Cách phân biệt Covid-19 chủng mới và cúm A

Covid-19 và cúm A đều là bệnh do virus gây ra và có triệu chứng tương tự nhau dễ gây nhầm lẫn. Covid-19 chủng mới gây ra triệu chứng đặc trưng là mất khứu giác, vị giác, có thời gian ủ bệnh dài, tốc độ lây mạnh hơn nhiều so với cúm A. Tuy nhiên, có vài điểm khác biệt giữa 2 bệnh này có thể giúp chúng ta nhận diện.

covid.jpg (800×533)
Covid-19 và cúm A đều do virus đường hô hấp gây ra.
Cả 2 bệnh đều có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành khi tiếp xúc gần. Bệnh lây lan chủ yếu bởi các giọt bắn có chứa virus được tống ra ngoài khi người mắc bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Những hạt này có thể rơi vào miệng hoặc mũi người ở gần đó và được hít vào phổi.
Ngoài ra, cả 2 bệnh đều có thể lây truyền qua tiếp xúc các đồ vật, bề mặt nhiễm virus

Thời gian ủ bệnh


Covid-19: Giai đoạn ủ bệnh lâu hơn Cúm A. Thông thường là khoảng 5 ngày sau khi nhiêm virus, nhưng các triệu chứng cũng có thể xuất hiện sau 2 – 14 ngày.
Cúm A: Triệu chứng xuất hiện trong vòng 1 – 4 ngày sau khi nhiễm virus.

Thời gian lây lan virus
Covid- 19
-    Có thể lây lan ít nhất 1 ngày (hoặc sớm hơn) trước khi có triệu chứng, nhưng khi tới thời gian lây nhiễm của Covid-19 dài hơn so với khi bị cúm A.
-    Bệnh vẫn lây trong ít nhất 10 ngày sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. nếu không có triệu chứng hoặc các triệu chứng biến mất, người bệnh vẫn có thể lây nhiễm trong ít nhất 10 ngày sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19.
-    Những người mắc bệnh nặng và những người bị suy giảm hệ miễn dịch có thể bị lây trong 20 ngày hoặc lâu hơn.
Cúm A
-    Có thể lây lan ít nhất 1 ngày trước có triệu chứng.
-    Trẻ em và người lớn bị cúm dễ lây nhất trong 3 – 4 ngày đầu của bệnh, nhưng phổ biến nhất là khoảng 7 ngày.
-    Trẻ sơ sinh và những người có hệ miễn dịch suy yếu có thể bị lây nhiễm trong thời gian dài hơn.

Cách thức lây nhiễm
-    Đều có thể lây lan từ người sang người khi tiếp xúc gần (trong khoảng 2 mét). Lây lan chủ yếu bởi các giọt bắn có chứa virus được tống ra ngoài khi những người mắc bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Những hạt này có thể rơi vào miệng hoặc mũi của người ở gần đó và được hít vào phổi. Đối với môi trường trong nhà có hệ thống thông gió kém, các hạt nhỏ có thể lây lan xa hơn 2 mét và gây nhiễm bệnh.
-    Ngoài phương thức chủ yếu là cơ quan đường hô hấp, một người có thể bị nhiễm bệnh khi chạm vào bề mặt có virus trên đó, và sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của mình.
-    Virus COVID-19 thường dễ lây lan hơn virus cúm A.

Triệu chứng


Covid-19
-    Có 11 triệu chứng thường gặp ở người bị mắc Covid-19: Sốt, ớn lạnh, ho, thở gấp, khó thở, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, mất vị giác, viêm họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy. Trong số này, mất khứu giác/vị giác và khó thở là những triệu chứng đặc trưng có thể giúp phân biệt với cúm A.
-    Phần lớn các trường hợp mắc Covid-19 và cúm A thường hồi phục sau một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, với một nhóm các bệnh nhân bệnh có thể diễn tiến nặng, dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng, thậm chí tử vong. Nguy cơ diễn biến nặng cao ở những người thuộc nhóm nguy cơ như: người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính (như bệnh mạn tính ở tim, phổi, thận, gan hoặc máu), phụ nữ mang thai và người có tình trạng ức chế miễn dịch (như HIV/AIDS, đang điều trị hóa chất hoặc Corticosteroid).
-    Vì một số triệu chứng của bệnh cúm, Covid-19 và các bệnh đường hô hấp nói chung là khá tương đồng nhau, nên rất khó phân biệt cúm A và Covid-19 nếu chỉ dựa trên các triệu chứng. Chỉ có xét nghiệm sinh học mới có giá trị chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh. Thậm chí một người có thể bị đồng nhiễm cả bệnh cúm và Covid-19 cùng một lúc, do đó có các triệu chứng của cả hai.
Cúm A
-    Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra khi chuyển giao giữa hai mùa đông - xuân (cúm do mùa). Tuy nhiên, hiện tại miền Bắc, ngay giữa mùa hè thời tiết nắng nóng, ca nhiễm cúm A vẫn gia tăng. Nhiễm cúm loại A có thể nghiêm trọng và gây ra đại dịch bệnh trên diện rộng, một số trường hợp nhẹ hơn, cúm có thể tự khỏi mà không có triệu chứng đáng kể, các trường hợp nghiêm trọng của cúm loại A có thể đe dọa đến tính mạng.
-    Bệnh cúm A đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng như: sốt, ho, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, đau họng và chảy nước mũi. Tuy nhiên không phải trường hợp nào mắc cúm đều có đầy đủ các triệu chứng của bệnh, ước tính có khoảng 75% các ca nhiễm cúm không có triệu chứng điển hình.

Biến chứng 
Cúm A và Covid-19 đều có khả năng chuyển nặng trên người lớn tuổi; người có bệnh nền như bệnh hô hấp mạn tính, ung thư, bệnh tim mạch; người suy giảm miễn dịch.
Các biến chứng có thể gặp ở cả 2 bệnh gồm viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển... Riêng với Covid-19 còn có thể gây ra huyết khối ở một số vị trí như động mạch phổi hoặc hội chứng đáp ứng viêm hệ thống. Nhìn chung, Covid-19 gây ra biến chứng nặng hơn, tỷ lệ nhập viện, tử vong cao hơn so với cúm; có thể xảy ra ngay cả ở người khỏe mạnh, trong khi cúm thường nặng hơn ở người sức khỏe yếu.

Làm gì để phòng tránh bệnh?


Để chủ động phòng bệnh cúm A và Covid-19, mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
-    Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
-    Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
-    Tiêm vaccine, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.
-    Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm, Covid-19 hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
-    Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Điều trị bệnh


Do cúm A và Covid-19 có một số triệu chứng lâm sàng giống nhau nên có thể điều trị triệu chứng tương tự nhau, bằng thuốc hạ sốt, bù nước, điện giải. Nếu bệnh diễn tiến nhẹ có thể theo dõi, điều trị tại nhà, cách ly với những người xung quanh. Nếu bệnh huyển nặng thì cần điều trị tại bệnh viện.
Tuy nhiên, do tác nhân gây bệnh, cơ chế bệnh sinh của cúm A và Covid 19 khác nhau nên vẫn có một số khác biệt ở thuốc điều trị. Thuốc kháng virus được khuyến cáo dùng sớm ở những đối tượng nguy cơ cao hoặc cần nhập viện do cúm. Thuốc kháng virus cúm không được chỉ định cho người mắc Covid-19. Ngược lại, thuốc kháng virus Sars-CoV-2 cũng không được chỉ định cho người mắc cúm.

Đặng Quỳnh Trang,tổng hợp

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/cach-phan-biet-covid-19-chung-moi-va-cum-a-a4757.html