Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết, theo lộ trình dự kiến, giai đoạn 2031-2045 Việt Nam sẽ vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ.
Vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ vào năm 2045
Lộ trình trên được đưa ra tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược). Hiện Chiến lược đang được lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng xã hội. Dự kiến sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong quý 4/2022.
Dự thảo nêu rõ: Phấn đấu sản lượng than thương phẩm khai thác đạt khoảng 47 triệu tấn/năm trong giai đoạn đến năm 2030, giai đoạn 2031-2045 đạt khoảng 45 triệu tấn/năm, đồng thời vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ.
Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, sử dụng than.
Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải và cải tạo phục hồi môi trường các vùng khai thác than; xây dựng và thực hiện thị trường than cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên than trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu than hợp lý nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng than của các ngành kinh tế trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện.
Đến năm 2045, tiếp tục khai thác và sử dụng có hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên than trong nước kết hợp với xuất khẩu, nhập khẩu than hợp lý nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng than của các ngành kinh tế trong nước, đặc biệt là cho sản xuất điện; từng bước giảm dần sản lượng khai thác than trong nước bảo đảm phù hợp với định hướng, mục tiêu của Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Khai thác thử nghiệm tại Bể than sông Hồng
Với mục tiêu sản lượng than thương phẩm khai thác đạt khoảng 47 triệu tấn/năm trong giai đoạn đến năm 2030 và đạt khoảng 45 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2031-2045. Dự thảo đã đưa ra lộ trình trước năm 2040 đưa vào vận hành thử nghiệm khai thác than tại Bể than sông Hồng và tiến tới khai thác quy mô công nghiệp đạt khoảng 1,0 triệu tấn vào năm 2045.
Song song với đó, công tác sàng tuyển, chế biến phấn đấu tỷ lệ sản lượng than khai thác đưa vào sàng tuyển - chế biến tập trung đạt khoảng 70% tổng sản lượng than sản xuất trong giai đoạn đến năm 2030, đạt khoảng 85% tổng sản lượng than sản xuất trong giai đoạn 2031-2045.
Đối với thị trường than, giai đoạn đến năm 2030 xuất khẩu loại than chất lượng cao mà trong nước không có nhu cầu sử dụng theo chỉ đạo hàng năm của Thủ tướng Chính phủ, khối lượng than xuất khẩu hằng năm khoảng 2,0 triệu tấn; từng bước hình thành thị trường than với nhiều người bán và nhiều người mua, đa dạng hóa nguồn than (than sản xuất trong nước, pha trộn và nhập khẩu) và các đầu mối cung cấp than cho các hộ tiêu thụ.
Giai đoạn 2031-2045, vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ tại các phân khúc thị trường than; các chủ thể tham gia thị trường thực hiện giao dịch, mua bán than, cung cấp các dịch vụ cho việc giao dịch, mua bán than tuân thủ quy định và thông lệ của thị trường.
Thực hiện xuất khẩu than phù hợp nhu cầu thị trường và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khối lượng than chất lượng cao xuất khẩu khoảng trên 4,0 triệu tấn vào năm 2045…
Các giải pháp đồng bộ
Để thực hiện các mục tiêu và lộ trình trên, Dự thảo đã đưa ra 7 giải pháp, gồm: Giải pháp về cơ chế chính sách; giải pháp về tổ chức; giải pháp về tài chính; giải pháp về đầu tư; giải pháp về nguồn nhân lực; giải pháp về khoa học - công nghệ, an toàn, môi trường; giải pháp về quản trị kinh doanh, kiểm soát chi phí.
Trong đó, giải pháp về cơ chế chính sách cần nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến môi trường, khoáng sản; đất đai; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; thuế tài nguyên,... đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, thông lệ quốc tế và xu thế phát triển của đất nước trong tương lai.
Nhà nước tổ chức điều tra, đánh giá đối với Bể than sông Hồng và một số bể than khác thuộc vùng thềm lục địa Việt Nam để đảm bảo yêu cầu cho công tác thăm dò, phát triển các dự án khai thác than.
Các địa phương có tài nguyên than ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị ngành than trong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư để thăm dò, khai thác (nhất là các khu vực có công trình trên mặt cần bảo vệ) để khai thác tiết kiệm tài nguyên than.
Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam và thông lệ quốc tế nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia đầu tư thăm dò và khai thác than ở nước ngoài, tìm kiến và đa dạng hóa nguồn than nhập khẩu về Việt Nam phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước…
Giải pháp về tổ chức, dự thảo nêu rõ tập trung hoá sản xuất thông qua liên thông, sáp nhập, hợp nhất các mỏ, doanh nghiệp sản xuất than để tạo ra các doanh nghiệp có quy mô lớn, tăng hiệu quả hoạt động.
Tổ chức lại công tác kinh doanh than theo hướng chuỗi cung ứng than đồng bộ, hiện đại, gắn các nhà sản xuất với các hộ tiêu thụ than theo cơ chế thị trường trong bối cảnh thị trường than thế giới đầy biến động.
Tiếp tục duy trì quyền sở hữu và chi phối của Nhà nước đối với các doanh nghiệp ngành than để củng cố, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong chỉ đạo, điều hành phát triển ngành than đảm bảo mục tiêu chiến lược, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hỗ trợ ngành than được vay vốn tín dụng Nhà nước hoặc các nguồn khác để nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ mới có hiệu quả và thực hiện các dự án bảo vệ môi trường.
Liên doanh liên kết với nước ngoài để thực hiện các dự án khai thác than tại các khu vực mà ngành than chưa làm chủ được công nghệ.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị tài nguyên than, quản trị môi trường, quản lý kỹ thuật an toàn và điều hành sản xuất theo hướng hiện đại. Ứng dụng công nghệ điều khiển tự động hóa trong một dây chuyền công nghệ, công tác kiểm soát an toàn và môi trường mỏ.
Đẩy mạnh việc chuyển đổi thiết bị, công nghệ để nâng cao hiệu suất sử dụng và tiết kiệm năng lượng; nghiên cứu và phát triển các công nghệ thu giữ và sử dụng khí mỏ phát sinh trong quá trình khai thác mỏ hầm lò để hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại COP 26.
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/viet-nam-se-van-hanh-thi-truong-canh-tranh-day-du-vao-nam-2045-a3954.html