Đột phá trong phát triển du lịch ở Thanh Thủy

Huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch khi được thiên nhiên ban tặng cho những lợi thế về điều kiện tự nhiên cùng các giá trị văn hóa đặc sắc. Đặc biệt là nguồn nước khoáng nóng giúp nơi đây trở thành điểm nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách và là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển du lịch.

Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại huyện Thanh Thủy.
Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại huyện Thanh Thủy.

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 65km, huyện Thanh Thủy nổi tiếng trên bản đồ du lịch vùng đất Tổ bởi nguồn nước khoáng nóng quý hiếm, có tác dụng chữa bệnh và tăng cường sức khỏe mà thiên nhiên dành tặng cho vùng đất này. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 36 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có 5 di tích cấp quốc gia và 31 di tích lịch sử cấp tỉnh.

Xác định phát triển du lịch là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội, trong những năm qua, Đảng bộ huyện Thanh Thủy đã đề ra nhiều giải pháp, tranh thủ nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Hiệu quả bước đầu

Hiện nay trên địa bàn huyện có 8 đơn vị khai thác dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái hoạt động có hiệu quả như Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh, Vườn Vua Resort & Villas, Bamboo Resort, Tre Nguồn Resort…

Với diện tích gần 65ha, khu du lịch Đảo Ngọc Xanh tại thị trấn Thanh Thủy là điểm nhấn ngày càng tạo được ấn tượng với du khách bởi quần thể du lịch sinh thái phong phú, hấp dẫn với hệ thống khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, phong phú, đa dạng. Trung bình mỗi ngày đón khoảng 3.000 lượt khách; thường xuyên duy trì việc làm ổn định cho 130 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân là 6.500.000 đồng/người/tháng; mỗi năm tiêu thụ hàng trăm tấn hàng hóa, nông sản thực phẩm của nhân dân địa phương.

Ngoài đóng góp cho ngân sách địa phương, đơn vị còn tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Bình quân mỗi năm, đơn vị dành khoảng 3 tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo vay vốn không lấy lãi, xây nhà nhân đạo, nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, tặng quà gia đình chính sách…

Ông Chu Sỹ Hải, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy cho biết, từ khi khu du lịch Đảo Ngọc Xanh đi vào hoạt động đã làm thay đổi bộ mặt của khu vực này. Hạ tầng cơ sở trên địa bàn thị trấn được đầu tư xây dựng, giá trị đất được nâng lên, nhiều con em địa phương có công ăn việc làm, nông sản, hàng hóa của bà con được tiêu thụ.

Tại xã Đồng Trung, một xã khó khăn của huyện Thanh Thủy, những năm trước, trên địa bàn xã có nhiều diện tích nông nghiệp sản xuất không hiệu quả, thậm chí bỏ hoang không canh tác. Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, huyện Thanh Thủy cho biết, trước đây toàn bộ diện tích trên là cánh đồng trũng, việc canh tác của bà con gặp khó khăn, hiệu quả không cao. Từ khi khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua đi vào hoạt động, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, nhiều lao động có việc làm ổn định.

Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua (Vườn Vua Resort & Villas) có tổng vốn đầu tư 4.247 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm. Hiện nay, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng gần 300 căn biệt thự và đầy đủ hệ thống công trình phụ trợ như quần thể gần 500 bể bơi bốn mùa, hệ thống nhà hàng, công trình thể thao, giải trí trải đều theo các phân khu của dự án…

Ông Dương Quốc Tuấn, Giám đốc Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua chia sẻ, trong thời gian qua, ngoài việc đóng góp ngân sách địa phương, đơn vị còn tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Ngoài ra, hằng năm, đơn vị tổ chức các hoạt động nhân đạo từ thiện, xây trường học và các chương trình xóa đói giảm nghèo, ủng hộ quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, xóa nhà tạm… với số tiền hàng tỷ đồng.

Đột phá trong phát triển du lịch ở Thanh Thủy ảnh 1

Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua là điểm nhấn du lịch của huyện Thanh Thủy.

Cơ hội để bứt phá

Những năm vừa qua, cùng sự quan tâm của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và người dân, đến nay, du lịch Thanh Thủy đã có những bước phát triển theo định hướng của tỉnh, của huyện và là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao.

Trong 5 năm qua, huyện đã thu hút đầu tư cho phát triển du lịch với số vốn hơn 7.000 tỷ đồng; doanh thu du lịch, dịch vụ, kinh doanh khách sạn, nhà hàng... ước đạt 720,7 tỷ đồng (bình quân tăng hơn 10%/năm, chiếm tỷ trọng 10,4% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ toàn xã hội của huyện); thu hút hơn 2,2 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (trong đó khách lưu trú ước đạt 317 nghìn lượt người); tạo việc làm ổn định cho khoảng 16.000 lao động trực tiếp và gián tiếp...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Thủy lần thứ 26, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định du lịch là khâu đột phá, xây dựng huyện thành vùng trọng điểm du lịch, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của tỉnh. Đồng thời, gắn phát triển du lịch với xây dựng nông thôn mới, chú trọng hình thành các sản phẩm du lịch; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên phục vụ cho du lịch.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thu hút hơn 1,5 triệu lượt khách/năm; doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 18 nghìn lao động. Đến năm 2030, Thanh Thủy trở thành huyện du lịch, trung tâm du lịch của tỉnh Phú Thọ với 2,5 triệu lượt khách/năm, doanh thu đạt gần 1.800 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 30 nghìn lao động.

Ông Dương Quốc Lâm, Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy cho biết, trong những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt khâu đột phá về phát triển du lịch. Huyện đã triển khai nhiều giải pháp như: tuyên truyền, quảng bá, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Thủy.

Đến nay, huyện đã xây dựng được 3 vùng không gian du lịch gồm: Vùng du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội truyền thống; vùng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ẩm thực và vùng du lịch trải nghiệm, giáo dục truyền thống về cội nguồn.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung và quản lý quy hoạch về phát triển du lịch; đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch.

Đồng thời, huyện cần thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị, nét đặc sắc của một số lễ hội, nghi thức truyền thống để hình thành điểm du lịch văn hóa, trải nghiệm; xây dựng các địa điểm trưng bày, giới thiệu các sản vật đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn OCOP của huyện, tỉnh tại khu điểm du lịch; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, các tour, tuyến kết nối các điểm du lịch trên địa bàn huyện...

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Thanh Thủy luôn đồng hành, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong hoạt động du lịch đến đầu tư, đưa dải đất ven sông Đà ngày càng phát triển.

NGỌC LONG

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/dot-pha-trong-phat-trien-du-lich-o-thanh-thuy-a5112.html