Vinataba có sai phạm trong việc thực hiện dự án tại 235 Nguyễn Trãi
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 380/TTg-KTTH ngày 17/3/2015 về việc Hỗ trợ vốn di dời Công ty Thuốc lá Thăng Long. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép Công ty Thuốc lá Thăng Long tiếp tục thực hiện Dự án di dời và chuyển mục đích sử dụng đất tại số 235 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội để thực hiện Dự án đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 1348/VPCP-KTTH ngày 13/3/2007 và thực hiện Hợp đồng hợp tác đầu tư đã ký với các đối tác để thành lập Công ty cổ phần bất động sản Thăng Long.
Đồng thời, Thủ tướng cho phép Công ty Thuốc lá Thăng Long được áp dụng Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị để tạo nguồn vốn hỗ trợ Dự án di dời Công ty Thuốc lá Thăng Long (cụ thể: được sử dụng số tiền thu từ chuyển mục đích sử dụng đất tại số 235 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội để thực hiện Dự án đầu tư di dời Công ty Thuốc lá Thăng Long ra Khu Công nghiệp Quốc Oai, thành phố Hà Nội theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hỗ trợ nghỉ việc cho người lao động tại Công ty Thuốc lá Thăng Long theo quy định) mà không phụ thuộc vào điều kiện Tổng công ty thuốc lá Việt Nam và Công ty Thuốc lá Thăng Long phải đáp ứng tối thiểu 26% vốn điều lệ khi Công ty cổ phần bất động sản Thăng Long tăng vốn điều lệ lên 2.350 tỷ đồng. Số tiền chuyển mục đích sử dụng đất còn lại (nếu có) phải nộp vào ngân sách thành phố Hà Nội theo quy định.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, khu đất 235 Nguyễn Trãi vẫn đang thuộc quản lý của Vinataba. Mới đây, Thanh tra Chính phủ vừa có Thông báo số 1871/TB-TTCP ngày 20/10/2022 Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam. Trong đó nêu rõ, việc thực hiện dự án tại 235 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội đã có một số sai phạm, Dự án kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ di dời nhà máy Thuốc lá Thăng Long, đến hiệu quả sử dụng vốn của Tổng công ty Thuốc lá. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện Dự án đến thời điểm hiện tại đã hơn 10 năm, nhiều cơ chế chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quản lý tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp đã có sự thay đổi mà thực tế Dự án chưa được triển khai, cần phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi tiếp tục thực hiện. Qua đó, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Vinataba báo cáo quá trình thực hiện Dự án tại 235 Nguyễn Trãi để xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trước khi tiếp tục thực hiện, trường hợp thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phải đấu giá theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thanh tra Chính phủ cũng từng có kết luận chỉ ra những sai phạm của Cty Thuốc lá Thăng Long nói chung và Bộ Công Thương nói riêng về việc chậm tiến độ di dời nhà máy và một số sai phạm của Vinataba. Trong Thông báo kết luận thanh tra số 541/TB-TTCP ngày 19/3/2014 của Thanh tra Chính phủ xác định: Vinataba Thăng Long không chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 235 Nguyễn Trãi để đầu tư dự án, không tổ chức đấu giá theo quy định mà mới ký hợp đồng hợp tác đầu tư với 05 công ty cổ phần để xây dựng Tổ hợp Văn phòng Trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở.
Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Vinataba Thăng Long tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, khu đất 235 Nguyễn Trãi theo quy định của pháp luật, để tạo nguồn vốn thực hiện dự án; xem xét xử lý trách nhiệm đối với một số cán bộ có vi phạm trong việc để dự án phải dừng thi công trong thời gian dài làm tăng chi phí đầu tư.
