Đón khách du lịch bằng chính sách thị thực thông thoáng

Ngày 15/3 sắp tới là mốc ghi dấu tròn một năm Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch sau đại dịch Covid-19. Song đáng tiếc, thị trường khách du lịch quốc tế đến nước ta phục hồi khá chậm, đòi hỏi cần nhanh chóng có những giải pháp tháo gỡ, nhất là với chính sách visa - điểm nghẽn được xác định đã tồn tại nhiều năm của du lịch Việt Nam.

Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An, Quảng Nam. (Ảnh: HỮU TRUNG)
Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An, Quảng Nam. (Ảnh: HỮU TRUNG)

Là một trong những quốc gia đầu tiên của khu vực mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, nhưng dường như Việt Nam đã không thể tận dụng được lợi thế của người đi trước, nên lượng khách quốc tế tới nước ta khiêm tốn hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực.

Năm 2022, Việt Nam chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách quốc tế, cách khá xa so với chỉ tiêu đặt ra là 5 triệu lượt khách. 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón hơn 1,8 triệu lượt khách quốc tế, nhưng chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra đại dịch.

Chậm là mất cơ hội

Sự thiếu vắng của du khách quốc tế khiến nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là khi các nguồn lực đã bị cạn kiệt sau đại dịch. Không ít doanh nghiệp phải tuyên bố giải thể, nhiều khách sạn, nhà hàng phải rao bán, chuyển đổi mục đích sử dụng…

Dẫn đến thực trạng trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng theo nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ yếu nằm ở những hạn chế về chính sách visa mà Việt Nam đang áp dụng.

PGS, TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Chính sách thị thực là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên sức hút của điểm đến. Độ mở của visa cũng là tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch, lữ hành tại điểm đến, từ đó thu hút khách quốc tế.

“Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực, chính sách thị thực của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thực hiện cấp thị thực điện tử cho 80 quốc gia nhưng chỉ có hơn 30 cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh một lần. Đây thực sự là “rào cản” đối với ngành kinh tế xanh” - PGS, TS Phạm Hồng Long nhận định.

Nhìn ra các nước trong khu vực, Thái Lan đã miễn thị thực cho du khách đến từ 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Con số này của Singapore và Malaysia thậm chí lên tới hơn 160 quốc gia, với Philippines là 157 quốc gia, vùng lãnh thổ… Phần lớn các quốc gia đều quy định thời hạn lưu trú từ 30 ngày trở lên đã tạo cơ hội thuận lợi để chào đón du khách quốc tế.

Trở lại đường đua du lịch sau đại dịch Covid-19, để tạo ra lợi thế cạnh tranh điểm đến, hàng loạt quốc gia đã chủ động tạo đòn bẩy từ chính sách thị thực. Thái Lan kéo dài thời gian lưu trú từ 30 ngày lên 45 ngày đối với khách du lịch từ các quốc gia, vùng lãnh thổ được miễn thị thực và từ 15 ngày lên 30 ngày đối với khách du lịch đủ điều kiện nhận thị thực khi đến.

Đài Loan (Trung Quốc) lập tức áp dụng trở lại chính sách e-visa Quan Hồng hướng đến khách đi tour, đi theo đoàn qua các công ty lữ hành với thủ tục đơn giản, nhanh chóng.

Hàn Quốc nhanh chóng nối lại loại hình thị thực cho phép khách ra vào nhiều lần, thời hạn lưu trú 30 ngày, không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong 5 năm. Sự nhanh nhạy trong áp dụng chính sách thị thực linh hoạt, thông thoáng đã góp phần tạo sức bật mạnh mẽ cho du lịch các quốc gia nói trên trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về điểm đến, chính sách visa của Việt Nam vẫn “giậm chân tại chỗ”, nên đã đánh mất lượng khách quốc tế luôn có tâm lý ngần ngại với những thủ tục xin visa phức tạp, rườm rà. Còn nhiều đối tượng khách từ thị trường xa muốn lưu lại Việt Nam dài ngày buộc phải cắt ngắn lịch trình hoặc thay đổi điểm đến vì thời gian miễn thị thực của Việt Nam chỉ được 15 ngày…

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu còn chậm trễ trong việc điều chỉnh chính sách visa, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút khách quốc tế và vô tình tạo điều kiện tốt mang đến lợi thế cạnh tranh cho những quốc gia khác trong khu vực.

