Khoảng 400 nhà khoa học và chuyên gia khí hậu đã thể hiện ủng hộ đề xuất của Chính phủ Mỹ về việc xem xét lại một tham số quan trọng ước tính thiệt hại theo lượng khí thải CO2.
Tham số đang được cân nhắc điều chỉnh là chi phí xã hội do ảnh hưởng của khí thải carbon, tức giá trị quy ra tiền mặt của những tổn hại do biến đổi khí hậu tính trên một tấn CO2.
Đây là cách đánh giá những hậu quả về kinh tế, lao động và sức khỏe do ảnh hưởng của khí thải CO2, được tính bằng mức chênh lệch giữa chi phí giảm khí thải và thiệt hại tránh được nhờ các biện pháp giảm khí thải.
Tại Mỹ, tham số trên nhiều năm đã được sử dụng làm cơ sở phân tích chi phí và lợi ích trong mọi lĩnh vực từ quản lý các nhà máy điện đến các tiêu chuẩn hiệu năng của xe ô tô và đồ gia dụng. Việc tính toán số liệu này cũng bao gồm các yếu tố như dịch bệnh và tử vong vì các đợt sóng nhiệt trong tương lai, ô nhiễm bụi mịn, các thảm họa thiên nhiên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, thiệt hại về tài sản, giảm sản lượng nông nghiệp, gián đoạn các hệ thống năng lương, dự báo về xung đột bạo lực và di cư hàng loạt.
Ngay sau khi lên nắm quyền hồi tháng 1/2021, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu khôi phục chỉ số chi phí xã hội do ảnh hưởng của khí thải carbon sau khi chỉ số này bị đưa về mức danh nghĩa dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) hồi tháng 11/2022 đưa ra đề xuất nâng mức ước tính thiệt hại trên một tấn CO2 từ mức 51 USD hiện nay lên 190 USD. Quá trình lấy ý kiến cộng đồng về đề xuất này kết thúc vào ngày 13/2.
Trong ngày cuối, Hiệp hội các nhà khoa học liên quan (UCS) đã công bố bức thư với chữ ký của 400 chuyên gia, trong đó có nhiều nhà khoa học có uy tín, cho rằng những hậu quả nghiêm trọng và tốn kém của cuộc khủng hoảng khí hậu đang xảy ra ở khắp nơi trong khi giới khoa học cũng tin tưởng rằng những hậu quả đó sẽ ngày càng tồi tệ khi lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngày càng tăng.
Lá thư kêu gọi Mỹ đưa ra các chính sách quốc gia phản ánh đúng những thực tế khí hậu này. Lá thư cũng có nội dung cho rằng dù mức tăng của EPA là cần thiết nhưng vẫn chưa phản ánh đúng mức độ thiệt hại thực tế do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo hiệp hội trên, tham số hiện nay còn chưa tính đến những chi phí khó định lượng như tác động về hệ sinh thái và di sản văn hóa, chưa tính đến các hiện tượng khí hậu có nguy cơ xảy ra như băng tan dẫn tới mực nước biển dâng./.
Lê Ánh
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/ung-ho-de-xuat-nang-muc-uoc-tinh-thiet-hai-theo-luong-khi-thai-co2-a7904.html