Bộ Tài chính đề xuất cấm dịch vụ mua hộ vé số qua mạng: Doanh nghiệp, chuyên gia nói gì?

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định về kinh doanh xổ số, trong đó có nội dung cấm “Mua hộ vé xổ số” đang nhận được nhiều ý kiến…

Bộ Tài chính nêu rõ lý do phải cấm

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp công khai dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 30/2007/NĐ-CP ngày 01/03/2007 về kinh doanh xổ số và Nghị định số 78/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định 30/2007/NĐ-CP.

Theo đó, tại Điều 4, dự thảo Nghị định có quy định cấm “Tổ chức hoạt động kinh doanh xổ số trái phép dưới mọi hình thức và mọi loại phương tiện”. Theo lý giải tại dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính thì lý do để đưa quy định “cấm” này là: Xuất hiện trường hợp một số tổ chức, cá nhân lợi dụng pháp luật dân sự về hoạt động mua hộ vé xổ số để tổ chức kinh doanh, phân phối vé xổ số thông qua các thiết bị điện tử, viễn thông, internet ảnh hưởng đến tính công khai minh bạch của hoạt động kinh doanh xổ số (ví dụ như dịch vụ mua hộ vé xổ số qua ứng dụng ví điện tử, dự thưởng vé xổ số loto,...).

Nhiều ví điện tử và ứng dụng ngân hàng thực hiện "Mua hộ vé số" (ảnh báo Thanh niên)

Trong hai năm gần đây, người dùng thấy xuất hiện một số ứng dụng cung cấp dịch vụ đặt mua vé số như Mobilott (thanh toán qua ví điện tử ViettelPay, VNPT Pay); Lucky Lotter (thanh toán qua Ví Việt hoặc Sendo); LuckyBest (thanh toán qua ví Momo, Gpay). Một số ngân hàng như MBBank, Sacombank cũng có dịch vụ đặt mua các sản phẩm của xổ số Vietlott như Keno, Power, Mega 6/45, Max 3D, Max 3D…

Theo đó, người dùng có thể lựa chọn các loại xổ số thông qua dịch vụ mua vé số tại trang web của những công ty này. Sau đó, trang web sẽ chuyển đơn hàng đến các điểm bán là đại lý của công ty xổ số. Vé số sẽ được các công ty này vận chuyển đến tay người mua hoặc công ty giữ hộ, tùy theo thỏa thuận.

Trước việc “nở rộ” hình thức này, Bộ Tài chính cho biết, kinh doanh xổ số là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nguyên tắc đối với hoạt động kinh doanh xổ số là để đảm bảo đáp ứng nhu cầu giải trí của một bộ phận người dân có thu nhập chính đáng và đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

"Chỉ có doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số mới được phép tổ chức hoạt động kinh doanh xổ số" - Bộ Tài chính khẳng định.

Về phương thức bán vé số, Bộ Tài chính thông tin theo quy định, tổ chức phát hành vé xổ số tới khách hàng theo 2 cách là bán trực tiếp cho khách hàng và thông qua hệ thống đại lý xổ số. Các sản phẩm xổ số truyền thống, xổ số thủ công, xổ số biết kết quả ngay không được phân phối qua các kênh điện thoại, các thiết bị điện tử, Internet và phương tiện viễn thông khác.

Còn vé xổ số tự chọn số điện toán được bán trực tiếp cho khách hàng thông qua thiết bị đầu cuối; thông qua điện thoại cố định và điện thoại di động; thông qua Internet. Phương thức phân phối này chỉ được thực hiện sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận.

Căn cứ quy định pháp luật về kinh doanh xổ số nêu trên, trường hợp doanh nghiệp không phải là đại lý xổ số ký hợp đồng với các doanh nghiệp kinh doanh xổ số để tiêu thụ vé xổ số; doanh nghiệp không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số là vi phạm quy định.

"Đặc biệt việc sử dụng phương tiện kỹ thuật, website, ứng dụng di động để cung cấp dịch vụ mua hộ vé xổ số từ đại lý xổ số cho khách hàng là vi phạm quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch thị trường xổ số truyền thống, gây ra cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty xổ số. Đồng thời, hình thức này còn tiềm ẩn nguy cơ tổ chức đánh bạc, tiếp tay cho tổ chức, cá nhân lợi dụng để kinh doanh lô đề bất hợp pháp" - Bộ Tài chính cho hay.

Nhiều ý kiến lên tiếng

Trước quy định “các hành vi bị cấm” theo dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc kinh doanh, Công ty cổ phần LuckyBest Việt Nam cho rằng, dự thảo của Bộ Tài chính nói dịch vụ “Mua hộ vé xổ số “ảnh hưởng đến tính công khai minh bạch của hoạt động kinh doanh xổ số” là không chính xác, không rõ ràng.

