Quảng Nam tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh

Tối 1/8, tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã diễn ra Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 4, với chủ đề "Ngọc Linh mời gọi". Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022.

Sâm Ngọc Linh trưng bày tại Lễ hội.

Dự lễ khai mạc, có các đồng chí: Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các đồng chí lãnh đạo sở, ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Nam; Đoàn công tác quận Hamyang (Hàn Quốc), các địa phương thuộc tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Lào Cai, Yên Bái.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết, cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh, thuộc địa phận huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) và huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), là một loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

Đến nay, tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch diện tích trồng sâm Ngọc Linh hơn 15.000ha; hiện đã thực hiện bảo tồn được 100ha (tương đương với 2 triệu cây) và đang phát triển vùng nguyên liệu sâm hơn 5.000ha với hơn 1.250 hộ tham gia.

Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 4 năm 2022 với chủ đề “Ngọc Linh mời gọi” diễn ra tại huyện Nam Trà My từ ngày 1 đến 3/8, với nhiều hoạt động như giao thương, văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My.

Lễ hội này nhằm quảng bá, giới thiệu đến với bạn bè trong và ngoài nước một loại cây dược liệu quý, hiếm của Việt Nam. Qua đó, góp phần đưa sâm Ngọc Linh trở thành cây dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao, sánh ngang những loại sâm trên thế giới.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 4 năm 2022 là sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với huyện Nam Trà My, giúp kích cầu tiêu thụ sản phẩm sâm Ngọc Linh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.

Đồng chí Hồ Quang Bửu lưu ý, huyện Nam Trà My tuyên truyền người dân bảo vệ nguồn gene gốc, bảo vệ nguồn giống sâm Ngọc Linh bảo đảm chất lượng; sớm giao đất cho nhóm hộ trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng để bảo vệ rừng.

Đồng thời, huyện Nam Trà My tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh, phát triển sản phẩm sâm theo hướng chế biến sâu để xuất khẩu và gắn trồng sâm với phát triển du lịch...

TẤN NGUYÊN (theo Nhân Dân)

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/quang-nam-chuc-le-hoi-sam-ngoc-linh-a4391.html