Siêu dự án trên khu đất 235 Nguyễn Trãi sau khi Vinataba di dời
Ngày 08/11/2016, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 6174/QĐ-UBND về việc Điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2016 quận Thanh Xuân. Trong văn bản nêu rõ, UBND TP.Hà Nội quyết định: Điều chỉnh, bổ sung Dự án Khu chức năng đô thị tại số 233, 233B, 235 đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân - Vinhomes Smart City, diện tích 11 ha (có Phụ lục kèm theo) vào kế hoạch sử dụng đất năm 2016 quận Thanh Xuân được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1716/QĐ-UBND ngày 13/4/2016 và điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 5135/QĐ-UBND ngày 20/9/2016. Chủ đầu tư dự án là đại diện liên danh Công ty CP BĐS Xavinco, Công ty CP Đầu tư Kinh doanh BĐS Thăng Long và Công ty TNHH Xalivico, trong đó Xavinco là đại diện.
Được biết, Công ty CP BĐS Xavinco được thành lập năm 2010, trong đó cổ đông sáng lập là Công ty CP Vincom (nay là Tập đoàn Vingroup). Cụ thể, theo thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: Ngày 10/5/2010, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vincom ban hành Quyết định số 08/2010/QĐ-HĐQT VINCOM JSC về việc công ty sẽ tham gia góp vốn thành lập Công ty CP BĐS Xavinco với tư cách là cổ đông sáng lập. Tỷ lệ góp vốn của công ty trong Công ty CP BĐS Xavinco là 34,2 tỷ đồng, chiếm 57% vốn điều lệ Công ty CP BĐS Xavinco.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất Quý III của Tập đoàn Vingroup, tính đến 30/9/2022, Vingroup có tỷ lệ biểu quyết tại Công ty CP BĐS Xavinco là 96,44%, tỷ lệ lợi ích tại Công ty TNHH Xalivico là 71,13% và Công ty CP Đầu tư Kinh doanh BĐS Thăng Long là 69,93%.
Trước đó, ngày 30/7/2015, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3638/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị tại số 233, 233B và 235 Nguyễn Trãi, tỷ lệ 1/500. Theo đó, Công ty CP BĐS Xavinco có trách nhiệm Tổ chức lập bản đồ đánh giá môi trường chiến lược tỷ lệ 1/500 theo đúng quy định, phù hợp hồ sơ quy hoạch chi tiết đã được duyệt. Quy mô của dự án có tổng diện tích đất lập quy hoạch khoảng 109.980m2 bao gồm: 9.810m2 đất giao thông; 15.180m2 đất công cộng đô thị có mật độ xây dựng 35,5%, tầng cao công trình 43 và 46 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 239.330m2 với chức năng là xây văn phòng (lưu trú có thời hạn). Đáng chú ý, đất hỗn hợp với chức năng thương mại, dịch vụ, ở gồm 3 lô đất (ký hiệu A-HH,E-HH1 và E-HH2) có tổng diện tích 52.070 m2 với tổng quy mô dân số khoảng 9.710 người.
Đánh giá về dự án này, PGS. TS. KTS Nguyễn Quang Minh – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng: “Các khu nhà cao tầng dày đặc được quy hoạch cho cộng đồng dân cư được đo bằng đơn vị vạn người như thế có thể ví như những “quả bom nổ chậm” trong lòng đô thị vốn dĩ đã quá đông đúc chật chội và quá tải như nội đô Hà Nội, dù cơ sở hạ tầng đã được nâng cấp, cải tạo song còn rất xa mới có thể “gánh” được quy mô dân số 1,5 triệu dân với những tiện nghi sinh sống tốt như mô tả. Nếu dân trí cao thì nhiều người hẳn nhiên sẽ nhìn ra một loạt vấn đề bất cập từ sớm tại những khu vực này và những khu “trót” xây cao tầng dày đặc hoặc sẽ rơi vào tình trạng “vắng vẻ” khi người mua nhà quay lưng hoặc sẽ chứng kiến “cuộc tháo chạy hàng loạt” của cư dân sau này nếu họ đã “lỡ” mua căn hộ và không thể chịu đựng được lâu hơn những bất tiện của cuộc sống không như mong đợi, nếu không muốn dùng đến cách diễn đạt mạnh hơn là “vỡ mộng”.
Minh Phương
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/lam-the-nao-khi-giao-dich-mua-ban-dat-nhung-muon-nguoi-khac-dung-ten-so-a6687.html