Để doanh nghiệp ICT Việt Nam tự tin vươn ra thế giới

Các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ theo xu hướng chung của thế giới, từng bước khẳng định chất lượng và dần làm chủ thị trường trong nước.

Để các doanh nghiệp ICT Việt Nam tự tin hòa nhập thị trường quốc tế cần có những giải pháp cụ thể mang tính chiến lược.

Nhiều thuận lợi để bứt phá

Hiện Việt Nam đang xếp thứ 12 trên thế giới về lượng người dùng internet với hơn 70 triệu người. Tổng số doanh nghiệp toàn ngành ICT Việt Nam đạt gần 45.000 doanh nghiệp với hơn 1 triệu nhân lực. Việt Nam cũng đang là quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số công ty phần mềm đạt chứng chỉ CMMI (chứng chỉ xác định mức độ trưởng thành về năng lực của doanh nghiệp phần mềm trên toàn cầu) với 25 doanh nghiệp, vượt trên cả Singapore và Malaysia. Những thống kê sơ bộ trên cho thấy, với khả năng phổ cập internet diện rộng kết hợp nguồn nhân lực dồi dào, năng động, cùng sự quan tâm của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp ICT Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để bứt phá mạnh mẽ ra thị trường thế giới trong thời gian tới.

10efa9c6-19db-4cf1-94c6-4adcca6b2919-1678331982.jpeg
Tập đoàn FPT giới thiệu gói giải pháp nhà thông minh FPT Smart Home. Ảnh: HOÀNG CHUNG

Năm 2022 là năm mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã chủ động đầu tư kinh doanh và mở rộng thị trường, nhất là những thị trường tiềm năng trên thế giới. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) về viễn thông đạt 3 tỷ USD, của Tập đoàn FPT về công nghệ thông tin và chuyển đổi số đạt 1 tỷ USD. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu chuyển đổi số bùng nổ trên thế giới tạo thị trường rất lớn cho các sản phẩm và dịch vụ số. Theo thống kê của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), thế giới hiện còn khoảng 49% dân số, tương đương gần 4 tỷ người, chưa được kết nối internet. Đây là thời cơ, cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế. Ông Pavel Poskakukhin, đồng Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định: "Với dân số trẻ và am hiểu công nghệ, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu, đặc biệt là cung cấp các giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử".

Tuy nhiên, bước ra “biển lớn” là một chuyện, khẳng định thương hiệu và giữ được thị phần khách hàng lại là chuyện khác. Các doanh nghiệp ICT Việt Nam tuy số lượng lớn nhưng quy mô vừa và nhỏ là chủ yếu. Những doanh nghiệp lớn mang tính tiên phong, dẫn dắt thị trường như Viettel, FPT không nhiều. Về nhân lực, Việt Nam có lực lượng kỹ sư công nghệ trẻ tuổi, say mê lập trình, tuy nhiên lại hạn chế về ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, dẫn đến mất đi cơ hội được làm việc trong những môi trường chuyên nghiệp tại nước ngoài.

Hướng tới thị trường phù hợp

Theo ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel: Các doanh nghiệp ICT Việt Nam khi kinh doanh tại nước ngoài có thể gặp rủi ro từ sự biến động của tỷ giá ngoại tệ, thiếu bạn đồng hành do không có cộng đồng doanh nghiệp đi cùng. Tại nhiều quốc gia, Việt Nam chưa có hiệp định bảo hộ đầu tư và tránh đánh thuế hai lần. Từ những kinh nghiệm thực tiễn, ông Tào Đức Thắng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài cần khảo sát, đánh giá kỹ về tình hình chính trị, kinh tế-xã hội, luật pháp trước khi quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, phải tập trung nguồn lực để triển khai nhanh nhằm tận dụng cơ hội, nâng cao hiệu quả dự án. Các doanh nghiệp cũng cần gắn kết chặt chẽ với chính quyền địa phương, thượng tôn pháp luật, tham gia xây dựng chính sách, kinh doanh nhưng phải gắn liền với lợi ích xã hội.

Để cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài trên “sân khách”, các doanh nghiệp ICT Việt Nam cần có chiến lược khôn ngoan, hướng tới những thị trường còn nhiều tiềm năng với khách hàng phù hợp. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Doanh nghiệp công nghệ số nước ta có khả năng tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá rẻ và khai thác thành công các thị trường mà những công ty công nghệ số lớn đang bỏ ngỏ. Làm công nghệ không có chỗ cho sản phẩm trung bình, nhưng sản phẩm chất lượng mà giá cao thì lại không đến lượt những doanh nghiệp chưa có tên tuổi quốc tế như chúng ta. Chất lượng và giá rẻ sẽ rất phù hợp với giai đoạn đại chúng hóa công nghệ số, khi tất cả các nước từ giàu đến nghèo đều đang đẩy nhanh chuyển đổi số một cách toàn dân, toàn diện. Tuy nhiên, muốn thành công, các doanh nghiệp ICT Việt Nam cần nhạy bén nắm bắt được xu hướng công nghệ của thế giới. 

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các hiệp hội công nghệ sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp ICT Việt Nam bằng cách thúc đẩy mạnh mẽ ngoại giao kinh tế trong lĩnh vực công nghệ số, tận dụng các cơ chế thương mại toàn cầu để tăng cường quảng bá và tiếp thị cho các thương hiệu công nghệ số Việt Nam; tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại số, gian hàng công nghệ số Việt Nam ở nước ngoài; tham mưu Chính phủ ký kết các hiệp định đối tác số với các nước. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài; đây sẽ là chỗ dựa, là cầu nối, sát cánh cùng các doanh nghiệp công nghệ số trong nước tiến ra thị trường thế giới.

HOÀNG CHUNG

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/de-doanh-nghiep-ict-viet-nam-tu-tin-vuon-ra-the-gioi-a8374.html