Khẩn trương phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

Nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh trên động vật, nhất là dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh ở lợn... trên phạm vi diện rộng trong thời gian tới rất cao. Do đó, các địa phương cần khẩn trương phòng, chống để hạn chế thấp nhất tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai.
Nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai.

Đây là khuyến cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra khi tình hình dịch bệnh trên động vật đã xảy ra rải rác tại một số địa phương trong nước từ đầu năm 2023 đến nay.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Được mệnh danh là thủ phủ chăn nuôi cả nước, ngành chăn nuôi Đồng Nai chiếm tỷ trọng cao (gần 62%) trong giá trị sản xuất nông nghiệp, với hai loại vật nuôi chủ lực là lợn và gà.

Hiện, tổng đàn lợn của địa phương này khoảng 2,56 triệu con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn với 1.198 trang trại, chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 10% tổng đàn với 6.285 hộ. Tổng đàn gà hơn 26 triệu con, chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 91% tổng đàn với 360 trang trại, chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 9% tổng đàn với 18.305 hộ.

Tuy chăn nuôi quy mô nông hộ ở Đồng Nai chiếm tỷ lệ thấp, nhưng với hơn 24.000 hộ tham gia, phần lớn các hộ chưa quan tâm đến công tác chăn nuôi an toàn sinh học, quản lý dịch bệnh.

Một số hộ chưa chủ động tiêm phòng vắc-xin đã ảnh hưởng đến công tác xây dựng và duy trì vùng an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, Đồng Nai có mật độ chăn nuôi cao, có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua nên thời gian tới, nguy cơ tiếp tục phát sinh dịch bệnh rất cao.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai

Tính đến đầu tháng 3/2023, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28 triệu con; tổng đàn gia cầm hơn 550 triệu con, trong đó tổng đàn gà chiếm 80%, đàn thủy cầm chiếm khoảng 20%.

Từ đầu năm đến ngày 7/3, cả nước đã xảy ra 68 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 22 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 2.984 con lợn; xảy ra bốn ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại bốn huyện của bốn tỉnh, với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 6.569 con.

Cùng thời gian này, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò phát sinh 18 ổ dịch tại năm tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc bệnh là 113 con, số gia súc buộc tiêu hủy là 10 con trâu, bò. Bệnh lở mồm long móng trên gia súc phát sinh bốn ổ dịch tại ba huyện của ba tỉnh, với số gia súc mắc bệnh là 84 con…

Tuy tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm từ đầu năm đến nay có giảm hơn so với cùng kỳ năm 2021, nhưng theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, nguy cơ dịch bệnh trên động vật tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Nguyên nhân do đặc điểm của vi-rút dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học. Còn vi-rút cúm gia cầm (các chủng vi-rút A/H5 bao gồm: H5N1, H5N6, H5N8...) lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 6%).

Giao thương buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước gia tăng; tình trạng giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến (cả nước còn hơn 22.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ).

Nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới. Công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, giết mổ, chế biến và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn bất cập. Sản xuất theo chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn còn nhiều hạn chế...

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Nguy cơ xảy ra dịch bệnh ở gia súc, gia cầm trên diện rộng là hiện hữu nếu các địa phương lơ là phòng, chống dịch bệnh. Việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở các địa phương được xem là giải pháp hiệu quả nhất.

Hiện, Đồng Nai đang xây dựng phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, hy vọng năm nay sẽ đưa vào hoạt động. Phần mềm sẽ công khai, minh bạch tất cả dữ liệu của các trang trại, người nuôi gia súc, gia cầm, qua đó công tác quản lý dễ dàng hơn

Ông Trần Lâm Sinh

Theo ông Trần Lâm Sinh, chăn nuôi ở Đồng Nai tiếp tục phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn (tỷ lệ trang trại lợn, gà đạt 90-91% tổng đàn), gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín có nhiều chuyển biến tích cực là điều kiện thuận lợi để xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

Đồng Nai đã ban hành kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện. Đến nay, đã có bảy vùng cấp huyện, 11 vùng cấp xã được chứng nhận an toàn dịch bệnh với bệnh cúm gia cầm và Newcastle (bệnh gà rù); hơn 400 trại chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn hiệu lực, gồm: 167 trại gà, 31 trại vịt, năm trại bò và 200 trại lợn.

Để công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật đạt hiệu quả, Đồng Nai đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với chợ chuyên kinh doanh động vật, chợ kinh doanh động vật nhỏ lẻ, cơ sở thu gom động vật; cơ sở xét nghiệm, chẩn đoán bệnh động vật.

Với tổng đàn lợn gần một triệu con, tổng đàn gia cầm khoảng 14 triệu con, tỉnh Bình Dương cũng tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Hiện, địa phương này đã được Cục Thú y công nhận tổng cộng 13 vùng an toàn dịch bệnh động vật.

Để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, yếu tố quan trọng quyết định là phải xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên phạm vi cả nước đến nay đã có chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, các vùng đó phải bảo đảm tính chắc chắn, đủ tiêu chí của Tổ chức Thú y thế giới và các tiêu chí của Việt Nam mới phát triển được ngành chăn nuôi trong nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến

Trong đó, có năm vùng an toàn dịch bệnh động vật trên gia cầm, bốn vùng an toàn dịch bệnh động vật trên gia súc...; có 173 cơ sở chăn nuôi đã được Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương công nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh. Trong số này có 55 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên gia súc (chiếm tỷ lệ khoảng 21% trang trại chăn nuôi công nghệ cao), 118 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên gia cầm (chiếm tỷ lệ khoảng 70% trang trại chăn nuôi công nghệ cao).

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương cho rằng: Tại Bình Dương, chăn nuôi quy mô nông hộ vẫn còn đan xen với chăn nuôi quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao nên khả năng phát sinh và lây lan dịch bệnh vẫn có nguy cơ cao.

Bình Dương kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành Dự án “Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới”. Trong đó, nêu rõ các tỉnh, thành phố thuộc dự án và nội dung kinh phí dự án theo phân cấp giữa trung ương và địa phương, để làm cơ sở pháp lý cho các địa phương bố trí kinh phí xây dựng, duy trì các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật.

Trước nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Khẩn trương phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ảnh 1

Cán bộ thú y xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp tiêm vắc-xin phòng dịch cho gia cầm. (Ảnh NHỰT AN)

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc-xin phòng bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh ở lợn; tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Bài và ảnh: CAO TÂN

 

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/khan-truong-phong-chong-dich-benh-tren-gia-suc-gia-cam-a8485.html