Trước những biến động mạnh thời gian vừa qua, xu hướng mua lại trái phiếu trước hạn của các doanh nghiệp vẫn diễn ra “rầm rộ”.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) vừa thông báo kế hoạch mua lại trước hạn mã trái phiếu HDB2027_03, phát hành ngày 22/12/2020, có kỳ hạn 7 năm.
Khối lượng dự kiến mua lại là 2 triệu trái phiếu, với mệnh giá 100.000vnđ/trái phiếu. Tổng giá trị dự kiến là 200 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có đảm bảo.
Ngày thực hiện quyền mua lại là 22/12/2022.
Trong 3 tháng trở lại đây, HDBank cũng đã tiến hành 2 đợt mua lại trước hạn một số mã trái phiếu. Tổng giá trị mua lại là 1.300 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 11/11, HDBank cho biết đã hoàn tất việc mua lại mã trái phiếu HDB2027_02, là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và thoả mãn các điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của HDBank theo quy định hiện hành.
Ngày phát hành của lô trái phiếu là 10/11/2020, đáo hạn ngày 10/11/2027; lãi suất cố định 8,5%/năm. Kể từ ngày hoàn thành mua lại vào 10/11/2022, trái phiếu HDB2027_02 sẽ bị huỷ bỏ.
Vào ngày 12/9/2022, HDB cũng đã hoàn tất mua lại trước hạn lô trái phiếu HDB2027_01 phát hành ngày 11/9/2020, đáo hạn năm 2027. Tổng giá trị của lô trái phiếu là 800 tỷ đồng.
Từ đầu tháng 11 đến nay, một số doanh nghiệp khác cũng công bố mua lại thành công hàng loạt trái phiếu trước hạn.
Công ty CP địa ốc Sacom (Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) đã hoàn tất mua lại 6 đợt trái phiếu kể từ đầu tháng 11 đến nay.
Mã trái phiếu được mua lại là SLDCH2123001. Tổng giá trị mua lại sau 6 đợt là 25,7 tỷ đồng.
Theo thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty CP địa ốc Sacom đã tiến hành mua lại 1.243 trái phiếu SLDCH2123001, tương ứng 124,3 tỷ đồng thông qua 24 đợt kể từ đầu tháng 7 cho đến nay.
Lô trái phiếu trên có kỳ hạn 24 tháng kể từ ngày phát hành, tổng khối lượng phát hành là 2.375 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, ngày phát hành 28/06/2021 và ngày đáo hạn 28/06/2023.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và bảo đảm bằng quyền tài sản và giá trị hình thành từ việc đầu tư xây dựng dự án chung cư cao tầng kết hợp thương mại – dịch vụ - văn phòng (Samland Riverside) tại 147 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
Theo tìm hiểu, tài sản đảm bảo của lô trái phiếu 237,5 tỷ đồng là dự án chậm triển khai kéo dài. Tính tới ngày 30/9/2022, giá trị chi phí sản xuất kinh doanh Dự án chung cư Samland Riverside vẫn duy trì ở mức 126,99 tỷ đồng, so với đầu năm là 126,4 tỷ đồng.
Ngày 11/11 vừa qua, Tổng CTCP Thương mại Xây dựng – Vietracimex (nay là WTO) công bố thông tin hoàn tất mua lại 15,5 tỷ đồng mã trái phiếu WTO_BOND_BOND2019_2 có kỳ hạn 52 tháng, phát hành ngày 31/08/2020 và đáo hạn vào ngày 31/12/2024.
Thống kê từ đầu năm đến nay, Tổng CTCP Thương mại Xây dựng đã công bố 52 đợt mua lại trái phiếu trước hạn, với tổng giá trị 667,4 tỷ đồng.
Dữ liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, hiện Tổng CTCP Thương mại Xây dựng đang lưu hành 15 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 2.365 tỷ đồng.
Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng WTO (trước đây còn có tên gọi là Vietracimex). Theo giới thiệu, tiền thân của công ty này là Nhà máy Vật liệu Hà Nội được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải.
Năm 2006, đơn vị này cổ phần hóa thành Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng - Vietracimex, trong đó ông Võ Nhật Thăng có phần góp vốn chiếm tỷ lệ 93,37%. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa của đơn vị này bị Thanh tra Chính phủ kết luận là có nhiều sai phạm. Cụ thể, tại thời điểm đó ông Võ Nhật Thăng, khi đó là Chủ tịch HĐQT, người đại diện phần vốn Nhà nước, đã tự ý sử dụng quyền chi phối của cổ đông lớn để chỉ đạo Vietracimex hoạt động không theo đúng chủ trương, phương hướng, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, huy động thêm vốn góp… đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trải qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, WTO hiện tại sở hữu 15 công ty thành viên, hoạt động trong 04 lĩnh vực chính: Bất động sản, sản xuất công nghiệp, năng lượng và thương mại dịch vụ.
