Phú Quốc - điểm đến thúc đẩy phát triển du lịch

Phú Quốc - thành phố biển đảo được nhiều du khách yêu mến đặt cho tên gọi là “thiên đường du lịch nghỉ dưỡng”.

Cần phải làm gì để Phú Quốc không chỉ là một điểm đến mà kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế tài chính, giao thông vận tải... của khu vực và thế giới? Câu trả lời là: Phú Quốc phải phát triển bền vững, giữ môi trường xanh và những nét nguyên sơ.

Khẳng định tên tuổi trên bản đồ du lịch thế giới

Chị Nguyễn Thu Trang (Hà Nội) vừa cùng gia đình trở về từ Phú Quốc. Đây là chuyến đi thứ hai của gia đình chị trong năm nay tới Phú Quốc, sau chuyến đầu tiên vào cuối tháng 1, khi du lịch đang còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Chuyến đi thứ nhất mang lại nhiều trải nghiệm thú vị sau 2 năm phải ở nhà nên gia đình chị quyết định đưa ông bà và con cái trở lại “đảo ngọc” trước khi các con vào năm học mới. “Gia đình tôi ai cũng thích Phú Quốc bởi người già thì tắm mình trong ánh mặt trời, thưởng thức những đặc sản giàu tính văn hóa của địa phương như nước mắm, hồ tiêu..., người trẻ thì thỏa sức thả mình vào làn nước trong xanh, cát trắng, lặn biển, chơi lướt ván bằng tàu cao tốc, đi thăm safari...”, chị Trang giải thích cho lý do quay trở lại Phú Quốc vào dịp này của gia đình.

Gia đình chị Trang cũng giống như nhiều người khác bị thu hút bởi những trải nghiệm thú vị ở Phú Quốc. Chẳng thế mà đầu tháng 8, Tạp chí Travel+Leisure (Mỹ) đã chọn Phú Quốc là đại diện duy nhất của Việt Nam nằm trong số 25 hòn đảo đẹp nhất thế giới năm 2022. Điều này cùng sự thừa nhận của du khách trên toàn cầu là những minh chứng cho thấy Phú Quốc đã vượt khỏi phạm vi nội địa để khẳng định tên tuổi trên bản đồ du lịch thế giới.

Phú Quốc - điểm đến thúc đẩy phát triển du lịch
Đảo ngọc Phú Quốc. Ảnh: TUẤN HUY 

Thực tế, Phú Quốc là một trong những địa phương thu hút khách du lịch đông nhất. Trong năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Phú Quốc vẫn đón hơn 3,55 triệu lượt khách du lịch, vượt Phuket (Thái Lan), Venice (Italy), Bali (Indonesia), Maldives..., hay thị trường nội địa Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa). Lũy kế 8 tháng qua, Phú Quốc ước đón 3,722 triệu lượt khách (tăng 131,8% so với cùng kỳ, đạt 98% kế hoạch năm). Trong đó, khách quốc tế ước đón khoảng 99.578 lượt (đạt 55,3% kế hoạch năm); doanh thu ước đạt 4.528 tỷ đồng (tăng 131,6% so với cùng kỳ, đạt 67% kế hoạch năm). Theo ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang: “Hoạt động du lịch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông-lâm-thủy sản và kích thích thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển; giải quyết việc làm cho gần 16 nghìn lao động, góp phần tăng thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách; vị trí, vai trò của ngành du lịch ngày càng được khẳng định, tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng cao và đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế”.

Đánh giá về điểm đến này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng: “Không phải ngẫu nhiên mà Phú Quốc được chọn là nơi đầu tiên thí điểm mở cửa trở lại để đón du khách quốc tế khi phục hồi du lịch. Phú Quốc không đơn thuần là một hòn đảo và dễ dàng kiểm soát dịch bệnh mà bởi đây là điểm đến quan trọng, giống như một động lực thúc đẩy ngành du lịch phía Nam nói riêng, cả nước nói chung”. 

Hướng đến du lịch xanh

Phú Quốc được biết đến là một “thiên đường du lịch nghỉ dưỡng”, nhưng trong tương lai gần, Phú Quốc được xác định không chỉ là một điểm đến. Theo Quyết định số 767/QĐ-TTg ngày 23-6-2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040, hòn đảo có tính chất là đô thị biển-đảo độc đáo, đặc sắc, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại I; là khu kinh tế có vị thế đặc biệt, trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển-đảo đặc sắc và có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế, trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế; là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; có vị trí đặc biệt về quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do phát triển “nóng” nên thời gian qua, có lúc, có nơi trên địa bàn thành phố xảy ra một số vi phạm, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, cảnh quan “đảo ngọc”. Để phát triển bền vững, việc đầu tiên Phú Quốc nên làm là giải quyết các vấn đề nội tại rồi mới tính đến bước phát triển các khu đô thị hiện đại. GS, TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ: “Tôi vẫn thường suy nghĩ, đến Phú Quốc là tới thiên đường của thiên nhiên không bị ô nhiễm, mọi hoạt động đều thân thiện nhất với môi trường. Tiềm năng nổi bật về du lịch của Phú Quốc chính là sự nguyên vẹn của hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái biển và hệ sinh thái nông nghiệp. Lúc này, điểm khác biệt được đặt ra đối với Phú Quốc phải là "du lịch xanh". Phú Quốc nên lấy điểm mạnh là nơi còn nguyên môi trường, bảo đảm như viện bảo tàng môi trường”.

Ví Phú Quốc như một viên ngọc càng mài càng sáng, nhưng cũng cần lưu ý nếu mài không cẩn thận sẽ hỏng mất viên ngọc đẹp này, theo PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: “Sở dĩ Phú Quốc phát triển đến ngày hôm nay là nhờ có sự đóng góp của các nhà đầu tư chiến lược, nhưng phát triển về đường dài thế nào sẽ cần bàn luận thêm nhiều vấn đề. Đặc biệt, nước là vấn đề cần quan tâm tại Phú Quốc, chúng ta không nên biến "đảo ngọc" thành "đảo ngập" như có lúc đã xảy ra thời gian vừa qua. Tôi cho rằng, cần nhìn vào lộ trình để có cách thức thực hiện an toàn và quy hoạch sẽ bám sát vào đó để điều chỉnh sao cho linh hoạt”.

Bài và ảnh: THANH BÌNH - HOÀNG GIANG

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/phu-quoc-diem-den-thuc-day-phat-trien-du-lich-a5072.html