Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Mở visa, phục hồi du lịch” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo có sự tham gia của đại diện: Tổng cục Du lịch; Cục Hàng không Việt Nam; Cục Quản lý xuất nhập cảnh; lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp hàng đầu ngành du lịch.
Nút thắt visa
Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên thông tin, số liệu từ trang VisaGuide.World công bố cuối năm 2022 cho thấy, tỷ lệ phục hồi du lịch của Việt Nam chỉ 18,1%, trong khi các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Campuchia đều đạt tỷ lệ từ 26 đến 31%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong đó, chính sách thị thực (visa) được đánh giá là lý do quan trọng khiến Việt Nam mở cửa sớm nhưng khách quốc tế lại ít đến hơn các nước láng giềng như Thái Lan hay Indonesia. Cụ thể, năm 2022, chúng ta đặt mục tiêu thu hút 5 triệu khách quốc tế nhưng chỉ đạt 3,5 triệu khách. Năm 2023, Việt Nam lên kế hoạch thu hút 8 triệu du khách quốc tế, song con số này đang gặp thách thức rất lớn khi Trung Quốc chậm đưa Việt Nam vào 20 quốc gia cấp visa theo đoàn và đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước láng giềng.
Trong khi, khách quốc tế là thị phần khách có đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu của ngành du lịch. Minh chứng là trong 3 năm trước đại dịch Covid-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch. Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra.
Dịp Tết Nguyên đán 2023, khách nội địa tăng gần 50% nhưng tổng thu du lịch giảm 30%... Những con số này cho thấy, khách quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phục hồi du lịch Việt Nam hiện nay.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam nhận định, chính sách visa là nguyên nhân gây ra những khó khăn mà các doanh nghiệp du lịch, hàng không Việt Nam đã và đang mắc phải. Nếu cởi mở chính sách visa song song quảng bá du lịch sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt mang thêm ngoại tệ vào đất nước.
Theo ông Nam, giải cứu du lịch quốc tế không chỉ là cứu các doanh nghiệp du lịch, hàng không, các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng sơ cấp và thứ cấp, mà còn mang lại nhiều cơ hội bán hàng và tăng thu nhập cho người nghèo bán rong, vắng khách tại các thành phố du lịch. Mỗi khách quốc tế vào, cơ hội bán thêm món quà của em bé bán hàng rong trên Sa Pa tăng, cơ hội cho người nghèo thoát nghèo cũng từ đây.
Gỡ khó cách nào?
Ông Lương Hoài Nam kiến nghị, cần tăng số nước miễn visa đơn phương, Thái Lan đang miễn visa cho 68 quốc gia, Việt Nam có thể mở ngang Thái Lan, nâng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30-45 ngày. Đặc biệt, cho du khách vào ra nhiều lần. Hiện khách ở tại Việt Nam, qua Singapore quay lại không được, vậy họ đi luôn. Nếu không có chính sách này, sân bay Long Thành trong tương lai khó thực hiện việc trung chuyển. Hay toàn bộ khách từ các nước thành viên EU miễn hết visa cho họ. Đây là đối tượng khách an toàn, văn minh thân thiện. Kéo dài thời hạn các chương trình miễn thị thực đơn phương lên 5 năm để doanh nghiệp yên tâm tiếp thị, xây dựng sản phẩm, giới thiệu, phát triển.
ckhách từ thị trường Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ (những thị trường du lịch lớn có đường bay thẳng với Việt Nam), nên sớm có thỏa thuận chính sách visa dài hạn song phương với thời hạn 5-10 năm, tương tự visa dài hạn mà một số quốc gia đã và đang cấp cho công dân Việt Nam.
Miễn visa cho các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam tham gia các sự kiện MICE, du lịch đánh golf (dựa trên danh sách của các đơn vị tổ chức sự kiện MICE, golf); miễn visa cho du khách và phi hành đoàn đến Việt Nam bằng máy bay riêng vì mục đích kinh doanh hoặc du lịch. Cần tạo điều kiện đối tượng siêu giàu vào để tăng doanh thu sân bay, khách sạn sang…
Đặc biệt, mở rộng các nước được cấp eVisa; nâng cấp hệ thống eVisa về tính năng, giao diện của trang web và luôn điều chỉnh thay đổi chính sách eVisa để cạnh tranh với các nước. Phải coi chính sách visa là một "công cụ cạnh tranh” thu hút du khách quốc tế của Việt Nam.
Bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc Khối Sun World, Tập đoàn Sun Group đề xuất, đầu tiên, trong ngắn hạn cần mở rộng phạm vi quốc gia được miễn thị thực đơn phương, cụ thể là mở rộng miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc danh sách được cấp thị thực điện tử vào Việt Nam để có thể tranh thủ đón khách quốc tế trong dịp hè này. Trong dài hạn, chúng ta nên sửa đổi, bổ sung Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó, tăng thời hạn miễn thị thực lên 90-180 ngày, thời gian tạm trú 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần. Xem xét thêm việc miễn phí visa cho một số nước có nhu cầu ở dài như Australia, New Zealand…; đồng thời nghiên cứu quy trình, áp dụng công nghệ để cải cách quá trình cấp visa giúp đẩy nhanh thời gian, đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hình thức cấp visa nhằm hỗ trợ tối đa cho du khách quốc tế.
Tương tự, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đề xuất, bên cạnh việc mở chính sách về cấp/miễn visa, nâng cao năng lực hạ tầng vận chuyển, Việt Nam cần các chính sách để phát triển mô hình du lịch sức khỏe và phát triển các tổ hợp mua sắm, vui chơi, giải trí.
Đặc biệt, du lịch sức khỏe là một trong những loại hình du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất hiện nay. Theo báo cáo của Global Wellness Institute, quy mô du lịch sức khỏe năm 2020 là 436 tỷ USD và dự báo tăng lên tới 1.128 tỷ USD vào năm 2025. Đây được coi là một trong những thị trường mang lại doanh thu cao nhất trong các loại hình du lịch. Nếu Việt Nam ưu tiên phát triển thị trường này, đây có thể sẽ trở thành lĩnh vực mũi nhọn trong thời gian tới.
TÙNG QUANG
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/de-nganh-du-lich-khong-di-truoc-ve-sau-a8424.html