Thủ tướng Chính phủ: Phát triển du lịch là sẵn sàng "cung cấp điều khách hàng cần"

Sáng 15-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 nhằm "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển".

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự Hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh du lịch và các ngành liên quan; các chuyên gia nghiên cứu kinh tế.

Về phía Bộ Quốc phòng có Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Thủ tướng Chính phủ: Phát triển du lịch là sẵn sàng "cung cấp điều khách hàng cần"

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Dương Giang

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị này là hội nghị lần thứ 3 toàn quốc về phát triển du lịch nhằm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Khi Nghị quyết 08 được triển khai thì xảy ra dịch Covid-19. Kể từ sau Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020, ngành Du lịch đã trải qua 2 năm khó khăn, chịu thiệt hại nặng nề do tác động của dịch Covid-19. Trước tác động nặng nề đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động; nhất là phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Nhờ các quyết sách đúng đắn và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, dịch Covid-19 được kiểm soát. Đúng 1 năm trước, ngày 15-3-2022, khi dịch Covid-19 được kiểm soát khá vững chắc, Chính phủ đã quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế nhập cảnh, đón khách quốc tế sớm hơn so với rất nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Đây là bước ngoặt quan trọng để phục hồi kinh tế - xã hội.

Với những nỗ lực, cố gắng rất lớn của ngành Du lịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, năm 2022, thị trường du lịch Việt Nam đã từng bước được khôi phục.

Tuy nhiên, nhiều nước, thị trường, đối tác du lịch lớn, truyền thống của ta diễn biến dịch bệnh còn phức tạp và phải thực hiện các biện pháp hạn chế xuất nhập cảnh. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực bởi xung đột Nga-Ukraine đã làm cho du lịch nước ta gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thu hút khách du lịch quốc tế.

Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2023 và thời gian tới, các rào cản xuất nhập cảnh do Covid-19 sẽ được xóa bỏ. Động thái này sẽ mang lại những cơ hội, thuận lợi nhưng cũng rất nhiều khó khăn, thách thức, cạnh tranh giữa ta và các thị trường du lịch khác. Để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đề ra, đòi hỏi phải tìm được lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thảo luận, phân tích kỹ tình hình, thời cơ, thuận lợi, khó khăn; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong phát triển du lịch thời gian qua và giải pháp phát triển du lịch thời gian tới; kinh nghiệm quốc tế trong phát triển du lịch... Trước mắt, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu năm 2023 đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 650 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ: Phát triển du lịch là sẵn sàng "cung cấp điều khách hàng cần"
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu thảo luận, trả lời các câu hỏi về: Phát triển du lịch đã đi đúng hướng, phù hợp chưa? Các bộ, ngành, địa phương đã khai thác, phát huy hết các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh du lịch chưa? Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đã tốt chưa? Tại sao vẫn còn tình trạng làm du lịch manh mún, thiếu bền vững? Tại sao tỷ lệ khách quốc tế trở lại Việt Nam vẫn thấp?...

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đề xuất, hiến kế các chính sách về phát triển hạ tầng; xúc tiến, quảng bá du lịch; đảm bảo vệ sinh, môi trường; việc phát triển văn hóa gắn với du lịch; huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công tư cho phát triển du lịch; chính sách visa, chính sách lao động, công nghệ... để tạo đột phá trong phát triển du lịch.

“Trách nhiệm phát triển du lịch nhanh, bền vững là của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp; không phải trách nhiệm của riêng ai. Nên chăng chúng ta phát động một phong trào xây dựng đất nước xanh, sạch, đẹp để phát triển kinh tế - xã hội và du lịch nhanh, bền vững ?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước dịch covid-19, lượng khách quốc tế đã tăng 2,3 lần trong vòng 4 năm, từ 7,9 triệu lượt (năm 2015) lên 18 triệu lượt (năm 2019), tăng trưởng bình quân 22,7%/năm. Theo các báo cáo hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), đây là mức cao hàng đầu thế giới. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Thái Lan, Malaysia), tăng trưởng 16,2%, cao hơn hẳn mức trung bình toàn cầu (3,8%) và khu vực châu Á và Thái Bình Dương (4,6%). Trong khi đó, khách nội địa tăng 1,5 lần, từ 57 triệu lượt (năm 2015) lên 85 triệu lượt (năm 2019), tăng trưởng bình quân 10,5% năm. Tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước của ngành Du lịch lên đến 9,2%. Du lịch góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá; bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia.

