Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hồng Tây, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại phía Nam; Đại tá Giang Công Báu, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc VNMAC; Đại tá Vũ Quốc Bình, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên truyền - Vận động Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNASMA); Đại tá Trần Quốc Hưng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh; TS Phạm Ngọc Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh; bà Trần Thị Lan, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh. Tham dự chương trình còn có đại diện Cục Bảo trợ Xã hội; Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam; Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam; Phòng Truyền thông, Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; lãnh đạo UBND, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban CHQS, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tân Châu, huyện Châu Thành và thị xã Trảng Bàng; Ban Giám hiệu 9 trường THCS thuộc huyện Tân Châu, huyện Châu Thành và thị xã Trảng Bàng và các thí sinh đạt giải cuộc thi “Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại”; đại diện các gia đình nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn; cán bộ chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh, các em học sinh và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Các đại biểu dự hội nghị đã xem triển lãm tranh những tác phẩm đạt giải, một số bài dự thi tiêu biểu đạt giải tại cuộc thi “Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại” và cùng xem phóng sự nói về những thành tựu đã đạt được trong thực hiện Chương trình quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đem lại sự an toàn, bình yên cho nhân dân và cho đất nước.
Tại hội nghị, Trung tá Đậu Phi Trường, Phó Trưởng phòng Kế hoạch điều phối Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã báo cáo tổng kết các hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại Tây Ninh. Theo kết quả điều tra khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2013, toàn tỉnh có khoảng 191.571,02 ha đất ô nhiễm, chiếm khoảng 47,40% diện tích đất của tỉnh. Chính vì vậy mà các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ sau chiến tranh cho nhân dân đặc biệt là các em học sinh - đối tượng dễ bị tổn thương là rất cần thiết.
Hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn năm 2022 tại Tây Ninh diễn ra từ tháng 11 đến tháng 12/2022 với nhiều hình thức kết hợp, cụ thể: Truyền thông, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở và đăng tải video clip trên các màn hình công cộng trên phạm vị toàn tỉnh, chiếu phim lưu động, phát thông tin truyền thông trên loa phát thanh của thôn bản trên các huyện còn mật độ ô nhiễm bom mìn lớn (Tân Châu, Châu Thành và thị xã Trảng Bàng) và tổ chức cuộc thi “Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại” cho học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn các huyện nói trên.
Sau một tháng triển khai với sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam với các Sở, Ban ngành tỉnh Tây Ninh và các cơ quan đơn vị tại các huyện, công tác truyền thông, tuyên truyền đã thu được kết quả đáng khích lệ. Đã có hơn 40 loạt tin, bài được đăng tải trên các phương tiện phát thanh, truyền hình, báo chí địa phương. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã cử cán bộ xuống tận thôn bản của 12 xã của 3 huyện (Tân Châu, Châu Thành và thị xã Trảng Bàng) với hình thức chiếu phim và thông tin truyền thông trên loa phát thanh của thôn bản thu hút hơn 6.000 lượt người tham gia.
Song song với các hoạt động tuyên truyền, Ban Tổ chức đã phát động cuộc thi “Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại” tại 9 trường THCS trên địa bàn 03 huyện biên giới Tân Châu, Châu Thành và thị xã Trảng Bàng (khu vực ô nhiễm bom mìn nặng) thu hút hơn 1.135 học sinh tham gia với 1.135 tác phẩm dự thi. Sau khi chấm sơ khảo ở cấp nhà trường và cấp phòng đã lựa chọn được 327 sản phẩm có chất lượng tham dự cấp Phòng và tham gia thi cấp Sở có 69 sản phẩm, trong đó 65 sản phẩm là tranh vẽ, 2 sản phẩm thuộc thể loại thơ, 01 sản phẩm thể loại kịch, 01 sản phẩm thuộc thể loại truyện tranh, 01 sản phẩm thuộc thể loại truyện ngắn. Ban Giám khảo đã chấm và lựa chọn xếp giải cho các em học sinh tham gia cuộc thi gồm: 02 tập thể là Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Châu và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành cùng 42 cá nhân đạt giải trong đó có 02 giải Nhất, 04 giải Nhì, 06 giải Ba và 30 giải Khuyến khích.
