Thủ tướng dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Petrovietnam

(tapchivietduc.vn) - Chiều 10/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng Petrovietnam với những thành tích ấn tượng trong năm 2022.

z4029678909917-b4d6c2ee12c182b45881f91ce5ad44c3-1673410342.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Ảnh: VGP

Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; cùng lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn trong năm 2022 đạt 921,2 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 40 tỷ USD

Báo cáo tổng kết công tác năm 2022, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết trong năm 2022 mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức tác động rất lớn đến các lĩnh vực hoạt động, song với truyền thống, bản lĩnh, quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Petrovietnam đã đoàn kết, thống nhất, kỷ cương, trách nhiệm, khắc phục các khó khăn, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp; đạt được nhiều thành tích ấn tượng, toàn diện. Tất cả các chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực của Tập đoàn đều hoàn thành kế hoạch năm và tăng trưởng cao so với năm 2021 từ 3-26%, xác lập nhiều kỷ lục mới sau 61 năm hình thành và phát triển. Giá trị thương hiệu Petrovietnam năm 2022 đạt gần 1,3 tỷ USD- duy trì vị trí thương hiệu giá trị cao nhất Việt Nam. Trong đó, sản lượng khai thác dầu hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 11 ngày, năm 2022 đạt 10,84 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch năm, tương đương thực hiện năm 2021. Riêng khai thác dầu ở trong nước hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 18 ngày, năm 2022 đạt 8,98 triệu tấn, vượt 1,94 triệu tấn (vượt 28%) kế hoạch năm, tương đương thực hiện năm 2021. Đây là kỷ lục thời gian hoàn thành kế hoạch sớm nhất, là nỗ lực rất lớn của Tập đoàn để duy trì, ổn định sản lượng khai thác dầu trong bối cảnh suy giảm sản lượng của hầu hết các lô/mỏ hiện nay. Nhờ đó, Tập đoàn đã thực hiện mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao: Tập đoàn Dầu khí Quốc giaViệt Nam không được phép để thiếu năng lượng, nhất là xăng, dầu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, song dự báo tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn, thách thức xuất hiện ngày càng nhiều hơn, tạo sức ép rất lớn đến công tác quản trị, điều hành của Tập đoàn. Với quyết tâm hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ được giao, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch năm 2023 với mục tiêu và quyết tâm cao hơn so với kế hoạch năm 2022. Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu toàn Tập đoàn là 677,7 nghìn tỷ đồng (không bao gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn), lợi nhuận hợp nhất 34 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 78,3 nghìn tỷ đồng. Để thực hiện thành công các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quyết liệt triển khai đồng bộ, khoa học, linh hoạt tổng thể các nhóm giải pháp trọng tâm về cơ chế, chính sách, quản trị và quản lý doanh nghiệp, tài chính, đầu tư, thị trường, khoa học, công nghệ, đào tạo, phát triển đội ngũ.

z4029678897215-9cbc93966daf42ac507d1559e75972c1-1673410342.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Ảnh: VGP

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng và ghi nhận những thành tích, đóng góp của Tập đoàn Dầu khí năm 2022 đối với những thành tựu, kết quả chung của cả nước, nhất là trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.

Năm 2022, trong bối cảnh khó khăn, thách thức "kép" cả bên trong và bên ngoài, Tập đoàn đã làm tốt các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, nặng nề, đồng thời tích cực giải quyết các công việc tồn đọng, kéo dài, ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ như tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ. Thủ tướng nhấn mạnh một số kỷ lục mà Tập đoàn đạt được trong năm 2022. Đó là kỷ lục về sản lượng khai thác dầu thô đạt 8,98 triệu tấn, vượt 28% kế hoạch năm; kỷ lục về sản lượng sản xuất và xuất khẩu phân đạm với 1,88 triệu tấn (vượt 17% kế hoạch), xuất khẩu 606 nghìn tấn với giá trị cao, đóng góp 37,4% giá trị xuất khẩu phân bón 1,08 tỷ USD, đưa nước ta từ nước nhập khẩu trở thành nước xuất khẩu phân bón với giá trị cao; kỷ lục về sản xuất xăng dầu, bao gồm cả lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn trong năm 2022 đạt 921,2 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 40 tỷ USD, vượt 67% kế hoạch năm, tăng 48% so với năm 2021 và là mức kỷ lục trong 61 năm hình thành và phát triển của Tập đoàn, khẳng định vai trò là tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu có quy mô, sức ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế của đất nước; kỷ lục về lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 82 nghìn tỷ đồng (gần 3,5 tỷ USD); kỷ lục về nộp ngân sách Nhà nước với 170,6 nghìn tỷ đồng (hơn 7,2 tỷ USD), chiếm tỉ trọng khoảng 9,6% trong tổng thu ngân sách Nhà nước.

