Tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp của đất nước

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2045 là nước có thu nhập cao, Việt Nam cần tư duy mới về quá trình và mục tiêu phát triển nhằm tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp trong nước, trong đó chú trọng đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.

Vừa qua, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) hợp tác với Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức Hội thảo Phát triển công nghiệp ở Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau khi hứng chịu những tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

tiep-tuc-tang-cuong-nang-luc-san-xuat-cong-nghiep-cua-dat-nuoc-pld-1-1672285693.jpg
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Song song với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đang đề ra những định hướng, chủ trương chính sách nhằm cụ thể hóa khát vọng phát triển đến năm 2045, thông qua nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Hiện nay, phát triển công nghiệp là một trong những trọng tâm và là động lực phát triển kinh tế của Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã có các Nghị quyết quan trọng của Đảng về phát triển công nghiệp.

Cụ thể, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Cùng với đó, tư duy về phát triển công nghiệp cũng đã được lồng ghép trong các nghị quyết của Đảng về tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển vùng... TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, trên cơ sở các nghị quyết, yêu cầu đặt ra là rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, không chỉ để định hướng mà còn tạo thuận lợi, tạo khung khổ pháp lý ổn định cho phát triển công nghiệp ở Việt Nam.

Ngoài ra, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, cùng với việc nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ cải cách, hiện nay chúng ta cũng phải đối mặt với rủi ro về nhiều cải cách mang tính dàn trải, thiếu trọng tâm. Trong khi đó, một số lĩnh vực cải cách có thể đã “chạm trần thể chế”, khó có thể tạo thêm đột phá nếu không có những cách làm, giải pháp mới hơn, quyết liệt hơn.

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam càng cần tư duy mới về quá trình và mục tiêu phát triển, nhằm bảo đảm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động.

Ưu tiên phát triển một số ngành như công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử,…

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác...

tiep-tuc-tang-cuong-nang-luc-san-xuat-cong-nghiep-cua-dat-nuoc-pld-3-1672285694.jpg
TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia

Cùng với đó, Việt Nam cần ưu tiên phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, kết hợp với công nghiệp dân sinh theo hướng lưỡng dụng; tiếp tục phát triển công nghiệp dệt may, da giày nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

Việt Nam cũng ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cơ khí như: ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế…

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức cho rằng, đối với lĩnh vực công nghiệp điện tử, Chính phủ cần xây dựng quan hệ đối tác tin cậy trong ngành điện tử ở tầm vĩ mô và vi mô.

Bên cạnh đó, thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực điện tử, để tạo chuỗi cung ứng nội địa, liên kết doanh nghiệp FDI - địa phương. Đào tạo, nâng cao kỹ năng, năng lực của doanh nghiệp địa phương về công nghệ sản xuất. Đồng thời, xây dựng hài hòa khung pháp lý với các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là liên quan đến tính bền vững; nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy...

Công nghiệp xe hơi là xu hướng thế giới

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Yasushi Ueki, nhà nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) nhấn mạnh phát triển công nghiệp xe hơi là một trong những lĩnh vực quan trọng và là xu hướng thế giới.

tiep-tuc-tang-cuong-nang-luc-san-xuat-cong-nghiep-cua-dat-nuoc-pld-4-1672286786.jpg
TS. Yasushi Ueki chia sẻ tại Hội thảo

Ông cho biết, quy mô thị trường xe hơi tại Việt Nam có thể đạt 1 triệu xe/năm vào năm 2030, như vậy, quy mô thị trường của Việt Nam đủ lớn để phát triển công nghiệp sản xuất xe hơi.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khả năng sản xuất trong nước của Việt Nam mới chỉ khoảng 600.000 chiếc/năm, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Do đó, cần có các chính sách, giải pháp, nỗ lực từ cả phía Chính phủ và doanh nghiệp để phát triển hơn nữa năng lực sản xuất xe hơi trong nước.

Ông Yasushi cho rằng cần có các chính sách tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghiệp phát triển như chính sách về thuế, ngoài ra còn cần các chính sách về phát triển lao động, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển công nghệ, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp phụ trợ…

Tiên Tiên

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/tang-cuong-nan-g-luc-san-xu-at-cong-nghi-ep-cua-dat-nu-oc-a7332.html