Các hiệp hội cho biết, trong 2 năm 2020 - 2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp thực sự rất khó khăn và kiệt quệ. Hơn nữa, tình trạng người lao động là F0 vẫn tiếp tục xảy ra và doanh nghiệp vẫn đang phải gồng mình đối phó, kéo theo tình trạng hậu Covid, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 chỉ tăng 1,84% so với năm 2020 và không làm ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống của người lao động và Nhà nước cũng đang nỗ lực kiểm soát lạm phát.
Nếu Chính phủ quyết định tăng lương từ 1.7 tới, các doanh nghiệp không thể xoay xở kịp để thay đổi chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất do thời điểm đã đến quá gần, do tất cả các phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng đều được xây dựng từ cuối năm trước. Ngoài ra, các doanh nghiệp đều đã thực hiện tăng lương đầu năm 2021, 2022. Hợp đồng với các đối tác bao gồm giá hàng hóa... đều đã được chốt và ký với các đối tác từ đầu năm nên không thể tăng giá bán hàng hóa.
Các hiệp hội cũng lo ngại, tăng lương thời điểm giữa năm như tháng 7 này sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình huống vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp sẽ phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không bảo đảm, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người lao động và sự tồn vong của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phải cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản vì không thể lo nổi chi phí nhân công. Điều này sẽ dẫn đến khả năng hàng chục nghìn người lao động không có việc làm.
“Có thể thấy doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và cũng cần có được sự hỗ trợ từ Chính phủ giống như Chính phủ hỗ trợ người lao động”, 8 hiệp hội ngành hàng nhấn mạnh và đề nghị Thủ tướng xem xét, cân nhắc giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ 1.1.2023 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.
“Người lao động đang rất khó khăn!”
Trước đó, ngày 12.4, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2 trong năm 2022 để thảo luận về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng cho lao động trong các doanh nghiệp. Tại đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định chọn phương án tăng 6% từ 1.7.2022, tùy thuộc từng vùng để trình Chính phủ quyết định.
Cụ thể: Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng; Vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,16 triệu đồng; Vùng 3 tăng 240.000 đồng từ 3,42 triệu đồng lên 3,63 triệu đồng; Vùng 4 tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng lên 3,25 triệu đồng.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm nay, Chính phủ chưa điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Hai năm không được tăng lương, lại gặp đại dịch, đời sống, thu nhập của một bộ phận người lao động đang rất khó khăn. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ trong quý I. “Lúc này cần tăng lương giúp lao động ổn định cuộc sống và yên tâm gắn bó với doanh nghiệp”, ông Hiểu nói.
Theo ông Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, mức tăng lương tối thiểu vùng 6% chưa cao nhưng dung hòa được mong muốn của người lao động và người sử dụng lao động cũng như phần nào đáp ứng nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động.
Ủng hộ phương án Hội đồng Tiền lương quốc gia lựa chọn, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, mức tăng 6% phù hợp với diễn biến của CPI trong 2 năm qua và mốc tăng lương từ 1.7 chưa có tiền lệ nhưng chấp nhận được vì có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Trước đó, Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa nhiều phương án tăng lương tối thiểu vùng, dao động từ 3 - 6% và tăng từ 1.1.2023.