môi trường.
Hiện nay, giá xăng dầu vẫn biến động mạnh, các kỳ gần đây giá xăng giảm mạnh, cụ thể kỳ điều hành chiều 21/7 giá xăng giảm thêm từ từ 2.715 - 3.605 đồng/lít. Nhưng thực tế việc kết thúc chu kỳ tăng giá xăng dầu hay chưa vẫn chưa rõ ràng. Mặc dù thời gian qua, nhiều biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường đã giúp kiềm chế giá xăng dầu trong nước.
Trước đó, tại Văn bản số 3489/BCT-TTTN ngày 22/6/2022, Bộ Công Thương cho rằng, xăng là mặt hàng chiếm tỷ trọng khoảng 37-40% trong tổng số lượng tiêu thụ các mặt hàng xăng dầu trên cả nước nên không phải là mặt hàng có lượng tiêu dùng nhỏ (chỉ sau dầu diesel). Mặt khác, xăng lại là mặt hàng có số lượng đối tượng bị tác động lớn nhất do hầu hết người dân đều sử dụng xăng để đi lại (dùng cho xe máy và ô tô, đây là các loại phương tiện đang sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay).
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng cân nhắc xem xét lại quan điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất của người dân.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, xăng dầu là hàng thiết yếu sao lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt?
Khi đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cũng giải thích vẫn phải thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng do tiêu dùng xăng dầu ảnh hưởng đến môi trường. Bộ Công Thương cho rằng điều này “là chưa phù hợp do nội dung này đã được xử lý trong việc đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu”.
Theo Bộ Công Thương, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng là 7% - 10% là con số tương đối lớn trong cơ cấu giá xăng dầu (chiếm khoảng 2.000-2.500 đồng/lít trong mức giá xăng hiện nay) nên việc điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có ý nghĩa lớn đối với việc kiềm chế sự tăng cao của giá xăng dầu trong thời gian tới.
Từ những lý do trên, Bộ Công Thương cho rằng, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết và cần sớm thực hiện rà soát, trình Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và nhu cầu của việc giảm giá xăng dầu để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Đồng quan điểm này, VCCI cũng có ý kiến tương tự. VCCI đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.
Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Nhưng vấn đề này lại thuộc thẩm quyền Quốc hội nên chưa thể giảm ngay (kỳ họp gần nhất là tháng 10, 11/2022).
Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng tiếp tục bảo lưu quan điểm cần thu thuế tiêu thụ đặc biệt và lý giải: Thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia,... ), cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hoá thạch) hoặc hàng hoá, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi golf,...).
Theo đó, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết các nước đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng.
Đơn cử như Pháp (0,6629 EUR/lít đối với xăng E10 và 0,6829 EUR/lít đối với xăng khoáng); Đức (0,6545 EUR/lít đối với xăng có hàm lượng sunfua dưới 10mg/kg, 0,6698 EUR/lít đối với xăng có hàm lượng sunfua trên 10mg/kg)...
Tại Việt Nam, mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1995. Quy định này theo Bộ Tài chính là phù hợp với mục tiêu thu thuế tiêu thụ đặc biệt và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. “Chính vì vậy, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng như hiện nay là phù hợp, góp phần giảm phát thải”, Bộ Tài chính giải trình ý kiến của Bộ Công Thương, VCCI.
Nhìn nhận vấn đề các chuyên gia lo ngại, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chỉ kéo dài đến hết năm 2022. Trong khi đó, giá xăng dầu luôn biến động bất thường và ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân, sản xuất của doanh nghiệp. Vì vậy, việc Quốc hội nghiên cứu việc có nên bãi bỏ thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng như Bộ Công Thương, VCCI đã nêu là điều cần thiết.
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/bo-cong-thuong-va-vcci-de-nghi-xem-xet-lai-quan-diem-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-xang-a3856.html