Giới thương nhân cho biết các nhà máy lọc dầu sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng xăng dầu để tự bảo vệ doanh nghiệp khỏi thua lỗ và chuyển sang sản xuất các loại nhiên liệu có lợi hơn.
Giá xăng dầu toàn cầu giảm đột ngột trong hai tuần qua đã làm giảm lợi nhuận của các công ty lọc dầu, thúc đẩy tăng hàng tồn kho tại các trung tâm giao dịch chính trên thế giới, trong khi xuất khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ giảm càng làm tăng thêm áp lực lên các kho dự trữ ngày càng tăng.
Giới thương nhân cho biết các nhà máy lọc dầu sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng xăng dầu để tự bảo vệ doanh nghiệp khỏi thua lỗ và chuyển sang sản xuất các loại nhiên liệu có lợi hơn.
Tuy nhiên, giá nhiên liệu cao tại Mỹ và châu Âu làm giảm nhu cầu sử dụng trong mùa Hè cùng với đó là sự bất ổn và giảm nhu cầu theo mùa ở một số khu vực ở châu Á.
Theo giới thương nhân và chuyên gia, điều này thúc đẩy việc tăng lượng xăng dầu tồn kho từ Singapore đến Amsterdam-Rotterdam (Hà Lan)-Antwerp (Bỉ) và Mỹ.
Dự trữ xăng toàn cầu tại các trung tâm chính tăng lên từ mức thấp gần đây, với việc sản lượng lọc dầu cao và nhu cầu hạn chế tại Mỹ và châu Âu do giá nhiên liệu tăng cao.
Số liệu của tổ chức Refinitiv cho thấy tỷ suất lợi nhuận của xăng dầu ở châu Á trong tháng Bảy đã giảm hơn 102% xuống mức chiết khấu 14 xu Mỹ/thùng đối với dầu thô Brent sau khi đạt mức giá cao kỷ lục 38,05 USD/thùng vào tháng Sáu.
Đây cũng đang là mức chiết khấu thấp nhất vào thời điểm này trong năm kể từ năm 2000.
Điều đó làm giảm tỷ suất lợi nhuận lọc dầu ở châu Á đối với dầu thô Dubai vào ngày 25/7 xuống mức 88 xu Mỹ/thùng, giảm từ mức kỷ lục 30,49 USD/thùng trong tháng Sáu.
Nhiều nguồn tin cho hay các nhà máy lọc dầu quốc doanh Trung Quốc dự kiến sẽ tăng cường hoạt động của nhà máy lọc dầu trong giai đoạn tháng Tám, tháng Chín năm nay và tăng xuất khẩu để giảm lượng dự trữ cao trong nước sau khi nhận được hạn ngạch mới.
Công ty tư vấn FGE ước tính xuất khẩu xăng của Ấn Độ có thể tăng thêm 15.000-20.000 thùng/ngày, nâng xuất khẩu của tháng 8-9/2022 lên mức trung bình 260.000 thùng/ngày, sau khi dỡ bỏ thuế xuất khẩu xăng vào tuần trước.
Trong khi đó, FGE cho biết nhập khẩu xăng vào châu Á trong nửa đầu tháng Bảy giảm 240.000 tấn so với nửa cuối tháng Sáu với sự sụt giảm dẫn đầu là Indonesia, quốc gia nhập khẩu xăng lớn nhất châu Á.
FGE dự báo nhu cầu xăng dầu của châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ chỉ cải thiện nhẹ trong giai đoạn từ tháng Bảy đến tháng Chín năm nay, thấp hơn trung bình 80.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2019, bởi giá bán lẻ cao tác động xấu đến nhu cầu nhiên liệu.
Tại Mỹ, số liệu chính thức cho thấy sản lượng sản xuất các sản phẩm xăng dầu vào khoảng 8,5 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo triển vọng năng lượng ngắn hạn của EIA, sản lượng lọc dầu ở Mỹ tăng trong suốt tháng Sáu. Trong khi đó, bắt đầu từ tháng Tư, mức tiêu thụ xăng dầu giảm xuống dưới mức năm 2021.”
Giới thương nhân cho biết giá xăng giao ngay tại cảng New York vào giữa tháng Bảy đã giảm từ mức 4,43 USD/gallon (1 gallon =3,78 lít) của tháng Sáu xuống còn 3,35 USD/gallon.
Tuy nhiên, giới phân tích của ngân hàng Citi dự kiến tỷ suất lợi nhuận lọc dầu sẽ tăng trở lại vào quý 4 năm nay do tăng nhu cầu từ việc chuyển đổi tiềm năng khí đốt sang dầu ở châu Âu và việc giảm xuất khẩu dầu diesel của Nga do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu./.
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/gia-xang-dau-giam-manh-keo-lui-loi-nhuan-cua-cac-cong-ty-loc-dau-a4071.html