Cháu Huệ thường xuyên tới nhà chị Nhung để thêu cờ cùng các bậc cao niên. Bà Thiết và chị Nhung hướng dẫn bé Huệ đi đường kim sao cho chính xác và đẹp nhất. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, từ xa xưa, làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng bởi các sản phẩm dệt, thêu truyền thống.
Vào tháng 8/1945, các nghệ nhân của làng được Ủy ban kháng chiến kêu gọi thêu cờ Tổ quốc chuẩn bị cho khởi nghĩa Cách mạng tháng 8. Cách mạng Tháng Tám thành công, hàng trăm nghìn lá cờ đỏ sao vàng ở Từ Vân đã tung bay trong rừng cờ mừng Quốc khánh 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình.
Đó là thời khắc lịch sử và cũng là dấu mốc "khai sinh" ra nghề may cờ của làng Từ Vân.
Ngày nay, hằng ngày, lá cờ Tổ quốc do người làng Từ Vân may vẫn tung bay trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ cột cờ Lũng Cú đến đảo Trường Sa, từ phố phường cho đến làng quê luôn khơi dậy trong lòng mỗi chúng ta hai tiếng Việt Nam đầy tự hào. Và, đó cũng chính là niềm tự hào riêng của những người dân làng Từ Vân.
Đôi mắt đăm chiêu, thi thoảng nheo lại vì mỏi, bà Nguyễn Thị Thiết năm nay đã ngoài thất thập vẫn hằng ngày miệt mài với công việc thêu cờ Tổ quốc. Qua hơn 40 năm gắn bó với công việc này, bà Thiết luôn luôn tự nhủ trong lòng phải thật tỉ mỉ và chính xác trong từng đường kim trên ngôi sao vàng vì đó là xương máu của cha ông đã nằm xuống.
Lá cờ ngay từ lúc cắt vải và in ngôi sao cần phải thật chính xác đến từng ly. Với mọi kích thước, tâm của ngôi sao luôn nằm chính giữa nền đỏ. Bà Thiết nhíu đôi mày nói: “Làm không chuẩn là có tội, hồn Tổ quốc là phải chuẩn phải đẹp.” Đôi tay lại thoăn thoắt những mũi kim, vừa làm vừa kể về những lần làng xóm nhộn nhịp cả đêm lẫn ngày để làm cờ. Bà nhớ về đợt làm cờ, băng rôn cho ngày bầu cử diễn ra vào năm 2021, làm từ 6 giờ sáng đến tận đêm nhưng niềm vui đã xua đi cái mệt mỏi.
Bà Nguyễn Thị Thiết năm nay 71 tuổi nhưng vẫn rất cần mẫn, thận trọng trong từng đường kim mũi chỉ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam +)
Không chỉ riêng người làng Từ Vân mới thấy xúc động khi thấy lá cờ phấp phới ở lăng Chủ tịch nhưng với người dân nơi đây, đó là một cảm xúc đặc biệt. Bỗng bà Thiết dừng mũi kim đang thêu dở, đôi mắt nhìn xa xăm để hồi tưởng lại những cảm xúc bồi hồi mỗi lần ra thăm lăng Bác. Ngước nhìn lá cờ tung bay tại quảng trường Ba Đình, bên cạnh cảm xúc bùi ngùi vì máu xương cha ông đã đổ xuống để giữ gìn được lá cờ hôm nay là niềm tự hào khi tự tay mình đã thêu lên lá cờ đó.
Ngoài những bậc cao niên như bà Thiết, gia đình chị Nhung đã làm nghề may cờ qua nhiều thế hệ. Chị gắn bó với lá cờ từ thuở nhỏ, khi ngồi làm những công đoạn đơn giản cùng cha. Vừa ngắm nghía để căn chuẩn tỷ lệ của ngôi sao trên nền cờ chị vừa nói: "Tuy làm hàng để bán nhưng với tôi lá cờ không phải là hàng hóa, đó là việc đưa hồn Tổ quốc đi khắp nơi trên dải đất hình chữ S này.”
Lá cờ ở Từ Vân, cứ thế tung bay trong một dịp lễ, hay nhân một sự kiện chính trị trọng đại nào đó, len lỏi tới tất cả cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện đến từng đường làng, ngõ xóm, nhà riêng…
Làm cờ phải cẩn trọng trong bất kì công đoạn nào, chị Nhung nắn nót từng nét sơn tạo hình ngôi sao lên tấm vải đỏ trước khi thêu chỉ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Nhưng tự hào thôi là chưa đủ, người Từ Vân luôn canh cánh trong lòng về sứ mệnh truyền nghề cho những thế hệ sau.
