Bộ Công Thương cho rằng, vùng đồng bằng sông Hồng cần tạo cơ chế đột phá để xây dựng các tập đoàn mạnh về logistics, xác định các loại hình logistics mũi nhọn.
Theo Bộ Công Thương, hệ thống trung tâm logistics đang được hình thành và phát triển. Cả nước có 75 trung tâm logistics tập trung tại 16/63 tỉnh thành phố, trong đó tại vùng đồng bằng sông Hồng có 26 trung tâm, chiếm gần 35% tổng số trung tâm logistics trên toàn quốc. Việc phát triển kết cấu hạ tầng gắn với kết cấu hạ tầng logistics trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác.
Hệ thống hạ tầng giao thông có những bước phát triển mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm đã tạo sự kết nối hiệu quả hơn giữa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giữa các vùng miền, các loại hình giao thông, góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, đảm bảo kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn kết chặt chẽ kết cấu hạng tầng với kết cấu hạ tầng logistics.
Cơ sở hạ tầng logistics trong vùng có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua do hệ thống hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng được đầu tư, phát triển nhanh chóng, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, hiện đại của vùng, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh tới cảng biển, các cửa ngõ giao thông của vùng.
Tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long có vai trò là mắt xích quan trọng kết nối 3 cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh khiến kết nối hạ tầng giao thông giữa các tuyến được đồng bộ, giúp giảm thời gian nhưng đồng thời tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển, từ đó tạo đòn bẩy cho sự phát triển của dịch vụ logistics Việt Nam trong những năm tới.
Hạ tầng kho, bãi, dịch vụ hậu cần cảng phục vụ trực tiếp hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu được quan tâm đầu tư như: Khu vực cảng cạn ICD Thành Đạt (Móng Cái) diện tích gần 100 ha; Trung tâm Logistics thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn (huyện Bình Liêu) diện tích 27,3 ha.
Hệ thống kho, bến, bãi bốc xếp hàng hóa phục vụ kinh doanh tạm nhập tái xuất, thực phẩm đông lạnh trên địa bàn tỉnh chủ yếu do doanh nghiệp đầu tư với tổng diện tích 571.466 m2. Các Khu kinh tế cửa khẩu có 32 kho bãi do doanh nghiệp đầu tư đủ yêu cầu để lưu giữ bảo quản hàng hóa thực phẩm đông lạnh và 19 kho ngoại quan, mỗi kho ngoại quan diện tích tối thiểu 5.000m2.
Hà Nội hiện đang duy trì hệ thống kho, bãi container phục vụ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại 02 cảng ICD (cảng cạn) là cảng ICD Mỹ Đình và cảng ICD Gia Lâm.
Trung tâm logistics ICD Tiên Sơn được xây dựng trên diện tích 10 ha đặt tại Bắc Ninh có vị trí chiến lược với khả năng kết nối với các khu công nghiệp năng động của Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc qua các tuyến đường quốc gia. Tại Hải Phòng, trung tâm logistics Yusen Đình Vũ được khánh thành và đưa vào hoạt động năm 2014 với quy mô diện tích đất 100.000 m2.
Về cảng biển của vùng, việc đưa vào khai thác Cảng quốc tế Lạch Huyện giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Đây là cảng tổng hợp đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hoá vận tải bằng đường biển ngày càng tăng của các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đặc biệt là vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Từ Cảng Lạch Huyện, hàng hóa xuất, nhập khẩu đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua các cảng tại khu vực như Singapore, Hồng Kông. Điều này góp phần giảm đáng kể chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh đối với hàng hóa xuất khẩu.
Đưa vùng trở thành trung tâm dịch vụ logistics của khu vực
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng hệ thống logistics của vùng đồng bằng sông Hồng hiện phải đối mặt với một số khó khăn và hạn chế sau: Quỹ đất để xây dựng kho hàng, kho bãi, trung tâm trung chuyển hàng hoá, trung tâm logistics không nhiều, vốn đầu tư của các doanh nghiệp không lớn. Hệ thống kho cơ bản có cơ sở vật chất lạc hậu vì xây dựng đã lâu và không được đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên.
Huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Hệ thống kho hàng, bến bãi trên địa bàn một số tỉnh vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết và gần như chưa có chuyển biến rõ rệt nhằm hỗ trợ lưu thông hàng hóa.
Các cảng cạn ICD trong vùng còn ít về số lượng, diện tích và quy mô khai thác nhỏ, chưa có các trang thiết bị xếp dỡ chuyên dụng. Việc kết nối các loại hình giao thông với nhau còn hạn chế, các cảng cạn (ICD) mới chỉ sử dụng đường bộ, chưa kết nối được với đường sắt và đường sông...
Theo Bộ Công Thương, để đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ logistics, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh và bền vững, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Cụ thể, sớm hoàn thành các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 bám sát Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, bảo đảm cân đối vùng, địa phương và phù hợp với các Quy hoạch cấp quốc gia, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu, chiến lược phát triển vùng theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc.
Trong đó, cần xác định rõ việc ưu tiên phát triển ngành logistics là một trong những cơ sở quan trọng, xu thế tất yếu để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Phương án quy hoạch hệ thống trung tâm logistics vùng đồng bằng sông Hồng theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tập trung đầu tư, xây dựng, nâng cấp các trung tâm logistics ứng dụng khoa học công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại để nâng cao tính cạnh tranh và chất lượng dịch vụ, giảm chi phí…
Mặt khác, chủ động xây dựng chương trình/kế hoạch, tạo lập các chính sách phù hợp với đặc điểm, lợi thế riêng của từng địa phương và vùng để xúc tiến, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội từ các quốc gia và đối tác lớn đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư về Việt Nam.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông (cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không) và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp bảo đảm kết nối đồng bộ, thuận tiện cho lưu thông, trao đổi hàng hóa.
Cùng với đó, chủ động thiết lập quỹ đất sạch để tạo điều kiện thuận lợi, sẵn sàng thu hút các công ty, tập đoàn kinh tế lớn, xuyên quốc gia có uy tín, năng lực về tài chính, công nghệ và quản trị, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; thu hút các doanh nghiệp logistics hàng đầu quốc tế đầu tư vào phát triển hạ tầng logistic, góp phần đưa vùng trở thành trung tâm dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Vùng cũng cần chú trọng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao từ nguồn tại chỗ, có khả năng tiếp nhận và làm chủ công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành kinh tế trong tình hình mới, đặc biệt là ngành dịch vụ logistics.
Hơn nữa, tiếp tục khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là từ các Hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEP; thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của vùng, nhất là các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... Đặc biệt, cần tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ logistics, bảo đảm đồng bộ, khả thi.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định về dịch vụ logistics tại Luật Thương mại và các văn bản dưới luật; tạo cơ chế đột phá để xây dựng các tập đoàn mạnh về logistics, xác định các loại hình logistics mũi nhọn có tiềm năng phát triển và đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát cắt giảm các điều kiện về đầu tư kinh doanh không còn phù hợp và đơn giản hóa thành phần hồ sơ trong các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian giải quyết và giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương trong vùng.
Ngoài ra, xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh, phân định trách nhiệm của các địa phương rõ ràng, làm cho hoạt động liên kết đi vào thực chất, khai thác và tận dụng được tiềm năng và các nguồn lực của vùng và từng địa phương trong vùng.
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/bo-cong-thuong-hien-ke-phat-trien-logistics-dong-bang-song-hong-a4087.html