Một kỷ lục khác là Tập đoàn có 3 công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, 3 công trình được trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ; 7 công trình đoạt giải thưởng VIFOTEC. Giá trị thương hiệu tăng lên, niềm tin của Đảng, Nhà nước, Nhân dân với Tập đoàn được củng cố và tăng cường.

Ngoài ra, trong năm 2022, Tập đoàn đã rất quyết liệt xử lý có hiệu quả các dự án, công trình tồn đọng, như việc xử lý, đưa vào vận hành các dự án điện (Sông Hậu 1, Thái Bình 2); xử lý các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ dự án nhiệt điện Long Phú 1, Chuỗi dự án khí điện Lô B- Ô Môn, nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất...

Tập đoàn cũng đã chủ động, báo cáo các cơ quan kịp thời tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách, đặc biệt, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Dầu khí năm 2022.

Phân tích thêm các nguyên nhân, Thủ tướng nêu rõ, những thành tựu và kết quả có được là nhờ Tập đoàn đã giữ vững, củng cố và phát huy đoàn kết, thống nhất; sự nỗ lực của các đơn vị và đội ngũ cán bộ, người lao động trong Tập đoàn; sự phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương…

z4029678915408-5ce30341a6ad224ab5ecb470c26586dc-1673410342.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Ảnh: VGP

Đánh giá quá trình hoạt động và các kết quả đạt được trong năm 2022 và những năm vừa qua, Thủ tướng nêu rõ những bài học kinh nghiệm như trong khó khăn, thách thức, phức tạp, nhiệm vụ càng nặng nề thì càng đoàn kết, nhất trí, càng áp lực càng nỗ lực, bản lĩnh, kiên trì, bền bỉ, vượt qua chính mình, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, vì nhiệm vụ chung và đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết.

Cùng với đó, tuân thủ sự lãnh đạo, chủ trương, đường lối của Đảng, sự quản lý, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ/ngành Trung ương, đồng thời linh hoạt, năng động, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, các doanh nghiệp, đối tác. Kết hợp hài hợp, hợp lý, hiệu quả giữa nội lực và ngoại lực, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là yếu tố quan trọng và đột phá.

Theo Thủ tướng, năm 2023, tình hình sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức chưa dự báo được hết khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi khi cạnh tranh chiến lược gay gắt, lạm phát trên toàn cầu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực bị đe dọa, thị trường năng lượng, giá dầu thô và các sản phẩm dầu khí còn nhiều biến động, xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, biến đổi khí hậu diễn biến bất thường… Các vấn đề này sẽ có nhiều tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển của Tập đoàn.

Tuy nhiên, tin tưởng Tập đoàn đã trưởng thành hơn, có thêm nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh hơn sau 61 năm hình thành và phát triển, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Dầu khí phát huy truyền thống, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, khắc phục những tồn tại, bất cập, ra sức thi đua hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2023.

4 mục tiêu  10 nhóm giải pháp chủ yếu

Thủ tướng đánh giá cao phương châm 2023 của Tập đoàn là "quản trị biến động, mở rộng quy mô, tăng tốc chuyển đổi số, dịch chuyển mô hình, nâng cao năng suất, tái tạo kinh doanh", đồng thời đề nghị Tập đoàn, toàn ngành dầu khí tập trung thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chủ yếu. 

Theo đó, không để thiếu năng lượng cho phát triển, vận hành an toàn, ổn định với công suất cao và có hiệu quả các dự án, nhà máy, công trình dầu khí, góp phần chủ lực trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu xăng dầu, điện, phân bón cho đất nước.

Mục tiêu thứ hai là hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2023, phấn đấu bằng hoặc vượt mức kết quả đạt được trong năm 2022.

Mục tiêu thứ ba là phải đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển trong toàn Tập đoàn và phải đặt mục tiêu trong năm 2023 là quyết tâm khởi công được các dự án trọng điểm, nghiên cứu đề xuất các dự án mới tận dụng thế mạnh của Tập đoàn.

