Việt Nam và Đức đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng

Với những hợp tác cụ thể trong lĩnh vực năng lượng thời gian tới, hai bên sẽ có điều kiện để trao đổi kinh nghiệm và cùng khuyến khích sáng kiến chung nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An (trái) và Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức Patrick Graichen trao biểu tượng hợp tác về chuyển đổi năng lượng. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Ngày 31/3, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) lần đầu tiên tổ chức Ngày Năng lượng Việt Nam-Cộng hòa Liên bang Đức.

Sự kiện được tiến hành song song với Đối thoại Chuyển đổi năng lượng Berlin và sẽ được thực hiện thường niên giữa hai nước.

Phát biểu tại sự kiện được tổ chức tại trụ sở Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An đã điểm lại mối quan hệ truyền thống, hữu nghị và hợp tác tốt đẹp đang ngày phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện giữa Việt Nam và Đức.

Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi các đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác. Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Liên minh châu Âu (EU), chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang khối này và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Thương mại song phương năm 2021 đã tăng hơn 13% so với năm trước đó, đạt mức 11,3 tỷ USD.

Từ năm 2013, năng lượng trở thành một trong những ưu tiên hợp tác phát triển của Đức tại Việt Nam. Chính phủ Đức đã hỗ trợ Việt Nam thông qua việc cung cấp các nguồn vốn vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính. Chương trình Hỗ trợ Năng lượng của GIZ đã hỗ trợ thực hiện nhiều dự án thuộc các lĩnh vực cụ thể của ngành năng lượng tại Việt Nam, nhằm đóng góp vào chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Cục trưởng Cục Điện lực Hoàng Tiến Dũng giải đáp một số câu hỏi tại Ngày Năng lượng Việt Nam-Đức lần thứ nhất. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh tại Hội nghị COP26 được tổ chức tại Glasgow (Anh) tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam kiên trì thực hiện các mục tiêu chuyển dịch nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính...

Thứ trưởng Đặng Hoàng An nêu rõ trên cơ sở quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước và đặc biệt với sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng thời gian qua, sáng kiến tổ chức thường niên Ngày Năng lượng Việt Nam-Đức sẽ tiếp tục tạo thêm những tiền đề thuận lợi cho sự hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức.

Nội dung trọng tâm trong khuôn khổ hợp tác này là đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và tăng cường hiệu quả năng lượng. Việt Nam hy vọng hai nước sẽ phối hợp phát huy tốt các nguồn lực sẵn có để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể, hiệu quả, tiếp tục đưa ra các mục tiêu cũng như kế hoạch hợp tác mới cho tương lai.

Tại sự kiện, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức, ông Patrick Graichen, bày tỏ vui mừng khi hai nước lần đầu tiên kích hoạt sự kiện Ngày Năng lượng Việt Nam-Cộng hòa Liên bang Đức, diễn đàn mà hai bên sẽ có điều kiện thảo luận kỹ về các biện pháp chuyển đổi năng lượng. Theo ông, tình hữu nghị và sự hợp tác tốt đẹp ở các cấp giữa hai nước sẽ là nền tảng cho sự hợp tác hiệu quả về năng lượng giữa hai bên trong tương lai.

Đức cũng ghi nhận những cam kết sâu rộng về bảo vệ khí hậu mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26 ở Glasgow, đáng chú ý là mục tiêu đưa phát thải ròng về mức 0 vào thập niên 2050, loại bỏ điện than vào thập niên 2040. Ông Graichen đánh giá cao quyết định này của Việt Nam trong bối cảnh những thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu mà thế giới phải đối mặt. Ông khẳng định Đức sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng, cùng chung tay với thế giới để bảo vệ môi trường Trái Đất.

Theo ông Graichen, Chính phủ mới ở Đức đặt trọng tâm vào chuyển dịch năng lượng và chống biến đổi khí hậu với những mục tiêu lớn. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên G7, Đức muốn hỗ trợ cho các nước mới nổi trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Ông nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Đức trong lĩnh vực bảo vệ khí hậu-môi trường và hai nước cho tới nay đã có sự hợp tác chặt chẽ và tốt đẹp. Ông cho rằng sự kiện Ngày Năng lượng Việt Nam-Đức là dịp quan trọng để hai bên củng cố quan hệ hợp tác song phương. Với những hợp tác cụ thể trong lĩnh vực năng lượng thời gian tới, hai bên sẽ có điều kiện để trao đổi kinh nghiệm và cùng khuyến khích những sáng kiến chung nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Cũng trong phiên khai mạc Ngày Năng lượng Việt Nam-Cộng hòa Liên bang Đức, Cục trưởng Cục Điện lực Hoàng Tiến Dũng đã khái quát về tiến trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, trong khi bà Nicole Glanemann - Phó ban Hợp tác Năng lượng, Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức trình bày về các bài học kinh nghiệm chuyển dịch năng lượng ở Đức.

Tại phiên trao đổi về năng lượng tái tạo buổi chiều, các đại diện hai bộ cũng như các doanh nghiệp của Đức đã trình bày về sự hợp tác, công cụ hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, cũng như tiềm năng và kinh nghiệm hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặt biệt là điện gió và công nghệ hydro xanh.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Đức, tham dự diễn đàn Đối thoại chuyển đổi năng lượng Berlin, đoàn công tác do Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An dẫn đầu trước đó cũng đã làm việc với một số cơ quan, tổ chức, tập đoàn lớn của Đức và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin./.

Mạnh Hùng (Nguồn: TTXVN/Vietnam+)

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/viet-nam-va-duc-day-manh-hop-tac-trong-linh-vuc-nang-luong-a623.html