Hơn 40 năm qua, bà Thiết chưa từng bao giờ có suy nghĩ sẽ bỏ nghề thêu cờ, trong tâm niệm bà luôn đau đáu trong lòng phải giữ nghề cha ông. “Tôi sẽ làm đến khi nào không làm được nữa,” là câu nói như thường trực trong đầu của bà khi tôi buột miệng hỏi bà định làm nghề này đến khi nào?
Bà Thiết thường đau đáu một nỗi niềm e rằng sau này vì hoàn cảnh cuộc sống mà không ai theo nghề này nữa. Vì vậy, ngày ngày, bà vẫn sang nhà chị Nhung để thêu những lá cờ Tổ quốc, tạo sự làm quen cho lũ trẻ con với những công việc đơn giản để dần hình thành sự say nghề. Gia đình chị Nhung có cô con gái đã đi lấy chồng nhưng vẫn tranh thủ chạy về phụ mẹ làm nghề, chị Nhung nói: “Rồi sau này, tôi cũng hướng cho thế hệ sau làm nghề không tìm được người kế thừa là chúng tôi có lỗi với Tổ quốc.”
Hiện tại các cháu của chị chỉ làm được công việc đơn giản tuy nhiên vẫn có “hạt ngọc” Lê Thị Huệ là đã thoăn thoắt thêu tay trên những lá cờ. Huệ năm nay mới lên 8 tuổi, phụ gia đình từ thuở nhỏ, được bà Thiết nhìn thấy năng khiếu thêu thùa nên đã kết hợp với chị Nhung để rèn giũa cháu.
Cháu Huệ thường xuyên tới nhà chị Nhung để thêu cờ cùng các bậc cao niên. Bà Thiết và chị Nhung hướng dẫn bé Huệ đi đường kim sao cho chính xác và đẹp nhất. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Thời gian đầu, Huệ hay ngồi xem các bà thêu cờ và giúp các bà luồn chỉ, khi bà Thiết hướng dẫn Huệ đặt những mũi kim đầu tiên lên ngôi sao vàng, Huệ cảm thấy hứng thú với công việc này. Sau một thời gian cô bé lớp 3 dần quen tay và có thể thêu cùng các bà.
Bà Thiết vừa dạy thêu, vừa nói về ý nghĩa thiêng liêng của lá cờ Tổ quốc. Trong những buổi thêu, bà thường kèm theo những câu chuyện được cha ông kể lại. Kể về những sự kiện lịch sử, giúp thế hệ sau hiểu được sự thiêng liêng và trân quý của lá cờ mình đang thêu. Từ đó thấy trân trọng hơn và hiểu hơn về ý nghĩa, niềm vinh dự trong công việc mình đang làm.
Bé Huệ nghe theo lời dặn của các bà luôn thận trọng và tỉ mỉ trong từng mũi kim đâm xuống. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Cờ thêu tay rất khó, không được chồng chéo chỉ lên nhau, chỉ được rải một lớp và tách được 5 cánh sao tách biệt và có được độ bóng. Những ngon tay nhỏ nhắn thoăn thoắt chẳng khác gì những bậc tiền bối, suốt cả dịp Hè, Huệ thường sang để thêu cùng các bà. Đối với em, đây là niềm vui, niềm vinh dự khi chính tay mình được thêu lá cờ Tổ quốc.
Chị Nhung hay bà Thiết đều canh cánh trong lòng để làm sao không chùn chân mỏi gối trong chặng đường duy trì nghề quý báu và rất đỗi thiêng liêng này. “Tuy nghề này chưa chắc là nghề sinh nhai cho thế hệ sau nhưng nó rất có ý nghĩa, phải biết trân trọng và cố gắng phát huy những gì đang có,” bà Thiết giãi bày.
Những lá cờ được làm ra từ bàn tay tài hoa, cần mẫn của những người thợ Từ Vân vẫn bền bỉ, óng đẹp theo thời gian, tung bay trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đó là niềm tự hào và cũng chính là niềm tin nghề may cờ Tổ quốc của làng Từ Vân sẽ tồn tại mãi với thời gian./.
Hoài Nam (Vietnam+)
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/lang-may-co-tu-van-noi-giu-gin-hon-thieng-song-nui-a5153.html