Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thường xuyên kiểm tra thực tế để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. |
Mới đây, Sở Xây dựng đã đối thoại với lãnh đạo, đại diện gần 60 doanh nghiệp về các vấn đề về đơn giá xây dựng chưa sát với giá thị trường, thiếu đất san lấp; hợp đồng theo đơn giá cố định, trọn gói khi giá nguyên, nhiên liệu có biến động lớn làm cho việc triển khai công trình, dự án gặp nhiều khó khăn.
Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Đức Khánh cho biết, những vấn đề đại diện doanh nghiệp nêu đều đang diễn ra trong thực tế, Sở Xây dựng đã giải quyết trong phạm vi thẩm quyền như đã bổ sung 26 mỏ và điểm mỏ đất vào quy hoạch; những vấn đề mang tính chất liên sở thì phối hợp chặt chẽ để xem xét giải quyết, như cập nhật, ban hành giá xây dựng sát với thị trường; các vấn đề khác sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét giải quyết trong thời gian sớm nhất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những kiến nghị của doanh nghiệp, Sở Xây dựng sẽ có văn bản trả lời trong 7 ngày.
Trước đó, tại cuộc đối thoại của Sở Công thương vào đầu tháng 8/2022, doanh nghiệp có 13 kiến nghị bằng văn bản và nêu trực tiếp vấn đề cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường chưa phù hợp với thực tiễn khai thác; quy hoạch khai thác quặng titan; quản lý các hợp tác xã điện; việc gắn kết giữa các đơn vị sản xuất-kinh doanh với Sở Công Thương; việc cung cấp than đối với các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh...
Lãnh đạo Sở Công Thương đã trực tiếp giải đáp các kiến nghị, giải quyết ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền, tiếp thu các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp đối với công tác quản lý. Sở Công thương khẳng định, sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường gắn kết để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thời gian gần đây, các địa phương có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thu hút vốn FDI với số lượng lớn như thành phố Thái Nguyên, Phổ Yên; Cục thuế tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tổ chức đối thoại với doanh nghiệp. Các cuộc đối thoại này có lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành dự. Qua đó, nhiều vấn đề về giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh được tiếp thu, nắm bắt sâu sắc, tháo gỡ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng yêu cầu, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, công việc này phải đi vào nền nếp trong thời gian tới, nhằm thực hiện cam kết của tỉnh là thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư là thành công của tỉnh. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi nhất, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Để đối thoại mang lại hiệu quả thực chất, thiết thực, các ý kiến, kiến nghị, đề xuất, đề nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư phải được ghi chép đầy đủ, tổng hợp nội dung. Trong thời gian 7 ngày kể từ ngày kết thúc hội nghị, cơ quan chủ trì đối thoại phải ban hành văn bản trả lời, phúc đáp đầy đủ từng ý kiến và gửi trực tiếp đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, sau đó giải quyết dứt điểm và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Với nhiều vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh được giải quyết kịp thời qua đối thoại, tiếp xúc, đã góp phần làm cho kinh tế của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phục hồi tích cực, đó là 7 tháng năm 2022, sản xuất công nghiệp tăng hơn 11%; tổng thu ngân sách đạt hơn 10,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,2%, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 19,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021.
THẾ BÌNH
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/thai-nguyen-giai-quyet-kip-thoi-nhieu-vuong-mac-thong-qua-doi-thoai-a4756.html