Cục Thuế Thành phố Hà Nội đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hoá đơn đối với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội – CTCP (Hapro, UPCoM - mã chứng khoán: HTM).
Theo đó, Hapro đã có hàng loạt những vi phạm quy định hành chính về thuế, bao gồm: chưa kê khai phụ lục mẫu 01 giao dịch liên kết; Còn kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào của hoạt động dự án đầu tư để khấu trừ thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD); Chưa thực hiện kê khai thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư;
Kê khai chưa đúng thời điểm doanh thu tính thuế GTGT đối với hoạt động cho thuê tại số 5 Lê Duẩn; Kê khai sai chỉ tiêu 22 - Thuế GTGT còn được khấu trừ kỳ trước chuyển sang trên tờ khai tháng 1/2021; Còn phân bổ thuế GTGT không được khấu trừ tương ứng với doanh thu hàng hóa dịch vụ bán ra không chịu thuế; Kê khai chưa đúng thời điểm doanh thu tính thuế TNDN đối với hoạt động cho thuê tại số 05 Lê Duẩn;
Còn hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp các khoản chi không có hóa đơn; Còn kê khai chưa đúng thời điểm đối với khoản thu nhập bán rượu của trung tâm miễn thuế (đã kê khai vào doanh thu GTGT hàng không chịu thuế); Lập hóa đơn bán hàng không đúng thời điểm đối với doanh thu bán hàng hóa dịch vụ tháng 11/2019 đối với hoạt động cho thuê tại số 5 Lê Duẩn.
Theo đó, Hapro bị phạt vi phạm hành chính về thuế số tiền 1,6 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng truy thu tiền thuế thiếu qua thanh tra và tiền chậm nộp gần 321 triệu đồng. Tổng số tiền truy thu, phạt và chậm nộp là hơn 3,4 tỷ đồng.
Đồng thời, công ty còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả gồm giảm lỗ hoạt động SXKD năm 2021 là gần 417 triệu đồng, giảm thuế GTGT đầu vào được khấu trừ chuyền kỳ sau – kỳ tháng 12/2021 là 468 triệu đồng, tăng thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư chưa được hoàn chuyển kỳ sau là 1,7 tỷ đồng.
Hapro là tổng công ty đầu tiên của Thành phố Hà Nội thực hiện cổ phần hóa vào năm 2018, kinh doanh chủ yếu trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại, sản xuất hàng tiêu dùng, xuất khẩu.
Doanh nghiệp này được người tiêu dùng biết đến thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi Hapromart, Haprofood. Ngoài ra, Hapro còn sở hữu nhiều thương hiệu quen thuộc như Thủy Tạ, Bốn Mùa, điện máy Tràng Thi, gốm Chu Đậu…
Đặc biệt, Hapro là một trong những doanh nghiệp nắm trong tay nhiều khu đất vàng nhất tại Hà Nội. Sau khi cổ phần hóa, Hapro được giao nắm giữ hơn 100 địa điểm là cơ sở nhà, đất tại Hà Nội và các tỉnh, thành.
Một số khu đất vàng ở thủ đô thuộc quyền sở hữu của Hapro gồm số 19-21 Đinh Tiên Hoàng (280 m2), nhà số 1 Điện Biên Phủ (500 m2); nhà số 135 Lương Định Của (1.843 m2); địa chỉ C12 Thanh Xuân Bắc (1.780 m2); D2 Giảng Võ (1.230 m2).
Bên cạnh đó, Hapro còn nắm trong tay tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh (2.933 m2); tòa nhà số 362 Phố Huế (618 m2); dự án trung tâm thương mại văn phòng số 5 Lê Duẩn (1.624 m2); trung tâm kinh doanh chợ Thượng Đình (3.108 m2).
Vào năm 2018, khi Hapro cổ phần hóa, công ty con của Tập đoàn BRG là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam đã bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng trở thành nhà đầu tư chiến lược của Hapro. Theo đó, Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam đang nắm giữ 65% vốn Hapro.
Về kết quả kinh doanh, dù là doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ 2.200 tỷ đồng song tình hình kinh doanh của công ty khá thất thường với doanh thu tăng giảm không đều qua các quý (trung bình 100 - 200 tỷ).
9 tháng đầu năm 2022, Hapro đạt 296 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước và lỗ ròng gần 4,3 tỷ đồng. Lỗ lũy kế là gần 224 triệu đồng tính đến 30/9/2022.
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/hap-ro-bi-truy-thu-thue-hon-3-4-ty-dong-a7353.html