Chiều 2/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt đại biểu là thành viên Câu lạc bộ Kinh tế, Văn hóa và Du lịch thuộc Viện Kinh tế, Văn hóa-Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Dự cuộc gặp mặt có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội; đại diện lãnh đạo 6 tỉnh thuộc Chiến khu Việt Bắc xưa và các đại biểu Câu lạc bộ Kinh tế, Văn hóa và Du lịch, Viện Kinh tế, Văn hóa.
Cuộc gặp mặt được tổ chức tại Nhà Quốc hội nhân dịp Câu lạc bộ Kinh tế, Văn hóa và Du lịch cùng lãnh đạo các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc về tham dự hội thảo “Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng Chiến khu Việt Bắc” do Hội đồng Dân tộc phối hợp với Viện Kinh tế Văn hóa thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Câu lạc bộ Kinh tế Văn hóa và Du lịch thuộc Viện Kinh tế Văn hóa là tổ chức tập hợp các chuyên gia, lãnh đạo và cán bộ quản lý cao cấp về văn hóa và du lịch Việt Nam qua các thời kỳ, các nhà khoa học, văn nghệ sỹ, cán bộ ngoại giao, cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế, văn hóa ở Trung ương và địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nhiệm vụ chính của Câu lạc bộ là thiết lập nhịp cầu giao lưu và thông tin kinh tế - văn hóa, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các giới chức Việt Nam với nước ngoài vì tình hữu nghị và phát triển; tổ chức hoạt động, hợp tác, liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch, đạo đức-trách nhiệm xã hội...
Tại cuộc gặp mặt, các thành viên Câu lạc bộ đã chia sẻ những câu chuyện sinh động về phát triển du lịch, chính sách phát triển du lịch và nêu một số đề xuất cụ thể về cơ chế, chính sách phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang).
Từ thực tế tổ chức loại hình du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa đồng đội,” Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin cho rằng, nếu có hình thức giáo dục tốt về lịch sử thì nhất định giới trẻ sẽ hiểu được lịch sử, tự hào về truyền thống dân tộc để từ đó khơi dậy niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường trong tương lai.
“Chúng tôi mong các cháu được đến tận nơi để nghe, để học về truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc. Không có gì gây xúc động bằng trực quan, các cháu được nghe chính những người đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu nói về chiến trường ngày xưa để có được cuộc sống hôm nay.”
Nhấn mạnh điều này, Thiếu tướng Phan Khắc Hải mong muốn Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt tạo thuận lợi cho sự phát triển của loại hình du lịch này, đưa các hoạt động du lịch về với chiến trường xưa, về với các khu di tích lịch sử... vào nhà trường.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương, các khu di tích lịch sử là những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Thực tế, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã có sự quan tâm, tôn tạo các di tích. Tiềm năng du lịch về lịch sử là rất lớn. Tuy nhiên, sự quan tâm đầu tư, chú trọng khai thác du lịch lịch sử, du lịch về nguồn, du lịch hoài niệm chưa được tương xứng.
Do đó, các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc đều mong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm đầu tư hơn nữa vào việc bảo tồn các khu di tích lịch sử, các chiến trường xưa; có cơ chế chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các khu di tích này.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế liên kết vùng, cần có “tư lệnh vùng” đủ năng lực và thẩm quyền để điều phối phát triển du lịch theo vùng; các địa phương cần phối hợp, liên kết chặt chẽ hơn nữa để phát huy các tiềm năng, lợi thế và các sản phẩm du lịch mang dấu ấn riêng của vùng chiến khu Việt Bắc; quan tâm đến quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để bảo đảm sự liên kết giữa các tỉnh trong vùng...
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đại dịch CVID-19 đã gây ra những tổn thất rất nặng nề nhưng cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận lại và có quyết tâm cao hơn nữa trong việc tái cơ cấu căn bản, toàn diện ngành du lịch theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch năm 2017. Ở đây là tái cơ cấu cả về hạ tầng du lịch (hạ tầng cứng và hạ tầng mềm), doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch trên cơ sở phải đổi mới căn bản tư duy, nhận thức về du lịch.
“Từ nhận thức du lịch với vai trò là một hoạt động vui chơi, giải trí trước đây đến nhận thức du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang đậm giá trị văn hóa, mang tính liên kết ngành, vùng đến tư duy phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn như Bộ Chính trị đã khẳng định tại Nghị quyết 08 là một bước tiến rất dài. Đây là Nghị quyết có tính đột phá.”
Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, đâu đó trong tư duy, nhận thức và hành động của chúng ta vẫn chưa coi du lịch là một ngành kinh tế, chưa ứng xử với nó như một ngành kinh tế mũi nhọn nên hạ tầng du lịch, doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch vẫn là vấn đề phải tập trung trong thời gian tới.
Chia sẻ những cách làm du lịch rất độc đáo và hiệu quả của một số nước trên thế giới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quan trọng nhất vẫn phải là tư duy, tầm nhìn, là cách làm du lịch và sản phẩm du lịch như thế nào.
Đánh giá cao việc Hội đồng Dân tộc đã phối hợp với Viện Kinh tế Văn hóa thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo về chủ đề “Liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng Chiến khu Việt Bắc,” Chủ tịch Quốc hội nhất trí với ý kiến của các đại biểu rằng du lịch là một chuỗi liên kết rất chặt chẽ giữa các ngành, các vùng; đồng thời cho rằng trong tái cấu trúc ngành du lịch, phải gắn rất chặt với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cách mạng - nguồn tài nguyên vô cùng đồ sộ, phong phú và quý giá của đất nước ta.
Với 6 tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc, phát triển du lịch còn phải gắn với việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như vừa qua đã có những mô hình làm du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản rất thành công tại bản Sin Suối Hồ, tỉnh Lai Châu...
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các địa phương góp phần cùng với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thuộc lĩnh vực du lịch bởi hiện nay, mặc dù du lịch đã có những bước phục hồi tích cực nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, trên cơ sở kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng và Nhà nước đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng một chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa, trong đó có nội dung bảo tồn, phát huy giá trị các di tích...
Trong hơn 1 năm qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức nhiều toạ đàm, hội thảo về du lịch và đưa ra nhiều kiến nghị để hỗ trợ, phục hồi và thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Chủ tịch Quốc hội mong muốn các thành viên Câu lạc bộ Kinh tế, Văn hoá và Du lịch - đều là những chuyên gia trong lĩnh vực này - có tiếng nói đóng góp thiết thực, hiến kế cho Nhà nước, cho các địa phương trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội mong nhận được sự đóng góp ý kiến của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong việc góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách cũng như để các quyết sách của Quốc hội sát với thực tiễn cuộc sống nhất./.
Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/phat-trien-du-lich-phai-gan-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-lich-su-a4415.html