Diễn đàn Mekong Connect: Liên kết để phát triển bền vững ĐBSCL

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững sẽ tạo động lực, đưa kinh tế-xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá.

Sáng 24/11, tại thành phố Cần Thơ, các tỉnh, thành phố trong mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang-Bến Tre-Cần Thơ-Đồng Tháp), Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức khai mạc Diễn đàn Mekong Connect năm 2022 chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững."

Tham dự khai mạc Diễn đàn Mekong Connect năm 2022 có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành thuộc mạng lưới ABCD Mekong, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp.

ttxvn-mekong-connect-1-1669273597.jpg
Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại diễn đàn Mekong Connect năm 2022. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Đánh giá cao diễn đàn năm nay được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đặc biệt quan tâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng việc thực hiện tốt yêu cầu “chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững” sẽ tạo động lực, đưa kinh tế-xã hội của các địa phương và toàn vùng bứt phá sau đại dịch COVID-19.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Vùng được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước. Vùng đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước. Vùng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo như, năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời…

Đặc biệt, thời gian qua, Nhà nước tiếp tục đầu tư một số tuyến cao tốc: Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ, Cần Thơ-Cà Mau, An Giang-Cần Thơ-Hậu Giang-Sóc Trăng, cầu Đại Ngải, cầu Mỹ Thuận 2, cảng Cái Cui có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn…

Để tiếp tục kích hoạt, phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long bền vững, tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng như: Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Đặc biệt, ngày 18/1/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Ngoài các chính sách đã được Quốc hội cho phép thí điểm ở một số địa phương trong thời gian qua, điểm mới của nghị quyết này là Quốc hội quyết định thí điểm thêm 2 chính sách đặc thù, quan trọng khác về thu hút đầu tư để xã hội hóa việc nạo vét cửa Định An đến các cảng Cần Thơ, đồng thời đưa ra chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư các dự án vào trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Đây là cơ sở quan trọng gỡ "nút thắt" về luồng hàng hải và tiêu thụ nông sản - hai lĩnh vực mũi nhọn của Cần Thơ cũng như Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua.

ttxvn-mekong-2-1669273597.jpg
Các đại biểu tham dự diễn đàn tham quan các gian hàng của 'Ngày hội khởi nghiệp-Phiên chợ xanh' tại diễn đàn. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

 

Thông tin tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng 9 tháng năm 2022 đạt 8,83% - mức cao nhất từ năm 2011 đến nay; thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2%. Vốn FDI thực hiện đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD; trên 178.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 58,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, đất nước tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức đan xen về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón, chi phí sản xuất, vận tải gia tăng. Đầu tư công tiếp tục là "điểm nghẽn," tỷ lệ giải ngân thấp và chưa có chuyển biến đáng kể; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Riêng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù có nhiều thế mạnh rõ rệt song vùng đã và đang đối diện thách thức lớn nằm ở ba phương diện là kinh tế, xã hội và môi trường. Nền nông nghiệp của vùng chậm hiện đại hóa, nguồn vốn đầu tư hạn chế; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận khoa học công nghệ còn thấp...

Từ những kết quả nổi bật của vùng, sự quan tâm chỉ đạo phát triển, triển khai hạ tầng đã và đang đầu tư nêu trên, sự chủ động liên kết, kết nối của các địa phương, đặc biệt thông qua diễn đàn này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hy vọng sẽ góp phần tạo động lực quan trọng tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế giúp khơi thông “điểm nghẽn,” tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới.

Diễn đàn Mekong Connect là hoạt động thường niên dành cho doanh nhân, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia… và đối tượng có mối quan tâm đặc biệt đến Đồng bằng sông Cửu Long nhằm gắn kết, kết nối giữa các địa phương An Giang-Bến Tre-Đồng Tháp-Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, qua các kỳ tổ chức, diễn đàn đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể là sự tham gia của Thành phố Hồ Chí Minh với mong muốn đẩy mạnh liên kết cùng các tỉnh miền Tây, chia sẻ kinh nghiệm, cam kết, giới thiệu sản phẩm cùng định hướng phát triển, tìm và đưa ra giải pháp hữu ích thông qua phiên thảo luận tại diễn đàn.

Diễn đàn đã đánh dấu bước phát triển mới trong mở rộng liên kết vùng với sự tham gia của Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian tới, diễn đàn tiếp tục mở rộng nhiều địa phương tham gia hơn để phát huy tinh thần liên kết cùng phát triển, tạo nên thịnh vượng.

Tại diễn đàn, các tỉnh, thành phố thảo luận chung chủ đề: Làm thế nào để thực hiện được hoạt động liên kết tích hợp, đem lại giá trị trong thực tiễn; làm thế nào để ứng dụng khoa học và công nghệ, thực hiện chuyển đổi số đi vào thực tiễn đời sống kinh tế; nâng cao vai trò của viện, trường trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực chuyển đổi số cho kinh tế nông nghiệp./.

Thu Hiền

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/dien-dan-mekong-connect-lien-ket-de-phat-trien-ben-vung-dbscl-a6758.html