Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ lỗi dễ khiến thí sinh trượt oan

Từ kinh nghiệm xử lý các sai sót trong mùa tuyển sinh đại học năm 2022, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy đã chia sẻ những lỗi dễ khiến thí sinh bị "trượt oan".

336172578-1895562274138607-7842061363116885729-n-1679297266.jpg

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy. (Ảnh: NVCC)

Thông tin sai về đối tượng ưu tiên, không đăng ký lên hệ thống sau khi trúng tuyển sớm, đăng ký quá ít nguyện vọng là những lỗi đã có nhiều thí sinh gặp phải trong mùa tuyển sinh đại học năm 2022 khiến có em bị “trượt oan”. Đây là chia sẻ của Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo tại buổi tư vấn trực tiếp cho thí sinh ngày 19/3.

Theo đó, bà Thủy cho hay trong mùa tuyển sinh đại học năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục các sai sót trên cũng như những vấn đề bất cập khác trong mùa tuyển sinh 2022.

Nhầm đối tượng ưu tiên

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho biết trong mùa tuyển sinh năm 2022, đã có trường hợp thí sinh thông tin nhầm về đối tượng ưu tiên vào hệ thống tuyển sinh, tưởng mình đang được điểm ưu tiên cao. Do chưa kịp rà soát nên khi xét tuyển đại học, thí sinh nhận kết quả đỗ, nhưng khi rà soát lại thì thành trượt, khiến các em lỡ cơ hội.

Vì thế, để hạn chế tình trạng này, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thí sinh đăng ký thông tin và các minh chứng về đối tượng ưu tiên ngay từ khi đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông để cán bộ phụ trách tiếp nhận có thời gian rà soát thông tin, giảm thiểu sai sót.

Chia sẻ thêm về vấn đề kỹ thuật, bà Thủy cho hay năm nay, bộ sẽ điều chỉnh phần mềm theo hướng tăng cường các chỉ dẫn để thí sinh khi truy cập sẽ có các hướng dẫn cụ thể, tránh các lỗi sai đã gặp phải trong năm 2022. Hệ thống cũng cập nhật chức năng để các đơn vị tổ chức thi riêng có thể nhập dữ liệu kết quả thi lên hệ thống. Theo đó, các trường khác có thể sử dụng kết quả thi này để xét tuyển trực tiếp trên hệ thống như với điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Không đăng ký nguyện vọng lên hệ thống

Một lỗi khác thí sinh mắc phải trong mùa tuyển sinh đại học năm 2022 là việc không đăng ký các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện đã có nhiều trường đại học công bố xét tuyển sớm cho mùa tuyển sinh năm 2023. Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy, việc trúng tuyển sớm ở các trường không đảm bảo các em sẽ đỗ vào các trường. Các trường chỉ công bố trúng tuyển tạm thời, trúng tuyển có điều kiện và tiêu chí xét tuyển chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là thí sinh phải tốt nghiệp trung học phổ thông và phải đăng ký nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5612550c2ee6f3b8aaf7-1679297317.jpg

Thí sinh tư vấn tuyển sinh đại học năm 2023. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

“Nhiều em đỗ xét tuyển sớm nhưng không đăng ký lên hệ thống là không đúng và không được. Chúng tôi phải nhắc lại vì chúng tôi phải giải quyết nhiều trường hợp từ năm ngoái. Các em có thời gian trong tháng Bảy để đăng ký nguyện vọng. Số lượng nguyện vọng là không giới hạn và phải được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, trong đó nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất,” bà Thủy chia sẻ.

Nói thêm về vấn đề đăng ký và sắp xếp thứ tự nguyện vọng, bà Thủy phân tích: “Trong nhiều kỳ xét tuyển sớm của các trường, thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường, nhưng các em sẽ chỉ học một trường duy nhất. Chúng ta phải dành các cơ hội còn lại cho những thí sinh khác. Vì thế, các em thích ngành nào nhất thì đặt ngành đó lên nguyện vọng 1 là chắc chắn sẽ đỗ. Nếu ngành trúng tuyển sớm không phải là ngành yêu thích nhất, thí sinh có thể đặt xuống vị trí dưới ngành yêu thích nhất.”

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường phải công bố phương án xử lý rủi ro và chủ động để giải quyết rủi ro cho thí sinh. Theo đó, các trường chủ trì, phối hợp với các trường liên quan khác để xét tuyển cho các em nếu các em lỡ có gặp rủi ro ở nguyện vọng đã được công bố trúng tuyển.

Phía các trường khối ngành công an, quân đội của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cũng phải có phương án xử lý để nếu các em có vấn đề về sức khỏe, về lý lịch chính trị thì giảm rủi ro đã nhập học vào trường rồi lại được thông báo là không trúng tuyển. Điều này nhằm giúp thi sinh có thuận lợi hơn nữa.

Đăng ký quá ít nguyện vọng

Về đăng ký nguyện vọng, bà Thủy khuyên thí sinh nên có khoảng 10 nguyện vọng. Trong đó, những nguyện vọng đầu là những nguyện vọng yêu thích nhất, có mức độ cạnh tranh cao nhất, thậm chí có thể hơi “mơ mộng” so với sức học của thí sinh, và giảm giần về độ yêu thích cũng như mức điểm chuẩn trúng tuyển với các nguyện vọng tiếp theo.

“Trong mùa tuyển sinh năm 2022 đã có những thí sinh điểm khá cao nhưng chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất, và rủi ro là nguyện vọng đó điểm chuẩn cũng rất cao nên các em đã trượt và không còn cơ hội nào. Đó là điều rất đáng tiếc. Các em không nên đăng ký quá ít nguyện vọng và cũng không nên đăng ký tất cả các nguyện vọng đều là những trường tốp đầu,” bà Thủy chia sẻ.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng cho hay trong năm 2023 sẽ có khoảng 10 kỳ thi tuyển sinh riêng của các trường. Tuy nhiên, mỗi kỳ thi có một mục đích, định hướng khác nhau. Vì thế, theo bà Thủy, thí sinh chỉ nên đăng ký một kỳ thi riêng để giảm sự phân tán thời gian học tập và nên tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vì hầu hết các trường đại học đều dành mức chỉ tiêu khá cao cho phương thức xét tuyển này./.

Phạm Mai

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/vu-truong-vu-giao-duc-dai-hoc-chia-se-loi-de-khien-thi-sinh-truot-oan-a8656.html