Thành tích xuất sắc vẫn không thoát được khủng hoảng
Thụ động, thiếu trải nghiệm là nguyên nhân dễ hiểu dẫn đến việc giới trẻ không hiểu bản thân, không tìm được con đường phù hợp. Tuy nhiên, ngay cả những ”mầm non” học trường chuyên, lớp chọn, sở hữu thành tích tốt tưởng chừng như có rất nhiều cơ hội cũng không tránh khỏi “vòng xoáy” mất định hướng.
IELTS 7.5, SAT 1320/1600, GPA luôn trên 9, cấp 2 và cấp 3 đều nằm trong đội tuyển học sinh giỏi, giải nhì học sinh giỏi Ngữ văn cấp thành phố là những thành tích mà Phạm Thùy Trang (học sinh lớp 12D1, trường trung học phổ thông Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội) khiến nhiều bạn bè ngưỡng mộ. Tuy vậy, Thùy Trang vẫn thấy “mờ mịt”, khủng hoảng khi được hỏi về định hướng tương lai của mình.
Với sở thích và những trải nghiệm mà mình có, Thùy Trang từng tự tin mình sẽ theo đuổi ước mơ du học ngành truyền thông tại Mỹ. Sau khi tìm hiểu sâu hơn về định hướng của mình, Trang phát hiện có quá nhiều khó khăn vô hình khiến em mất tự tin và rơi vào khủng hoảng.
“Theo thời gian, mọi thứ đã không còn ‘trong mơ’ như em nghĩ. Nguyện vọng du học có thành công hay không cũng không phụ thuộc vào kết quả học bổng, khi điều kiện kinh tế của gia đình em cũng không phải quá tốt. Em dần nhụt chí khi các hoạt động truyền thông do mình thực hiện không hiệu quả” - Thùy Trang chia sẻ.
Bên cạnh những lý do trên, nữ sinh cho rằng, việc mất định hướng một phần do hướng nghiệp được trường triển khai khá muộn, bố mẹ chưa hiểu được nguyện vọng của con.
Có nền tảng tốt, có thành tích xuất sắc nhưng vẫn rơi vào khủng hoảng lựa chọn ngành nghề không chỉ là câu chuyện của riêng Thùy Trang mà còn là rào cản của rất nhiều bạn trẻ khác.
Theo báo cáo Thị trường lao động trong năm 2022: Thực trạng và hướng đi của VietnamWorks, khủng hoảng trong định hướng nghề nghiệp không chỉ xảy ra đối với độ tuổi trung học phổ thông.
Thực tế cho thấy nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng, hay ra làm nghề nhưng không hề hứng thú, tỷ lệ bỏ nghề, nhảy việc cao. Lý do "thiếu định hướng và chán công việc hiện tại” chiếm 50% lý do chuyển việc của các ứng viên trẻ, kế tiếp là “thay đổi định hướng phát triển sự nghiệp” chiếm 25%.
“Gap year” và tư duy “lùi 1 bước, tiến 3 bước”
Đối mặt với khủng hoảng đi tìm bản thân để lựa chọn ngành nghề phù hợp, ngày càng nhiều bạn trẻ lựa chọn cách giải quyết “táo bạo” và hiện đại hơn: chọn “gap year” (tạm nghỉ 1 năm) để “lùi 1 bước, tiến 3 bước”.
Nguyễn Mai Chi (2003), nickname Chi Ka, được biết đến là một người sáng tạo nội dung số trên nền tảng Tiktok, Youtube...đồng thời là sinh viên năm 2 chuyên ngành Marketing ở Viện Đào tạo quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân.
Bắt đầu sản xuất nội dung trên kênh Tiktok từ giữa năm 2021, các video của Mai Chi đều xoay quanh chủ đề học tập với tư duy trẻ đầy sáng tạo, trong đó video với tiêu đề “Mình bỏ học đại học” của cô sinh viên năm 2 đã thu hút hơn 360.000 lượt xem và hơn 40.000 lượt thích.
“Em rất thích ngành và trường mà mình lựa chọn. Tuy nhiên, qua một khoảng thời gian học tập, em nhận ra mình không phù hợp với cách học nặng lý thuyết và thiếu thực hành như trên trường. Vì vậy, sau 15 phút nói chuyện với chị gái, em quyết định tạm dừng việc học đại học khoảng 1 - 2 năm định hướng lại bản thân, để khi quay trở lại sẽ có cách tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn”.
Được biết, việc thuyết phục bố mẹ về ý tưởng “táo bạo” này cũng là một thử thách “khó nhằn” đối với Mai Chi. “Sau khi chia sẻ về kế hoạch ‘gap year’ của mình, sự im lặng đột ngột của mẹ làm em khá lo lắng. Mẹ có xu hướng phản đối với quan điểm rằng việc học đại học là điều bắt buộc và không được bỏ dở. Vì là một cô bé cá tính mạnh nên hai mẹ con em đã có một cuộc tranh luận khá gay gắt”.