“Dự thảo không chỉ rõ điểm không công khai, minh bạch của dịch vụ “Mua hộ vé xổ số”, cũng không nêu rõ các tác động của dịch vụ này và nêu rõ các căn cứ, dẫn chứng để chứng minh dịch vụ ảnh hưởng đến tính công khai minh bạch của hoạt động kinh doanh xổ số. Trong suốt quá trình thực tế cung cấp dịch vụ “Mua hộ vé xổ số”, công ty chưa có bất kỳ tranh chấp, khiếu nại nào từ phía người mua vé. Hoàn toàn có thể thấy rõ dịch vụ “Mua hộ vé xổ số” đã được thực hiện một cách công khai, minh bạch đối với người mua vé xổ số. Do đó, việc kết luận dịch vụ “Mua hộ vé xổ số” ảnh hưởng đến tính công khai minh bạch của hoạt động kinh doanh xổ số là không rõ ràng và thiếu căn cứ”, ông Dương Anh Tuấn nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, ông Vũ Quốc Dũng đại diện Công ty cổ phần Mạng thanh toán Paynet Việt Nam cũng cho rằng: Dự thảo cho rằng “tổ chức, cá nhân lợi dụng pháp luật dân sự về hoạt động mua hộ vé xổ số để tổ chức kinh doanh, phân phối vé xổ số” là không chính xác.

Theo ông Dũng, dự thảo không chỉ rõ thế nào là hành vi “lợi dụng pháp luật dân sự về hoạt động mua hộ vé xổ số để tổ chức kinh doanh, phân phối vé xổ số”. Thực tế là các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ “Mua hộ vé xổ số” không thực hiện và không tham gia vào hoạt động phân phối vé xổ số của doanh nghiệp kinh doanh xổ số và đại lý xổ số. Những doanh nghiệp này chỉ mua hộ vé xổ số theo ủy quyền của người dùng thông qua “Ứng dụng Mua hộ vé xổ số”. Đây là mối quan hệ giữa doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này và người dùng. Do đó, việc cho rằng Dịch vụ mua hộ vé xổ số là “lợi dụng pháp luật dân sự về hoạt động mua hộ vé xổ số để tổ chức kinh doanh, phân phối vé xổ số” là không rõ ràng và không chính xác.

Một trong các ứng dụng "Mua hộ vé số" (ảnh minh họa)

Còn ông Mai Trung Nguyên, đại diện Công ty TNHH MTV Vé số miền Bắc cho rằng: Trong phạm vi dịch vụ “Mua hộ vé xổ số”, việc người dùng ủy quyền cho pháp nhân mua hộ vé xổ số là một thỏa thuận dân sự giữa một bên là doanh nghiệp và một bên là người mua vé xổ số. Theo quy định về ủy quyền tại Điều 138 của Bộ Luật Dân sự 2015 thì “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính nêu quan điểm cho rằng: Dịch vụ “Mua hộ vé xổ số” không sai về mặt pháp luật, cũng không sai về mặt thị trường. Có cầu thì ắt có cung. Nếu như dịch vụ “Mua hộ vé xổ số” đã tồn tại một vài năm nay thì có nghĩa xã hội có nhu cầu đó nên doanh nghiệp đáp ứng. Tôi cho rằng cần nghiên cứu kỹ để ban hành được khung khổ luật pháp phù hợp để làm sao vẫn sử dụng được dịch vụ này mà vẫn đảm bảo được tính minh bạch của hoạt động kinh doanh xổ số, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những doanh nghiệp hoạt động nghiêm túc trong khuôn khổ pháp luật quy định. Cần có cơ chế đầu tư công nghệ, nghiên cứu luật pháp để hướng đến kiểm soát, ngăn chặn việc lợi dụng dịch vụ mua hộ vé số vào mục đích bất hợp pháp, thay vì cấm tất cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà cho rằng: Trước đây khi chưa có Internet, mạng xã hội, hoạt động mua bán xổ số chỉ có một hình thức là mua bán trực tiếp. Đến giờ thương mại trực tuyến cho phép mua bán qua mạng, tôi cho rằng dịch vụ “Mua hộ vé xổ số” qua app, ví điện tử… là bình thường, phản ánh nhu cầu đa dạng của xã hội, miễn là mua hộ nhưng đảm bảo đến cuối cùng, người trúng số phải có tấm vé số để đi lĩnh thưởng. Nếu thời gian qua đã có sự tồn tại của những công ty mua hộ vé số, xã hội đã chấp nhận sự tồn tại của nó mà giờ cấm là gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, PGS, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính nhận định, kinh doanh mà càng đẩy mạnh bán ra bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Nó giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, người tiêu dùng có thêm lựa chọn còn Nhà nước thì thu được thuế.

Vị chuyên gia cho rằng, chủ trương của Nhà nước là mở rộng tự do kinh doanh, cái gì cấm thì cấm, cái gì không cấm thì doanh nghiệp được tự do kinh doanh. Đó cũng là nguyên lý cơ bản trong xây dựng luật. Hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã ban hành, nếu hai luật đó không cấm dịch vụ mua hộ vé số thì Nghị định không thể cấm được.

Cuối cùng, ông Long khuyến nghị, sai đâu xử lý đấy chứ không thể cứ mãi áp dụng cách quản lý kiểu “không quản được thì cấm”. Giải pháp thì có rất nhiều, nhưng giải pháp nào cũng phải hướng đến sự hài hòa lợi ích giữa các bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân và phải hướng đến mục đích cuối cùng là bảo vệ môi trường đầu tư kinh doanh, tránh việc tạo ra những rào cản không cần thiết.

Nhóm PV (theo Công Thương)

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/bo-tai-chinh-de-xuat-cam-dich-vu-mua-ho-ve-qua-mang-doanh-nghiep-chuyen-gia-noi-gi-a4216.html