Ngành y tế đã bị bất ngờ khi tiếp nhận cùng lúc nhiều bệnh nhân nhập viện do không có nguồn thông tin từ trường học hay ngành giáo dục, đây là bài học về sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
Đại diện Đoàn kiểm tra Sở Y tế Khánh Hòa đến thăm các bệnh nhân là học sinh trường iSchool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm đang được điều trị nội trú tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: TTXVN phát)
Tính đến sáng 28/11, sức khỏe các học sinh trong vụ ngộ độc thực phẩm trong Trường iSchool Nha Trang (trên 660 em nhập viện, có 1 em tử vong, số khác điều trị tại nhà) đã ổn định.
Đây là vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Khánh Hòa. Các đơn vị đã vào cuộc để giải quyết sự cố.
Tuy nhiên, để tránh các sự việc đáng tiếc tương tự xảy ra trong tương lai, các cơ quan trong Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ quan liên quan và Ủy ban Nhân dân các cấp cần phối hợp chặt chẽ, chủ động hơn.
Bài học đắt giá
Theo thông tin từ các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa, trưa 17/11, có 880 học sinh cùng một số thầy, cô giáo trường iSchool Nha Trang ăn trưa tại trường với các món cơm gà, xốt trứng, gỏi gà, cánh gà rán, canh xương, dưa leo và bữa xế bánh ngọt.
Đến tối cùng ngày, một số học sinh nhập viện trong tình trạng nôn ói, tiêu chảy, sốt… điều trị nội, ngoại trú.
Ngày 22/11, các kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang và chẩn đoán của các bác sỹ Đoàn công tác Bộ Y tế tại tỉnh Khánh Hòa đều khẳng định, học sinh trường iSchool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn Salmonella spp, Escherichia coli, Bacillus cereus có ở trong thực phẩm cánh gà rán và nước mắm. Thống kê đến ngày 23/11, trên 660 học sinh nhập viện.
Sự việc đáng tiếc trên đã khiến một học sinh (sinh năm 2016) tử vong khi trên đường chuyển viện vào Thành phố Hồ Chí Minh, gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là phụ huynh học sinh trong trường.
Các cơ quan, đoàn thể, Mặt trận của tỉnh đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên và phối hợp với gia đình giải quyết sự việc với gia đình. Trong thời gian này, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án để điều tra toàn diện vụ việc.
Các học sinh bị ngộ độc thực phẩm đã được về nhà, sức khỏe ổn định nhưng vẫn còn hoảng sợ. Nhiều phụ huynh đã đưa con vào Thành phố Hồ Chí Minh để làm các xét nghiệm tổng quát sau xuất viện và chưa cho trẻ đến trường học trở lại.
Trước đó, khi sự việc xảy ra, trường iSchool Nha Trang đã cho học sinh tạm dừng đến trường 1 tuần và quyết định đón học sinh trở lại vào sáng nay (28/11).
Học sinh tham gia học tập 1 buổi/ngày không ăn bán trú (dự kiến sẽ kéo dài 2 tuần) để chuẩn bị lại cơ sở vật chất, khắc phục các vấn đề ở bếp ăn bán trú tại trường, sau đó sẽ có thông báo tiếp.
Ông Phạm Hữu Bình, hiệu trưởng nhà trường thay mặt Ban Giám hiệu đã có tâm thư gửi lời xin lỗi và cam kết khắc phục các vấn đề được phụ huynh kiến nghị; đồng thời đảm bảo bếp ăn bán trú hoạt động an toàn trở lại trong tương lai, chi trả toàn bộ viện phí, phí điều trị cho các cháu bị ngộ độc.
Ông Phạm Hữu Bình cho biết, đây là bài học lớn, một bài học đắt giá mà iSchool phải rút kinh nghiệm, khắc phục để vụ việc không tái diễn. Nhà trường cam kết nỗ lực nhằm giải quyết triệt để sự việc, đảm bảo không xảy ra trường hợp tương tự trong thời gian tới.
Sau sự việc trên, ngành Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã có kế hoạch kiểm tra các bếp ăn bán trú trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, đối với trường iSchool Nha Trang, Sở đã chỉ đạo trường tiếp tục vừa dạy học vừa có hình thức ôn tập đối với những học sinh vẫn chưa trở lại trường.
Nhằm chủ động trong giải quyết sự cố, các vấn đề trong trường học với quy mô lớn nếu có trong tương lai, Sở đề nghị các trường học chủ động thông tin sớm để có phương án phối hợp kịp thời với các cơ quan chức năng, tránh bị động.
Cần sự phối hợp chặt chẽ, chủ động hơn
Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường iSchool vừa qua với số lượng lớn học sinh bị ngộ độc, một học sinh tử vong là nghiêm trọng và đáng tiếc.
Trường iSchool Nha Trang (phường Xương Huân, thành phố Nha Trang), nơi có 44 em học sinh bị ngộ độc thực phẩm. (Ảnh: Đặng Tuấn/ TTXVN)
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh thừa nhận vẫn còn có ngành thiếu sâu sát, kiểm tra ở các bếp ăn bán trú, doanh nghiệp mặc dù hầu hết các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đã quan tâm đến công tác an toàn thực phẩm trong đơn vị.
Theo ngành y tế - đơn vị đầu mối trong Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở các bếp ăn tập thể trong nhà trường, nhà máy, khu công nghiệp…
Ở Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo đã có văn bản về việc tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộc độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể.
Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho rằng trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm do Ủy ban Nhân dân các cấp quản lý. Ban Chỉ đạo làm cơ quan tham mưu và kiểm tra khi có kế hoạch liên ngành.
Do đó, không chờ xảy ra sự việc ngộ độc ở trường iSchool, các đơn vị có trách nhiệm mới đi kiểm tra mà đã có kế hoạch thực hiện từ trước đó.
Nhìn lại vụ ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang, ngành y tế là đơn vị vào cuộc đầu tiên khi các cháu được đưa đến các bệnh viện trong đêm 17/11.
Đội ngũ y, bác sỹ, cơ sở vật chất của các bệnh viện đều ưu tiên tiếp nhận, cấp cứu cho các bệnh nhân ngộ độc. Tuy nhiên, do số lượng người bị ngộ độc lớn nên việc tiếp nhận, phân loại mất nhiều thời gian.
Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho rằng, diễn tập là một giải pháp để xử lý sự cố nếu có trong tương lai nhưng điều quan trong nhất là sự phối hợp của các cơ quan có liên quan khi giải quyết sự việc đã xảy ra.
Ngành y tế bị bất ngờ khi tiếp nhận cùng lúc nhiều bệnh nhân nhập viện do không có nguồn thông tin từ trường học hay ngành giáo dục. Đây là bài học về sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong giải quyết sự cố hay thảm họa trong tương lai.
Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp, trường học rà soát lại từng khâu, từng việc về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong cung cấp suất ăn, nước uống.
Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập xử lý tình huống trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm có quy mô lớn./.
Phan Sáu (TTXVN/Vietnam+)
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/nhung-bai-hoc-tu-vu-ngo-doc-thuc-pham-o-truong-ischool-nha-trang-a6828.html