Đánh giá chung về sản phẩm cuộc thi, 100% các tranh vẽ đúng chủ đề, thể hiện sự hiểu biết của học sinh về hậu quả bom mìn, có ý nghĩa tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại. Tranh vẽ thể hiện bố cục rõ ràng, màu sắc sinh động, hài hoà, tươi sáng; các hình vẽ hồn nhiên, có chiều sâu. Nhiều tranh vẽ có ý tưởng sáng tạo, phù hợp với thực tế địa phương. Các tác phẩm văn học (truyện ngắn, thơ, kịch) có cốt truyện rõ ràng, truyền tải thông điệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; học sinh có nhiều sáng tạo trong sáng tạo từ ngữ; cảm xúc chân thành.
Nhìn chung đợt tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh diễn ra đúng kế hoạch, thu được nhiều kết quả tích cực. Điều đó thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh Tây Ninh, Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, sự phối hợp đồng bộ giữa Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam với các sở ban ngành tỉnh Tây Ninh, đặc biệt là các địa phương nơi diễn ra đợt tuyên truyền.
Thực hiện nội dung của Chương trình quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, hoạt động truyền thông, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được triển khai sau thời gian dài phải thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh. Các hoạt động được triển khai đồng bộ, hiệu quả và có tính lan tỏa trong cộng đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Giang Công Báu, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc VNMAC khẳng định: “Thông qua đợt truyền thông, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn và cuộc thi đã tạo cho người dân và các em học sinh có thêm kiến thức để tự phòng tránh hiểm họa tai nạn bom mìn và đồng thời có tác dụng lan tỏa trong cộng đồng mối nguy hiểm và cách phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ, thông qua đó trực tiếp góp phần hạn chế do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.”
Em Nguyễn Cao Kỳ Duyên - học sinh lớp 8A2 Trường THCS Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đại diện các thi sinh đạt giải tại cuộc thi "Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh để lại" đã chia sẻ: "Cuộc thi được tổ chức nhằm thông qua đó chúng em hiểu thêm về tác hại và những đi chứng để lại của bom mìn trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không lực Hoa Kỳ. Đồng thời nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trên địa bàn huyện Châu Thành nói riêng, tỉnh Tây Ninh và cả nước nói chung. Mặt khác cũng nhằm hưởng ứng Ngày thế giới nâng cao nhận thức về phòng tránh tai nạn bom mìn, hướng tới một Việt Nam không còn chịu ảnh hưởng bởi bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, tập trung phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
"Tham gia cuộc thi, mỗi học sinh phải có ý thức kỷ luật tốt, nắm chắc thể lệ, hoàn thành và nộp bài dự thi đúng thời hạn. Bản thân em, đến với cuộc thi, em muốn truyền đạt thông điệp "Cùng chung tay vì một đất nước Việt Nam không còn bom mìn", giúp các bạn học sinh và mọi người có kiến thức về bom mìn. Ngoài ra, em nghĩ mỗi chúng ta đều cần có những hành động để góp một phần trách nhiệm vào công việc nay như quyên góp ủng hộ cho Quỹ rà phá bom mìn Việt Nam hoặc như mục đích của cuộc thi này là sẽ tranh về đề tài rà phá bom mìn để tiếp thêm động lực, cổ động tinh thần các chiến sĩ quân đội trong việc rà phá bom mìn, đem lại sự an toàn và cuộc sống bình yên cho nhân dân, cho chúng em được đến trường trong niềm vui và hạnh phúc.". Nguyễn Cao Kỳ Duyên chia sẻ.
Kết thúc đợt tuyên truyền, nhìn chung, hầu hết người dân đã được tiếp cận những thông tin hữu ích, các em học sinh cơ bản đã nắm được những kỹ năng phòng tránh tai nạn do các loại bom mìn, vật nổ sau chiến tranh gây ra. Đặc biệt cuộc thi “Đại sứ học đường trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ do chiến tranh để lại” đã nhận được số lượng lớn tác phẩm dự thi có chất lượng, thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo cũng như hiểu biết của các em về sự cần thiết phải đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh trước tác hại của bom mìn, vật nổ sau chiến tranh gây ra.
Xuân Kiên
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/cung-chung-tay-vi-mot-dat-nuoc-viet-nam-khong-con-bom-min-a7299.html