Ở mảng bất động sản, WTO là chủ đầu tư nhiều dự án như: khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội; dự án Hinode City tại số 201 Minh Khai, Hà Nội; dự án tòa nhà hỗn hợp khu văn phòng cho thuê và chung cư để bán tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; dự án Sunrise VNT Resort – Phú Quốc; dự án Bình Thạnh tại TP. HCM,…
Trong lĩnh vực năng lượng, những năm gần đây, các thành viên của doanh nghiệp trên đã liên tiếp hút về hàng nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, qua đó thể hiện tham vọng rất lớn của WTO trong lĩnh vực này.
Là doanh nghiệp có tiếng, nhưng những sai phạm của WTO không chỉ dừng lại ở sai phạm trong quá trình cổ phần hoá. WTO từng bị khách hàng “tố” khuất tất trong huy động vốn hợp tác đầu tư tại dự án Kim Chung - Di Trạch (dự án Hinode Royal Park), “chây ì” khoản nợ chậm nộp tiền sử dụng đất và xây dựng sai phép tại dự án Hinode City. Bên cạnh đó, WTO còn vướng vào không ít “lùm xùm” liên quan đến sai phạm tại các dự án năng lượng…
CTCP Tập đoàn Đạt Phương (mã chứng khoán DPG) mới đây đã công bố thông tin về mua lại trái phiếu. Theo đó Đạt Phương thực hiện mua lại lô trái phiếu DPGH2124001 theo nhu cầu của tổ chức phát hành thông qua thoả thuận với người sở hữu trái phiếu. Cụ thể, Đạt Phương dự kiến mua lại 1.000 trái phiếu với tổng mệnh giá 100 tỷ đồng.
Lô trái phiếu DPGH2124001 của Đạt Phương có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Tổng số trái phiếu phát hành là 3.000, tương ứng tổng giá trị phát hành 300 tỷ đồng. Trái phiếu phát hành vào ngày 28/10/2021, kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào 28/10/2024. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền.
Thời gian dự kiến mua lại từ ngày 5/12 hoặc một ngày nào khác căn cứ vào tình hình thực tế.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (trụ sở tại quận 3, TP HCM) vừa hoàn tất mua lại 240,5 tỷ đồng trái phiếu AGGH2122001. Đây là trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn vào ngày 20/12/2022.
Loại trái phiếu, lãi suất, trái chủ, mục đích phát hành của trái phiếu trên không được công ty công bố.
Công ty CP vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang cũng thông báo đã mua lại 126,1 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 10 năm. Lô trái phiếu trên phát hành vào ngày 19/04/2021, đáo hạn vào 19/04/2031. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền.
Theo đó, toàn bộ khoản tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu dự kiến sẽ được sử dụng để đầu tư “Dự án Khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí tổng hợp” tại Xã Vinh Thanh và Xã Vinh Xuân, Huyện Phú Vang, Tinh Thừa Thiên Huế. Khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được giải ngân từng phần vào Dự án và trong thời gian nguồn vốn nhàn rỗi chưa được giải ngân, Công ty sẽ sử dụng vào các hoạt động đầu tư và hoạt động khác để gia tăng lợi nhuận cho Công ty.
Kể từ đầu năm, Công ty CP vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang đã tiến hành 4 đợt mua lại trái phiếu trước hạn, với tổng giá trị lên đến hơn 1.826 tỷ đồng.
Doanh nghiệp ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn, Bộ Tài chính lưu ý các bên tham gia
Bộ Tài chính mới đây đã đưa ra các khuyến nghị về hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, trước các vi phạm của doanh nghiệp phát hành thời gian qua, trên thị trường xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị các chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ quy định của pháp luật và lưu ý như sau:
Đối với doanh nghiệp phát hành: Với nguyên tắc trái phiếu doanh nghiệp phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư.
Do đó, các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.
Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính thì phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp như: cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp; trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án.
Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ: Các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư để đảm bảo các nghĩa vụ đã ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.
Đối với các nhà đầu tư: Khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành.
Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt.
Khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu.
Nhà đầu tư cần đọc, hiểu và nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Linh Nguyễn
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/nhieu-doanh-nghiep-tiep-tuc-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-a6617.html