Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đạt trên 335 triệu USD/năm và đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Âu là thị trường nhập khẩu chính sản phẩm hữu cơ.
Tổng Lãnh sự Lê Quang Long (thứ 6, từ trái sang) cùng các đại biểu và một số doanh nghiệp tại khu gian hàng Việt Nam ở Hội chợ Biofach 2023. (Ảnh: TTXVN phát)
Ngày 14/2, Hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về thực phẩm hữu cơ Biofach 2023 đã khai mạc tại thành phố Nürnberg, bang Bayern, miền Nam nước Đức.
Hội chợ lần thứ 34 này, diễn ra từ 14-17/2, thu hút trên 2.500 nhà triển lãm đến từ gần 100 quốc gia, trong đó Việt Nam có 10 doanh nghiệp tham dự.
Trong khuôn khổ Hội chợ, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA), Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã tổ chức chương trình giao thương, kết nối doanh nghiệp với chủ đề Hữu cơ Việt Nam.
Tham dự chương trình có đại diện Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Đức Naturland cùng đại diện các doanh nghiệp Đức và Việt Nam như Visimex, VietHaus, COCOVIE, Hagimex, Sokfarm, Hanuti, Chè Tam Đường, Vinasamex, CPT Corp, DACE…
Ông Trần Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch VOAA, cho biết sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau ba năm triển khai Đề án Nông nghiệp hữu cơ.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đạt trên 335 triệu USD/năm và đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó châu Âu là thị trường nhập khẩu chính các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam.
Ông cho biết thêm đây là lần thứ 6 liên tiếp, VOAA tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ Biofach nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trao đổi cơ hội kinh doanh, tìm kiếm đối tác, tiếp cận, xâm nhập thị trường thực phẩm hữu cơ thế giới.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức, bà Đỗ Việt Hà, đã chia sẻ tới các doanh nghiệp một số thông tin về thị trường Đức - thị trường hữu cơ lớn thứ hai trên thế giới.
Theo Thương vụ, người tiêu dùng châu Âu, đặc biệt là người Đức rất chú trọng đến các sản phẩm có lợi cho sức khỏe và xu hướng tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ ngày càng gia tăng.
Doanh thu thực phẩm hữu cơ ở Đức đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, từ 6,64 tỷ euro (7,12 tỷ USD) năm 2011 lên gần 15,9 tỷ euro vào năm 2021.
Tại Đức, 50% các sản phẩm hữu cơ được bán trong các siêu thị bán lẻ như Edeka, Aldi, Lild, Netto, Rewe…; 32% được bán tại các siêu thị chuyên về sản phẩm hữu cơ như Bio Company, Alnatura, LPG Bio Markt,.. và 18% được tiêu thụ thông qua các kênh bán lẻ khác.
Tới thăm và tìm hiểu thực tế tại các gian hàng Việt Nam, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt/Main, ông Lê Quang Long, đánh giá cao sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển các sản phẩm hữu cơ, tăng năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng.
Ông hoan nghênh các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trẻ, tham gia Hội chợ Biofach nhằm giới thiệu các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam với thế giới, đồng thời thông tin với các doanh nghiệp về cơ hội giao thương trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và Đức đang phát triển hết sức tốt đẹp.
Tổng Lãnh sự Lê Quang Long cũng mong muốn các doanh nghiệp nghiên cứu hơn nữa các tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là về mặt thương hiệu, để sản phẩm hữu cơ Việt Nam có thể thâm nhập tốt hơn vào thị trường Đức cũng như châu Âu.
Các sản phẩm Việt Nam trưng bày tại Hội chợ Biofach năm nay khá đa dạng như tiêu, hạt điều, quế hồi, càphê, cơm dừa, bún phở hữu cơ, tỏi ớt tương, dầu dừa, trà hữu cơ,… Đặc biệt, sản phẩm 100% tự nhiên từ mật hoa dừa của công ty Sok Farm được nhiều khách hàng quan tâm.
Phiên kết nối giao thương diễn ra hiệu quả, với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp và đối tác tiềm năng không chỉ của Đức mà từ các nước khác như Peru, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Tây Ban Nha..., hứa hẹn nhiều cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam.
Khách tìm hiểu sản phẩm chè hữu cơ của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)
Trong năm qua, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ tại Đức nói riêng và châu Âu nói chung có giảm so với các năm trước do tình hình lạm phát, giá năng lượng tăng vọt, hậu quả của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine. Điều này khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, giảm mua các sản phẩm hữu cơ có giá cao hơn các sản phẩm thông thường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tình trạng này chỉ là tạm thời trong bối cảnh việc phát triển sản phẩm hữu cơ đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới.
Chính phủ Đức rất quan tâm, chú trọng đến việc phát triển canh tác nông nghiệp hữu cơ. Để đạt được các mục tiêu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Đức muốn hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp nên canh tác hữu cơ là trọng tâm phát triển của nông nghiệp Đức. Chính phủ Đức đưa ra mục tiêu đến năm 2030, diện tích canh tác hữu cơ sẽ chiếm 30% tổng diện tích đất nông nghiệp.
Với xu thế phát triển, tiêu dùng sản phẩm hữu cơ kết hợp lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), tiềm năng và cơ hội cho nông sản hữu cơ Việt Nam ngày càng được mở rộng.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tối đa các cơ hội mang lại, nắm bắt kịp thời xu thế tiêu dùng, các quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu, các yêu cầu về chứng nhận tiêu dùng hữu cơ quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm hữu cơ Việt Nam./.
Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/doanh-nghiep-viet-nam-ket-noi-voi-thi-truong-nong-san-huu-co-duc-a7914.html