Khu trưng bày những những hiện vật hàng giả, hàng nhái mà lực lượng quản lý thị trường đã xử lý thời gian qua. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường, nhất là trên thương mại điện tử khiến quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại và ngay cả các doanh nghiệp, hợp tác xã làm ăn chân chính cũng bị thiệt thòi.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng thêm chế tài mạnh hơn để đẩy lùi vấn nạn này trong thời gian sớm nhất.
Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), mỗi năm có khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến. Cụ thể, như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ.
Chính từ những loại hàng hóa kém chất lượng này đang khiến người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào các nền tảng bán hàng trực tuyến như Facebook, Zalo, TikTok... và cả các sàn thương mại điện tử uy tín.
Mặc dù lực lượng tham gia đấu tranh, ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ khá đông đảo và tích cực, song vẫn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong phát hiện và xử lý.
Lý giải nguyên nhân này, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết do trang thiết bị phục vụ thực thi công vụ chưa đáp ứng được những thay đổi của công nghệ sản xuất, mô hình kinh doanh mới.
Hơn nữa, việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử như công an, quản lý thị trường, hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng vẫn hạn chế.
Quản lý thị trường kiểm tra cơ sở kinh doanh cùng 2 kho hàng của một công ty nằm tại hẻm 43 Thành Thái, Quận 10, TP.HCM. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)
Chia sẻ từ đại diện Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu (Sơn La), có thời điểm hợp tác xã đã chốt đơn nhưng khi chưa kịp gửi hàng thì khách đã nhắn tin nhận được sản phẩm.
Cùng đó, sản phẩm chế biến như mận-đào sấy dẻo của hợp tác xã cũng đã bị làm giả nhãn mác với nguyên liệu chủ yếu là mận, đào nhập từ Trung Quốc và đăng bán tràn lan trên các trang mạng, sàn thương mại điện tử.
Theo các chuyên gia, hiện mỗi sàn giao dịch thương mại điện tử có trên 5.000 thương hiệu và hàng nghìn đối tác kinh doanh đa dạng các mặt hàng.
Đáng lưu ý, các sàn giao dịch thương mại điện tử chủ yếu cho thuê "gian hàng” online. Vì vậy, sản phẩm không về kho chứa của bất kỳ sàn giao dịch nào nên không phát hiện được hàng hoá vi phạm.
Không những thế, việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, đăng tải chào bán, chào mua chưa thật sự chặt chẽ, chưa thường xuyên, liên tục của các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng được cho là một trong những “kẽ hở” để các đối tượng lợi dụng đưa hàng hóa vi phạm lên bày bán công khai trên các sàn này.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, như biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết.
Hiện nay, trên thị trường có 4 sàn thương mại điện tử lớn là Tiki, Lazada, Shopee, Sendo lại có tới ba sàn là Sendo,Shopee, Lazada đang hoạt động theo hình thức khách hàng tự giao dịch với nhau (C2C).
Điều này đồng nghĩa với việc các sàn này vẫn rộng cửa cho cá nhân mở shop online mà không cần đăng ký kinh doanh, không cần các loại giấy tờ quan trọng như đăng ký thương hiệu, giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ...
Ngoài ra, chỉ khi các cá nhân này đăng và bán sản phẩm rồi, sàn mới sử dụng công cụ để kiểm tra. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan.
Nhận định từ các chuyên gia, đặc điểm của sàn thương mại điện tử bán theo hình thức C2C là có phần mở hơn.
Người nào muốn bán hàng chỉ cần yêu cầu duy nhất là chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân.
Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể làm giả, đó là chưa tính đến việc các chủ gian hàng này cố tình đăng các hình ảnh không đúng sự thật về sản phẩm, ngay cả các sàn sử dụng công cụ lọc cũng chỉ đạt khoảng 80%.
Do đó, hợp tác xã cần chủ động cung cấp thông tin về nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất một cách rõ ràng, minh bạch đến khách hàng để đánh bật nạn hàng giả, hàng nhái.
Mặc dù sản phẩm đã được gắn đầy đủ tem truy xuất nguồn gốc và nhãn hiệu của hợp tác xã, nhưng theo đa số ý kiến từ các hợp tác xã cần thêm giải pháp ship hàng tận tay, hạn chế khâu trung gian và thực hiện chỉ báo mã seri tem ngay trước khi giao hàng cho khách.
Đặc biệt, việc minh bạch quy trình sản xuất, thông tin sản phẩm và liên kết để giảm các khâu trung gian khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng là điều cần thiết để các hợp tác xã chống chọi với nạn hàng giả, hàng nhái.
Thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025” với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (lực lượng biên phòng), Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính (Hải quan, Thuế)... nhằm hướng đến các giải pháp tổng thể, toàn diện.
Để nâng cao hiệu quả ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ xây dựng kịp thời các kế hoạch, phương án cụ thể, triển khai đồng bộ, thường xuyên hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, xuất xứ hàng hóa.
Cùng đó, thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, nhất là kế hoạch thanh tra 120 thương nhân phân phối trong lĩnh vực xăng dầu đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Mặt khác, lực lượng sẽ tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; chủ trì và phối hợp với lực lượng Công an và các cơ quan liên quan triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả.
Đặc biệt, tiếp tục rà soát, đánh giá những yêu cầu thực tế để đối chiếu với năng lực, điều kiện cụ thể, đặc biệt là phân tích, làm rõ những khiếm khuyết, tồn tại, bất cập trong hoạt động của lực lượng tại mỗi địa phương.
Việc này nhằm chủ động trong việc khắc phục và phối hợp để thực hiện các chính sách pháp luật, cũng như chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của các bộ ngành và Bộ Công Thương./.
Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/van-nan-hang-gia-hang-nhai-can-thiet-co-nhung-che-tai-manh-hon-a8770.html