Cụ thể, trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 24/12/2022, các doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ cho biết: “Các nhà sản xuất thép không gỉ của Việt Nam rất ngạc nhiên và phẫn nộ khi thấy doanh nghiệp Posco VST (Hàn Quốc) và một số ít doanh nghiệp của Việt Nam làm đơn phản đối quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc đưa sản phẩm GD1 và GD2 vào Tiêu chuẩn quốc gia”.
Trước đó, trung tuần tháng 11/2022, tại Hội nghị các Tiêu chuẩn Việt Nam về Thép không gỉ làm khuôn mẫu và đồ gia dụng do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, các doanh nghiệp đã nghe kết luận của các nhà khoa học sau gần một năm nghiên cứu về chất lượng và khả năng áp dụng của sản phẩm seri 200 - cụ thể là 2 sản phẩm GD1 và GD2 - tại thị trường Việt Nam, về tính phù hợp của vật liệu GD1 và GD2 khi vật liệu này đủ đạt tiêu chuẩn Việt Nam đối với thép không gỉ. Quyết định này dự kiến sẽ được hoàn tất để có thể đưa vào áp dụng vào ngay đầu năm 2023.
Động thái này của Bộ Khoa học và Công nghệ được các nhà sản xuất Inox vui mừng đón nhận, vì sẽ kết thúc những phát sinh, tranh luận kể từ khi Thông tư 15/2019/TT-BKHCN ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ có hiệu lực vào ngày 1/1/2020. Theo đó, mặt hàng thép không gỉ seri 200 sẽ không được lưu hành trên thị trường kể từ 01/01/2020 - khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ (QCVN:2019/BKHCN) ra đời và có hiệu lực.
Thời điểm đó, 33 doanh nghiệp đại diện cho đa số các nhà sản xuất lớn của Việt Nam về thép không gỉ đã cùng thống nhất ký đơn kiến nghị xem xét lại về nội dung và thời gian áp dụng của QCVN:2019/BKHCN. Sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra văn bản lùi ngày thực hiện QCVN:2019/BKHCN đến hết ngày 31/12/2022 để bàn giải pháp phù hợp.
Chính vì vậy, sự phản đối của một số doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp thương mại, đang kinh doanh mặt hàng thép không gỉ dạng cuộn cán nguội của Posco, về phương án mà Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra để xử lý cho 2 sản phẩm GD1 và GD2 tại thị trường Việt Nam khiến các nhà sản xuất thép không gỉ lo lắng.
Trong bức tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ, đại diện 32 doanh nghiệp giải trình rõ: “Việc đưa ra tiêu chuẩn cho sản phẩm thép GD1&GD2 này đã được thực hiện bởi 1 cơ quan có đủ thẩm quyền và năng lực là Viện Tiêu chuẩn - Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện theo đúng quy trình khoa học, được một đơn vị độc lập là Trung tâm Đánh giá hư hỏng vật liệu - Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam nghiên cứu, đánh giá theo chuyên đề khoa học và được đưa ra các hội đồng khoa học thẩm định để cho thấy đây là loại thép không gỉ, có tính chất chống ăn mòn, tuy nhiên cơ tính của các loại thép này tốt hơn hẳn mác thép SUS201 của Nhật Bản...”.
Đại diện các doanh nghiệp cũng cho biết, sản phẩm thép GD1&GD2 bản chất đã là thép không gỉ theo tiêu chuẩn quốc tế về thép không gỉ khi có đủ hàm lượng Crom lớn hơn 10,5% và Carbon nhỏ hơn 1,2% (theo định nghĩa về thép không gỉ tại các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế).
“Chưa có bất cứ tài liệu nào nói rằng, đây là sản phẩm có chất lượng thấp”, các doanh nghiệp khẳng định, trái ngược với quan điểm của các doanh nghiệp phản đối đưa ra tiêu chuẩn cho sản phẩm thép GD1&GD2.
Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp đứng tên trong thư, tổng sản lượng thép không gỉ tiêu thụ trong nước năm 2022 là khoảng 381.000 tấn, trong đó mặt hàng thép không gỉ seri 200 có sản lượng vào khoảng 104.000 tấn, chiếm tỷ trọng khoảng 27,3%.
Sản lượng tiêu thụ thép không gỉ trong nước là tổng sản lượng nhập khẩu sau khi khấu trừ các sản lượng tạm nhập tái xuất, sản lượng các sản phẩm của các thương hiệu lớn như Yong Jin; IKEA; Wallmark… thuê các nhà sản xuất cơ khí tại Việt Nam gia công hàng hóa cho chuỗi cung ứng của họ.
Các chủng loại thép này chủ yếu được sử dụng để sản xuất các sản phẩm gia dụng như móc treo, máng đèn, bàn, ghế, lan can cầu thang, các loại máng thức ăn gia súc, đồ gia dụng, trang thiết bị nội thất, vỏ các loại máy móc thiết bị, chi tiết phụ kiện của rất nhiều ngành hàng... nhằm thay thế cho các sản phẩm tương tự dùng bằng thép, thép mạ kẽm với ưu điểm có tính chống ăn mòn chấp nhận được, dễ gia công, cơ tính tốt.
Các doanh nghiệp cũng cho biết, ngoài sản xuất các sản phẩm trên để tiêu thụ trong nước, các nhà sản xuất thép không gỉ của Việt Nam đã và đang xuất khẩu loại hàng này sang nhiều thị trường khá như Hà Lan, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và cả Hàn Quốc.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp đứng thư gửi Thủ tướng Chính phủ lo ngại, nếu các chủng loại thép này không còn tồn tại trên thị trường Việt Nam, người tiêu dùng sẽ phải sử dụng sản phẩm thép khác có giá đắt hơn, thừa công năng sử dụng, có thể thiệt hạị kinh tế cho người tiêu dùng.
Bức "tâm thư" cũng đưa ra một lo ngại sát sườn đối với các nhà xuất khẩu của Việt Nam rằng: “Các nhà xuất khẩu của Việt Nam khi đó sẽ phải khoanh tay đứng ngoài sân chơi quốc tế và nguy cơ lớn hơn nữa là các thành phẩm, sản phẩm gia dụng được sản xuất bằng loại thép này sẽ được nhập vào thị trường Việt Nam sẽ cạnh tranh hoàn toàn với sản phẩm được sản xuất trong nước về giá. Điều này sẽ tổn hại đến nền sản xuất cơ khí trong nước, gây nhiều khó khăn nhất là trong bối cảnh các nhà sản xuất trong nước đang cố gắng tồn tại sau đại dịch Covid-19”.
Các doanh nghiệp cũng lo ngại khi đó, bên được hưởng lợi ích nhất chính là Posco VST.
Lê Minh
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/tam-thu-cua-doanh-nghiep-thep-khong-gi-trong-nuoc-gui-thu-tuong-chinh-phu-a7382.html