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cầu hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng phát triển; hệ thống sản phẩm du lịch đã và đang được hình thành, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam ngày càng được cải thiện, xếp hạng 63/140 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2019, tăng 17 bậc so với năm 2011. Năm 2021, xếp thứ 52/117 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2019. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, Việt Nam là 1 trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng ngành Du lịch cao nhất.

Đại dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch thế giới cũng như Việt Nam. Năm 2020, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, công suất buồng bình quân cả nước chỉ đạt 20%; 52% lao động du lịch mất việc làm; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 57,8% so với năm 2019.

Từ tháng 11-2021, Việt Nam đã bước đầu thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Năm 2021, Việt Nam đón khoảng 3.800 lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ khoảng 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, công suất buồng bình quân ước chỉ đạt khoảng 5%, chỉ có 25% lao động du lịch được tham gia công việc toàn thời gian, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ 2020.

Đặc biệt, từ ngày 15-3-2022, Chính phủ đã quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch. Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực toàn ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa.

Năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn 150% so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt (vẫn giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019), đạt 70% so kế hoạch…

Thủ tướng Chính phủ: Phát triển du lịch là sẵn sàng "cung cấp điều khách hàng cần"
Đại diện các ban, bộ, ngành dự Hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, cùng với biểu dương các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tích cực, đạt được kết quả đáng ghi nhận trong phát triển du lịch, nhất là trong bối cảnh xuất phát điểm thấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và các ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của ngành Du lịch. Nhìn chung, du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa bền vững, tính cạnh tranh chưa cao.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, quan điểm phải phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội; phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn; chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp điều khách hàng cần"; từ du lịch "một mùa", sang du lịch quanh năm; phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh, song không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, nhất là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch; tăng cường đầu tư và huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch, trong đó khuyến khích khu vực tư đầu tư cho hạ tầng du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu; nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn"; tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa; khai thác có hiệu quả các thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng khai thác các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày; khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh như du lịch văn hóa, du lịch hội nghị, du lịch golf, du lịch ẩm thực, du lịch chữa bệnh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch miệt vườn, du lịch nông thôn; triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất, đúng hướng đối với các nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch…

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực, chủ động phối hợp với bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam ở nước sở tại; phối hợp, thực hiện tốt chính sách visa, xuất nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế; triển khai hiệu quả ngoại giao kinh tế, trong đó có du lịch. Bộ Công Thương phải lồng ghép quảng bá thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam trong các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ chủ trì ở trong và ngoài nước, gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… phát triển du lịch liên quan nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch; thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật; đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới.

Thủ tướng Chính phủ: Phát triển du lịch là sẵn sàng "cung cấp điều khách hàng cần"
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển 

Thủ tướng cũng yêu cầu các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tích cực nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; xây dựng văn hóa doanh nghiệp; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân; đề cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm chế độ cho người lao động và tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch…

Thủ tướng nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành "công nghiệp không khói", đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia; là xu hướng phát triển của tương lai; đồng thời cũng là cầu nối để nhân dân các nước cùng gặp gỡ, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị, hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Đối với các đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, có 26 nhóm vấn đề; Chính phủ sẽ tổng hợp xem xét đưa vào Nghị quyết của Chính phủ ban hành tới đây về phát triển du lịch để tháo gỡ, thúc đẩy phát triển.

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/thu-tuong-chinh-phu-phat-trien-du-lich-la-san-sang-cung-cap-dieu-khach-hang-can-a8549.html