Bảo đảm an toàn, bình đẳng trên không gian mạng

Thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận và tham gia một cách bình đẳng trong lĩnh vực STEM sẽ tạo thêm cơ hội để phụ nữ và trẻ em gái đóng góp và thụ hưởng bình đẳng từ những tiến bộ của khoa học, công nghệ, đồng thời tự bảo vệ mình trước các thách thức phi truyền thống, nhất là an ninh mạng.

Các đại biểu thực hiện nghi thức cam kết hành động vì an ninh mạng và bình đẳng giới trong STEM.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cam kết hành động vì an ninh mạng và bình đẳng giới trong STEM.

Sáng 29/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) tổ chức Diễn đàn “Phụ nữ, An ninh mạng và STEM”.

Diễn đàn có sự tham dự của các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương…

Sự kiện nhằm hưởng ứng chủ đề do Liên hợp quốc phát động cho Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2023 “Kỹ thuật số cho tất cả mọi người: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới”; đồng thời nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kêu gọi nỗ lực chung thúc đẩy bình đẳng giới, khuyến khích phụ nữ làm chủ Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) và không gian mạng.

Bảo đảm an toàn, bình đẳng trên không gian mạng ảnh 1
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quyết định để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Đồng thời, bình đẳng giới trong khoa học, công nghệ cũng sẽ giúp phát huy tốt nhất thế mạnh của cả hai giới và tiềm năng to lớn của nguồn nhân lực của quốc gia đó.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những khoảng trống về giới trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học. Số lượng phụ nữ tham gia các lĩnh vực STEM, nhất là ở vị trí lãnh đạo, còn hạn chế.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2022, phụ nữ chỉ chiếm 22% lực lượng lao động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và 28% sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật. Đồng thời, sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, nhất là quá trình số hóa đang mang đến cả cơ hội và thách thức cho phụ nữ và trẻ em gái. Số liệu nghiên cứu cho thấy, có 38% phụ nữ hoạt động trực tuyến ở các nước đã từng bị bạo lực trên mạng.

“Để góp phần thay đổi thực trạng này, chúng ta rất cần có sự nỗ lực chung của các bên liên quan, để cùng hướng đến những thay đổi trong chính sách vĩ mô cũng như các can thiệp cụ thể nhằm tăng cường sự tham gia đóng góp và thụ hưởng bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái từ những tiến bộ của khoa học, công nghệ, đồng thời giúp họ có được kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước các thách thức phi truyền thống, nhất là an ninh mạng”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu thảo luận và chia sẻ về những sáng kiến, kinh nghiệm đa dạng trong việc thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái tham gia STEM cũng như xây dựng môi trường mạng an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Trong đó, nhấn mạnh những khuyến cáo khi sử dụng mạng như: luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm trong bảo mật thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân; thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức về an ninh mạng, hiểu rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của tin tặc, tội phạm mạng, nhất là các loại tội phạm có xu hướng nhằm vào nữ giới, từ đó áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Không đánh đổi thông tin cá nhân để lấy các tiện ích của dịch vụ mạng nếu điều khoản của nhà mạng mập mờ, không rõ ràng...

MINH THÚY

 

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/bao-dam-an-toan-binh-dang-tren-khong-gian-mang-a8906.html