Một chuyến thăm với 24 văn kiện hợp tác và 15 tỷ USD

Trong chuyến thăm, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, các cơ quan, doanh nghiệp hai bên đã ký kết 24 văn kiện hợp tác, trong đó có 16 thỏa thuận hợp tác, cam kết giao ước, đề xuất đầu tư mới và mở rộng với tổng giá trị ước tính khoảng 15 tỷ USD.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước Hàn Quốc (từ ngày 4-6/12) của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

ctn-16704014447141050858564-1670406963.jpg
Hàn Quốc dành mức đón theo nghi lễ cấp Nhà nước (mức cao nhất) cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam với 21 loạt đại bác

Xin Bộ trưởng đánh giá kết quả nổi bật trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước đến Hàn Quốc lần này?

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp. Chuyến thăm diễn ra đúng trong năm kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc (1992-2022).

Đây là cũng chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta tới Hàn Quốc sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol lên nắm quyền và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên Tổng thống Yoon Seok Yeol đón tiếp theo nghi lễ cấp Nhà nước kể từ khi nhậm chức.

ctn1-1670401471790646636740-1670406963.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeo tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện và ra Tuyên bố chung Việt Nam-Hàn Quốc về chuyến thăm

Phía Hàn Quốc, nhất là Tổng thống Yoon Seok Yeol đã dành cho Chủ tịch nước và Đoàn ta sự đón tiếp trang trọng nhưng cũng rất nồng ấm, chân tình. Tổng thống Yoon Seok rất coi trọng chuyến thăm, nhiều lần nhấn mạnh "Chủ tịch nước là quốc khách đầu tiên" của mình.

Các lãnh đạo Hàn Quốc đều đánh giá chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề triển khai sâu rộng hơn nữa quan hệ hợp tác hai nước trên cả bình diện song phương và đa phương.

Lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc nhất quán khẳng định Việt Nam là đối tác trọng tâm trong việc triển khai "Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, hòa bình, thịnh vượng" và "Sáng kiến đoàn kết Hàn-ASEAN của Hàn Quốc", cam kết ủng hộ hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành hai nước trong việc triển khai nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như các thỏa thuận hai bên đã ký kết.

Kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeo đã tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện và ra Tuyên bố chung Việt Nam-Hàn Quốc về chuyến thăm. Việc nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện là dấu mốc lịch sử, mở ra một thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ và thực chất hơn nữa đối với quan hệ hai nước.

Bên cạnh đó, trong chuyến thăm, hai bên cũng đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về các phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để đưa quan hệ hai nước phát triển theo đúng tinh thần của khuôn khổ quan hệ mới.

dd-1670401538650940578735-1670406963.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung Ho tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc với sự tham dự của hơn 500 đại diện từ các doanh nghiệp hai nước; tiếp gần 30 lãnh đạo các tập đoàn, các ngân hàng và tổ chức tài chính, nhà đầu tư hàng đầu của Hàn Quốc.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã có các cuộc gặp, tiếp xúc với các đối tác trao đổi về các lĩnh vực hợp tác cụ thể.

Trong chuyến thăm, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Yoon Suk Yeol và Lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, các cơ quan, doanh nghiệp hai bên đã ký kết 24 văn kiện hợp tác, trong đó có 16 thỏa thuận hợp tác, cam kết giao ước, đề xuất đầu tư mới và mở rộng với tổng giá trị ước tính khoảng 15 tỷ USD.

thutuong-16704015839291577177567-1670406963.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo

Xin Bộ trưởng làm rõ thêm nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và định hướng triển khai trong thời gian tới?

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Trải qua chặng đường 30 năm, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã có những tiến triển vượt bậc, tin cậy chính trị ngày càng được tăng cường, hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu và hiểu biết, giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước ngày càng sâu sắc.

Những thành tựu to lớn đó cũng như quyết tâm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ là cơ sở quan trọng để hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên mức Đối tác chiến lược toàn diện.

bt1-1670401614285767929256-1670406963.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện có thể hiểu là hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ được tăng cường, mở rộng một cách toàn diện tất cả các lĩnh vực, từ chính trị-đối ngoại, an ninh-quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, cho tới giáo dục, khoa học công nghệ, giao lưu nhân văn-xã hội… Đặc biệt, các mối quan hệ và các mặt hợp tác đó sẽ đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, trong đó có thể kể tới:

Một là, thúc đẩy hơn nữa các chuyến thăm, giao lưu tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước thông qua các hình thức linh hoạt, đa dạng; tăng cường và làm sâu sắc các cơ chế giao lưu, trao đổi, đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ Trung ương và chính quyền địa phương, giữa Quốc hội, chính đảng, các tổ chức, tầng lớp xã hội hai nước; Triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại, giao lưu giữa các cơ quan hai nước;

Hai là, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ tiếp tục là nền tảng và động lực của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc. Hai bên quyết tâm mở rộng và làm sâu sắc hợp tác kinh tế thương mại, trong đó trước mắt thực hiện các biện pháp nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030; đa dạng hóa hợp tác trong các lĩnh vực như lao động, y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ…

Ba là, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và công nghiệp quốc phòng, hợp tác trong lĩnh vực an ninh, trong đó có an ninh hàng hải và cảnh sát biển, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Bốn là, đẩy mạnh phối hợp cùng ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, hợp tác bảo vệ môi trường biển; đồng thời, nhất trí tăng cường năng lực ứng phó chung đối với các tình huống khẩn cấp.

Báo Chính phủ

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/mot-chuyen-tham-voi-24-van-kien-hop-tac-va-15-ty-usd-a6991.html