Thứ tư, bổ sung, hoàn thiện xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển về năng lượng, chiến lược, kế hoạch phát triển ngành Dầu khí phù hợp với xu thế mới, đồng thời xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ; nghiên cứu các dự án năng lượng mới, điện gió ngoài khơi…

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong thực hiện phương án bảo đảm quốc phòng, an ninh, an ninh kinh tế cho hoạt động dầu khí, kiên định nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng ứng phó linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể.

z4029678899007-babbff1b3f7811bc927eb9b6ce80f18f-1673410342.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Ảnh: VGP

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh 10 nhóm giải pháp chủ yếu.

Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm và có hiệu quả các nhiệm vụ theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; cụ thể hóa vào kế hoạch của Tập đoàn cũng như của từng đơn vị để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát. Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là đơn vị nòng cốt của ngành dầu khí, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng lưu ý tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo – đây là lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng rất lớn, là xu thế của thế giới và Tập đoàn cũng có nhiều điều kiện, nền tảng để thực hiện.

Hai là chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy và không ngừng nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp. Tiếp tục củng cố bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, tinh gọn, phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, dám nghĩ dám làm. Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. 

Ba là nhóm giải pháp về tài chính, thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình thực tế tiến độ giải ngân các dự án, đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch.

Bốn là nhóm giải pháp về đầu tư, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng xu thế, đúng lĩnh vực để phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

z4029678907394-cd3380fa3f46dc0e71912825dcdf9c67-1673410342.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Ảnh: VGP

Năm là nhóm giải pháp về hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường, chủ động xây dựng thị trường và làm tốt công tác thông tin và dự báo làm cơ sở định hướng cho việc xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp. Tiếp tục hoàn thiện, gia tăng chuỗi giá trị dầu khí từ khâu cung cấp - sản xuất - tiêu thụ nhằm tạo mối liên hệ chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Sáu là nhóm giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chính sách tiền lương; cần có mức tiền lương, chính sách phúc lợi phù hợp, vừa hài hòa, cân đối với các ngành nghề, lĩnh vực, vừa bảo đảm tính đặc thù, bảo đảm tính cạnh tranh thị trường có tính đến yếu tố quốc tế để giữ chân người lao động dầu khí đòi hỏi trình độ, kỹ thuật chuyên môn có tính đặc thù và có tính quốc tế cao.

Bảy là nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số vào phát triển ngành dầu khí. Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao, tâm huyết cho những lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn.

Tám là nhóm giải pháp về an toàn, môi trường và phát triển bền vững, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường; nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo sản phẩm mới thân thiện với môi trường.

Chín là nhóm giải pháp về quốc phòng - an ninh - đối ngoại, chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn, đặc biệt là trong công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí tại những khu vực nước sâu, xa bờ trên biển nhằm tăng cường sự hiện diện và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên biển Đông và hải đảo.

Thứ mười, nhóm giải pháp về văn hóa doanh nghiệp, cụ thể hóa các nội dung tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa, để Petrovietnam tiếp tục phát huy các giá trị "đoàn kết, khát vọng, trí tuệ, chuyên nghiệp, nghĩa tình, văn hóa". Thủ tướng đồng thời lưu ý nhiệm vụ truyền thông để góp phần tạo cảm hứng, truyền động lực, khơi dậy khí thế phát triển mới cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

z4029678891431-9f16015337be36e823c5a4d6e303d008-1673410342.jpg
 
z4029678888575-fe6f73246b284fa984eb22c3d83d9a13-1673410342.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng Huân chương Lao động cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và Bằng khen của Thủ tướng cho các tập thể, cá nhân trong tập đoàn. Ảnh: VGP

Về các kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các đơn vị thành viên, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành tại Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 29/9/2022. Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, cơ quan, nhất là Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước theo chức năng và nhiệm vụ được giao khẩn trương xử lý các kiến nghị; báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải xác định hỗ trợ Petrovietnam trong thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu năm 2023, không chỉ của Tập đoàn Dầu khí mà là của cả nước để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế đất nước. "Chính phủ, các cơ quan luôn bên cạnh các đồng chí, chia sẻ những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn, khích lệ, động viên những việc đã làm được, tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc", Thủ tướng nhấn mạnh./.

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/thu-tuong-du-hoi-nghi-tong-ket-cong-tac-nam-2022-va-trien-khai-nhiem-vu-nam-2023-cua-petrovietnam-a7485.html