Mới đây, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023; Công bố Cổng Thông tin điện tử kết nối với sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong nước và triển khai áp dụng Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 477 điểm cầu, gồm Tổng cục Thuế, 63 Cục Thuế tỉnh, thành phố, và 413 Chi cục Thuế.
63/64 Cục Thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán
Đánh giá công tác thuế năm 2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết, trong năm 2022, tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý ước đạt 1.460.100 tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán phát lệnh (vượt 285.200 tỷ đồng), tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó thu nội địa ước đạt 1.387.200 tỷ đồng, bằng 121% dự toán pháp lệnh (vượt 240.500 tỷ đồng), tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 1.064.657 tỷ đồng, bằng 116,4% dự toán pháp lệnh (vượt 149.657 tỷ đồng), tăng 5,3% so với thực hiện năm 2021.
Đáng chú ý, có 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán, đặc biệt 3 khoản thu lớn từ khu vực sản xuất, kinh doanh như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 115,7%; Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 108,1%; Khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 116,3%…
Cùng với đó, có 63/64 đơn vị thu đều hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán, trong đó có nhiều địa phương đạt khá so với dự toán và tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.
2 thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội đã cán mốc thu trên 300 ngàn tỷ đồng. Thu từ khối doanh nghiệp lớn do Cục Thuế doanh nghiệp lớn quản lý dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ cán đích trên 245 ngàn tỷ đồng. 8 địa phương cán mốc trên 30 ngàn tỷ là: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc. 4 địa phương cán mốc trên 20 ngàn tỷ là: Quảng Nam, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi. Có đến 18 địa phương cán mốc trên 10 ngàn tỷ.
10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác thuế năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và rủi ro cao do xung đột quốc tế, Tổng cục Thuế xác định trên cơ sở kế thừa và phát huy các kết quả tích cực trong năm 2022, thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý thuế, đẩy nhanh chuyển đổi số, nhất là thực hiện bằng hóa đơn điện tử, quản lý hiệu quả các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đấu tranh có hiệu quả các hành vi gian lận thuế và hoàn thuế; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp nuôi dưỡng các nguồn thu bền vững, khai thác tốt các nguồn thu còn dư địa...
Tổng cục Thuế cho biết, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 Quốc hội, Chính phủ đã giao cho cơ quan Thuế là 1.373.244 tỷ đồng. Trong đó: Thu dầu thô là 42.000 tỷ đồng; thu nội địa là 1.331.244 tỷ đồng.
Để hoàn thành nhiệm vụ công tác thuế năm 2023, ngành Thuế đề ra mười nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội giao.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp, chính sách về gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp này nhằm hỗ trợ, giúp người dân, doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.
Ba là, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Bốn là, triển khai quyết liệt, hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trọng tâm là công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử với 13 Đề án thành phần theo các lĩnh vực quản lý thuế.
Năm là, tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hiện đại hóa hệ thống thuế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phù hợp với các mục tiêu, định hướng đã đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Sáu là, tiếp tục tăng cường thực hiện chương trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về quản lý thuế và chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế; kịp thời triển khai áp dụng các văn bản, chính sách pháp luật vào cuộc sống, đảm bảo minh bạch, công bằng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Đồng thời, xây dựng, nâng cấp kịp thời hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đảm bảo việc triển khai các quy định mới được thông suốt, hiệu quả, thúc đẩy việc chuyển đổi số trong ngành Thuế.
Bảy là, tiếp tục duy trì và mở rộng các dịch vụ thuế điện tử; thực hiện điện tử hóa, số hóa các khâu trong công tác quản lý thuế. Đảm bảo cơ sở hạ tầng CNTT về hóa đơn điện tử (HĐĐT); triển khai hiệu quả HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền; đẩy mạnh các giải pháp quản lý HĐĐT, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ phân tích, chống gian lận trong quản lý, sử dụng HĐĐT.
Tám là, tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Chín là, kịp thời bổ sung nguồn công chức trẻ có chất lượng tốt cho ngành Thuế.
Mười là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ và thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá cao thành tích mà ngành Thuế đã đạt được trong năm 2022. Bộ trưởng cho biết, tính đến ngày 12/12/2022, ngân sách nhà nước đã thu được hơn 1,6 triệu tỷ đồng, vượt so với dự toán khoảng 19%. Trong đó ngành Thuế quản lý khoảng 1,32 triệu tỷ đồng.
Bộ trưởng nhận định, “Rõ ràng năm 2022 chúng ta đã giảm thuế cho các doanh nghiệp ước 233 nghìn tỷ đồng nhưng chúng ta vẫn đạt được con số thu ấn tượng. Đây là thành công rất lớn thể hiện sự nỗ lực đoàn kết sáng tạo của các địa phương. Cùng với sới sự chỉ đạo của Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội”.
Thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan Thuế cần tiếp tục lưu ý đến vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng. Tới đây, khi hoàn thiện các Luật Thuế và các văn bản hướng dẫn, cần đặc biệt lưu ý vấn đề này và phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị trong thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, ngành Thuế cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả hành thu, chống chuyển giá, trốn thuế, cùng với đó, tiếp tục tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện nuôi dưỡng nguồn thu, giúp doanh nghiệp có điều kiện thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về thuế; đa dạng hoá phương thức tuyên truyền và nâng cao nhận thức pháp luật về thuế cho người nộp thuế và doanh nghiệp; tăng cường phối hợp với cơ quan Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong quản lý thuế. Đặc biệt, cần tiếp tục chăm lo bồi dưỡng nhân lực, thu hút nhân tài.
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/nam-2022-tong-thu-ng-an-sach-nha-nuoc-vuot-ke-hoach-285-000-ty-dong-a7137.html