Chính sách visa - “chìa khóa” thu hút khách

Phân tích của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) cho thấy, sự thuận lợi của việc cấp thị thực nhập cảnh có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5 đến 25% mỗi năm. Nghiên cứu về tác động từ việc miễn thị thực cho năm nước Tây Âu của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cũng cho thấy lượng khách trung bình từ các quốc gia này tới Việt Nam đã tăng gần 20%. Điều này chứng minh, những thay đổi về chính sách visa theo hướng linh hoạt, cởi mở hơn luôn là “chìa khóa” thu hút khách quốc tế, tạo ra sự bứt phá ngoạn mục cho du lịch.

Đón khách du lịch bằng chính sách thị thực thông thoáng ảnh 1

Du khách quốc tế tham quan Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. (Ảnh: DINH NGUYỄN)

PGS, TS Phạm Hồng Long cho rằng: Việt Nam cần mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa, đặc biệt với các nước ở châu Âu, Australia, New Zealand, Canada; kéo dài thời hạn visa lên 30-45 ngày và cho phép khách được phép nhập cảnh nhiều lần. Đây sẽ là động lực lớn đối với người nước ngoài đang muốn đi du lịch đến Việt Nam.

Theo PGS, TS Phạm Hồng Long, với các thị trường có mức chi tiêu cao như Đức, Italia, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển… chúng ta có thể tăng số ngày lưu trú của họ lên 3 tháng, vì khách càng ở lâu càng chi nhiều. Việc cấp visa điện tử nên được mở rộng cho tất cả các quốc gia cùng một hệ thống đơn giản, nhanh chóng, thân thiện hơn với người dùng. Bên cạnh đó, thủ tục visa tại chỗ cũng cần phải được quan tâm triển khai để tạo sự thuận tiện cho du khách.

Trong Sách Trắng 2023 vừa được công bố, Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng nêu quan điểm cho rằng chính sách hiện tại của Việt Nam yêu cầu phải có thị thực trước khi khởi hành/thị thực nhập cảnh/thị thực điện tử là nghiêm ngặt, cùng với thời gian và chi phí phát sinh từ thủ tục này, đang cản trở khách du lịch tự túc từ châu Âu, vốn là tệp khách hàng chi tiêu cao.

Vì thế, EuroCham đưa ra 4 khuyến nghị cho Việt Nam, gồm: Mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và kéo dài thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày; Kéo dài thời hạn chương trình miễn thị thực được công bố với thời hạn chương trình miễn thị thực mới trong 5 năm; Cấp thị thực du lịch 3 tháng cho những du khách châu Âu muốn thực hiện các kỳ nghỉ dài ngày để thu hút thị trường cao cấp với mức chi tiêu cao; Miễn thị thực lưu trú ngắn hạn trong một số tình huống nhất định, đặc biệt là để hỗ trợ các diễn đàn, triển lãm và sự kiện thể thao.

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Du lịch, từ ngày 15/3, Trung Quốc sẽ cho phép các công ty du lịch tổ chức khách theo đoàn vào Việt Nam. Thông tin này đã phần nào thắp lên những tia hy vọng mới cho việc cải thiện con số về lượng khách quốc tế, nhất là khi khách Trung Quốc vốn chiếm tới 1/3 thị phần khách du lịch quốc tế tới Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tránh những rủi ro lớn từ việc quá lệ thuộc vào một thị trường du lịch, hướng tới phát triển du lịch về chất lượng hơn là số lượng, vẫn cần có những giải pháp để thu hút đa dạng nhiều đối tượng khách. Và giải pháp không thể bỏ qua là cần giải phóng những rào cản về chính sách visa bằng những thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt hơn, từ đó vừa gia tăng số lượng khách quốc tế, vừa tăng khả năng lưu trú, chi tiêu của du khách, mang đến những lợi ích “kép” cho du lịch Việt Nam cũng như những ngành liên quan.

TÚ ANH

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/don-khach-du-lich-bang-chinh-sach-thi-thuc-thong-thoang-a8416.html