Ở vùng trồng vải thiều Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, năm nay, tỷ lệ vải ra hoa cao hơn hẳn mùa vải trước. Điều này dự báo một vụ vải thiều bội thu, với điều kiện thời tiết trong thời gian tới tiếp tục thuận lợi.
Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Hà, thời tiết đầu vụ vải khá thuận lợi cho cây vải phân hóa mầm hoa và ra hoa nên tỷ lệ vải ra hoa đạt trên 90%. Hiện tại, các trà vải đang nở hoa cái đến đậu quả.
Một số diện tích vải u trứng trắng đang ra quả non. Qua theo dõi và đánh giá, khả năng sẽ có vụ vải được mùa, tuy nhiên thời vụ sẽ chậm hơn năm trước từ 15-20 ngày.
Thanh Hà hiện có khoảng 3.300ha vải, tập trung ở các địa phương trong vùng quy hoạch sản xuất vải tập trung, trong số đó, khoảng 1.700ha vải thiều sớm và khoảng 1.600ha vải thiều chính vụ.
Gần 500ha vải Thanh Hà được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Năm 2023, dự kiến tiếp tục có thêm 200ha được công nhận VietGAP.
Để việc tiêu thụ vải năm nay thuận lợi, huyện Thanh Hà đang chỉ đạo các tổ sản xuất, Ủy ban Nhân dân các xã phối hợp với đơn vị tư vấn, giám sát và chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để đánh giá, chứng nhận đạt chuẩn tạo điều kiện thuận lợi cho quảng bá và tiêu thụ vải.
Đồng thời, địa phương tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương hướng dẫn các cá nhân, tổ chức lập hồ sơ, hoàn thiện đề nghị cấp mã số cơ sở đóng gói hoặc duy trì mã số từ trước.
Theo bà Nguyễn Thị Huệ, năm 2023, Thanh Hà sẽ duy trì 11 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp và đăng ký cấp mới mã số cơ sở đóng gói để đủ điều kiện xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc.
Thời gian qua, Thanh Hà đã khai thác tiềm năng, lợi thế và quy hoạch, phát triển thành các vùng vải tập trung. Vải thiều sớm gồm các giống như u trứng, u hồng, u thâm, tàu lai được trồng tập trung tại các xã như Thanh Quang, Thanh Hồng, Thanh Cường, Vĩnh Lập, Thanh Sơn. Vải thiều chính vụ trồng tập trung ở xã Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Khê, Thanh Xá, thị trấn Thanh Hà.
Thương hiệu vải thiều Thanh Hà ngày càng được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Năm 2007, sản phẩm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý "Vải thiều Thanh Hà."
Đến nay, vải thiều đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao.
Ngoài thị trường trong nước, vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, huyện Thanh Hà có 191 mã số vùng trồng vải xuất khẩu Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Thái Lan và Trung Quốc.
Vụ vải năm 2022, sản lượng vải thiều Thanh Hà đạt 42.060 tấn và mang lại giá trị 1.360 tỷ đồng. Với mong muốn nâng cao giá trị vụ vải năm 2023, huyện đã và đang chỉ đạo các địa phương trong vùng sản xuất vải tập trung tuân thủ chặt chẽ quy trình trồng, chăm sóc để quả vải đạt chất lượng, mẫu mã cao nhất, đáp ứng tiêu chí ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Cụ thể, phòng nông nghiệp và trung tâm dịch vụ nông nghiệp tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là quy trình phòng trừ sâu bệnh hại.
Cán bộ chuyên môn phụ trách các vùng sản xuất sẽ tăng cường phối hợp với các xã có vùng sản xuất tập trung thường xuyên kiểm tra vùng trồng, giám sát nông dân trong ghi chép nhật ký chăm sóc vườn vải và cam kết chỉ thu hoạch khi vải đủ độ chín; Hướng dẫn và khuyến cáo nông dân chọn loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp để phòng trừ sâu bệnh cho cây vải theo khuyến cáo./.
Mạnh Minh
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/hai-duong-du-bao-mot-mua-boi-thu-vai-thieu-o-huyen-thanh-ha-a8697.html