Dù đưa ra phương án sửa đổi nào thì mục tiêu cuối cùng của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đều là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại, bất lợi khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Đây là lời khẳng định của đại diện tổ soạn thảo tại buổi họp báo thông tin dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 16/3 tại Hà Nội.
Chỉ rút tối đa 50% thời gian đóng
Số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy trong giai đoạn 2016-2021, cả nước có hơn 4 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, bình quân mỗi năm có gần 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.
Theo thống kê, những người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%), nhóm tuổi từ trên 20 đến đủ 30 tuổi đứng thứ hai (chiếm khoảng 37,1%); nhóm tuổi từ trên 40 tuổi đến đủ 50 tuổi đứng thứ 3 (chiếm khoảng 15,4%), nhóm tuổi từ trên 50 tuổi đến đủ 60 tuổi đứng thứ 4 (chiếm khoảng 5,8%), nhóm tuổi từ trên 60 tuổi đứng thứ 5 (chiếm khoảng 1,1%), thấp nhất là nhóm từ đủ 20 tuổi trở xuống (chiếm khoảng 0,3%).
Có thể thấy, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi, chiếm khoảng 77,5% trong tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Áp lực về tài chính (bắt đầu tự lập, tiếp tục đầu tư học tập nâng cao trình độ nghề, lập gia đình, nuôi con nhỏ...) và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc (công việc chưa ổn định, bản thân muốn tìm kiếm cơ hội tốt hơn...) đang khiến những lao động trẻ có xu hướng nhận bảo hiểm xã hội một lần khi gặp khó khăn.
Điều này cho thấy việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần sớm vẫn có thể tiếp tục gia tăng, bởi chính ở giai đoạn tuổi trẻ này thì hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt (ngắn hạn) hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già (dài hạn).
Trước thực trạng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng liên tục hàng năm, ảnh hưởng đến độ bao phủ bảo hiểm xã hội và gia tăng số lao động đến tuổi nghỉ hưu không có lương hưu, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi phương án hạn chế người lao động rút toàn bộ tiền tham gia bảo hiểm xã hội trong một lần.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến với 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần: Phương án 1 là giữ nguyên như quy định hiện hành và phương án 2 là người lao động sẽ được rút một phần nhưng tối đa không quá 50% thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.
Phương án 2 được sửa đổi theo hướng vẫn cho phép người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu.
4 sự lựa chọn khi còn thời gian tham gia bảo hiểm xã hội
Ông Lê Hùng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đến năm 2022 số liệu thống kê cho thấy có hơn 895.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần, con số này đã lên tới suýt soát 900.000 người/năm. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng phương án người lao động được rút 50% thời gian đóng và bảo lưu 50% còn lại để hưởng chế độ sẽ hài hoà lợi ích trước mắt và lâu dài cho người lao động.
“Người lao động cần hiểu rằng cùng với việc điều chỉnh tỷ lệ hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội cũng đưa ra nhiều sự lựa chọn, quyền lợi cho người lao động khi tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội như tham gia tiếp để nhận lương hưu hoặc nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng sớm hơn thay vì chờ đến 80 tuổi,” ông Lê Hùng Sơn nói.
Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), với những quy định mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, người lao động có bốn lựa chọn cho lao động bảo lưu 50% thời gian đóng: Nếu tiếp tục đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn đến khi đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu; trường hợp lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội có thể chọn đóng một lần cho thời gian thiếu để nhận lương hưu; chọn nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng; tiếp tục rút bảo hiểm xã hội một lần khi đến tuổi về hưu.
Cũng đồng tình với phương án để người lao động rút một phần thời gian tham gia bảo hiểm xã hội nhưng ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách-Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) lại cho rằng quy định sau 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội mới có thể rút bảo hiểm xã hội một lần cần được cân nhắc lại.
Theo ông Lê Đình Quảng, cơ quan soạn thảo có thể cân đối khoảng thời gian quy định để rút bảo hiểm xã hội một lần là khoảng 3 tháng sau khi người lao động mất việc thì có thể hưởng bảo hiểm thất nghiệp, sau đó vẫn không có việc làm, nguồn tiền nào khác thì có thể rút bảo hiểm xã hội một lần để kịp thời giải quyết khó khăn.
“Đây cũng là khoảng thời gian đủ để người lao động cân nhắc quyền lợi thiệt hơn về lâu dài, còn nếu tiếp tục có việc làm thì ko ai rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ chỉ rút nếu thật sự gặp khó khăn,” ông Lê Đình Quảng cho hay./.
Hồng Kiều
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/rut-bhxh-mot-lan-giam-ty-le-huong-nhung-them-nhieu-lua-chon-luong-huu-a8592.html