Hoàng Minh Hiếu (2001), sinh viên năm 3 ngành đạo diễn điện ảnh, Đại học Sân khấu điện ảnh cũng từng lựa chọn “gap year” 1 năm để “tự chữa lành” sau thời gian khủng hoảng trong học tập.
“Mình từng nghĩ việc chọn ngành học theo đam mê sẽ giúp bản thân đi nhanh hơn trên con đường sự nghiệp, cho tới khi gặp quá nhiều khó khăn và rơi vào khủng hoảng: tự ti, áp lực đồng trang lứa khi bạn bè xung quanh ai cũng giỏi, trong khi mình luôn “chật vật” với việc làm ra một tác phẩm. Sau thời gian dài suy nghĩ, ‘gap year’ là cách mình chọn để ‘sạc pin’ lại cho bản thân và tìm lại động lực để bước tiếp với con đường đã chọn".
Thử thách khó khăn nhất của các bạn trẻ khi lựa chọn “gap year” chính là việc thuyết phục được bố mẹ. Với lối nghĩ truyền thống, xem việc học đại học là con đường duy nhất giúp con cái ổn định và thành công gần như đối nghịch với tư duy đầy mới mẻ và có phần “táo bạo” của một số bạn trẻ hiện nay.
Ngoài ra, “gap year” sẽ trở thành khoảng thời gian lãng phí nếu chỉ xuất phát từ cảm xúc nhất thời của người trẻ. Vấn đề đặt ra, liệu các bạn trẻ có đủ bản lĩnh làm chủ quyết định với những mục tiêu, kế hoạch rõ ràng, chuẩn bị những hành trang cần thiết cho “kỳ nghỉ” này trở nên xứng đáng.
Cả Mai Chi và Minh Hiếu đều chia sẻ, trước khi “gap year”, các em đều đã có cho mình mục tiêu rõ ràng, đặc biệt là vẫn xem “gap year” là một phần trong quá trình học của mình. Sau khi tích lũy được thêm trải nghiệm và kinh nghiệm thực tiễn, em chắc chắn 100% sẽ quay lại hoàn thành việc học ở trường. Đó chính là lý do mà các bạn có thể “vượt ải” phản đối của bố mẹ.
Giải pháp cốt lõi nằm ở việc thấu hiểu bản thân và có mục tiêu rõ ràng
Chị Nguyễn Thái Hà hiện là Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần John Hunt cho biết với kinh nghiệm nhiều năm làm đào tạo tuyển dụng và hướng nghiệp, chị luôn khuyên các bạn trẻ “giải pháp cốt lõi để giải quyết mọi vấn đề nằm ở việc thấu hiểu bản thân”.
“Hiện nay với công nghệ và mạng internet phát triển, các bạn trẻ có nhiều công cụ hỗ trợ cho hành trình thấu hiểu bản thân hơn như trắc nghiệm tính cách hay phân tích não bộ,... Tuy nhiên, điều quan trọng của hành trình này vẫn là chủ động, trải nghiệm, liên tục làm và soi chiếu mình.
Trong số các cách để các bạn trẻ “tự hiểu mình”, chị Thái Hà cho rằng “gap year” cũng là một lựa chọn tốt. Khoảng thời gian này chỉ đơn thuần là các bạn tạm dừng việc học trên trường lớp hay công việc cố định trong vòng 1-2 năm, nghe có vẻ dài nhưng vẫn là quá ngắn so với chuỗi thời gian của một đời người.
“Mình ủng hộ rằng các bạn trẻ dù có đang rơi vào khủng hoảng lựa chọn ngành nghề hay không, đều có thể “gap year”. Đó sẽ là khoảng thời gian xứng đáng nếu các bạn đã suy nghĩ kỹ và lên mục tiêu, kế hoạch rõ ràng để giúp bản thân tìm lại niềm vui, gia tăng trải nghiệm từ đó chiêm nghiệm được nhiều điều quý giá”, chị Thái Hà chia sẻ thêm.
Ngoài ra, tư duy xem xét đa chiều là yếu tố mà chị Thái Hà cho rằng người trẻ cần có để hạn chế việc mất định hướng, “vỡ mộng” trong bài toán lựa chọn ngành nghề.
Việc nghiên cứu, tìm tòi và tự đặt ra những câu hỏi như “Khó khăn của ngành nghề này là gì? Liệu bản thân có chấp nhận “trả giá” để nhận được kết quả xứng đáng trong công việc?”,... chính là nền tảng cho một quyết định sáng suốt. Bên cạnh việc “tự lực” trên hành trình thấu hiểu bản thân, sự quan tâm của nhà trường và gia đình đóng vai trò to lớn trong việc giúp các bạn trẻ có định hướng tốt hơn cho tương lai.
CẨM LY
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/gap-year-cach-tao-bao-giup-ban-tre-dinh-huong-ban-than-a8527.html