Một góc thành phố Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội quý 1/2023 diễn ra trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới được cải thiện trong ngắn hạn nhờ khả năng phục hồi tốt hơn dự kiến của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục dự báo kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, tăng trưởng năm 2023 còn ở mức thấp. Hoạt động thương mại đang chậm lại, chuỗi cung ứng tiếp tục bị suy yếu, nhu cầu tiêu dùng giảm, ảnh hưởng đến sản xuất và xuất nhập khẩu của nhiều quốc gia.
Trong nước, mặc dù chịu tác động của bối cảnh kinh tế thế giới, nhưng với kết quả quan trọng đạt được trong năm 2022 cùng với việc Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm giá xăng dầu, ổn định giá điện, nước, duy trì mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý.
Cùng với đó, đảm bảo cung ứng hàng hóa ra thị trường, đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế nên tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, an ninh xã hội được đảm bảo.
Đối với Thủ đô Hà Nội, ngay từ đầu năm, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh phục hồi các lĩnh vực du lịch, văn hóa, an sinh xã hội trên địa bàn nên nhiều lĩnh vực phát triển cũng như giữ vững nhịp độ.
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2023 ước tính tăng 5,80% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%; khu vực dịch vụ tăng 7,40%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,05%.
Tăng trưởng quý 1 năm nay tuy thấp hơn mức tăng 5,91% của cùng kỳ năm trước, nhưng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức thấp, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, kết quả trên là rất quan trọng và đáng ghi nhận.
Trong quý 1/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 2,11%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP. Những tháng đầu năm thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, lúa và cây màu vụ Xuân sinh trưởng, phát triển tốt.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, không xuất hiện dịch bệnh lớn, công tác tái đàn được quan tâm, trong đó đàn lợn tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm tăng 1,9%; sản lượng thủy sản tăng 3,1%.
Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, ước tính trong quý tăng 7,40%; trong đó, điểm sáng một số ngành với tăng trưởng cao và đóng góp nhiều vào mức tăng chung GRDP như hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm du lịch, lữ hành) tăng 35,13%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 20,86%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,69%; bán buôn, bán lẻ tăng 8,22%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,47%; vận tải, kho bãi tăng 6,93%.
Về tình hình sản xuất nông nghiệp nhìn chung đảm bảo tiến độ khung thời vụ, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được các địa phương quan tâm thực hiện. Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, số lượng đàn gia súc, gia cầm tăng, không xảy ra dịch bệnh. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 2% so cùng kỳ năm trước do một số địa phương tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng lúa không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.
Trong tháng 3, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,1% và tăng 2,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,7% và tăng 5,3%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 7% và tăng 10,4%.
Trong quý 1 năm nay, một số ngành chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn có chỉ số IIP đạt mức tăng khá so với cùng kỳ như: sản xuất đồ uống tăng 28,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 26%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 13,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 12,8%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 5,1%.
Lĩnh vực đầu tư và xây dựng từ đầu năm đến nay có thể nó là mảng được thành phố tập trung chỉ đạo, đôn đốc rất cao độ đến các ngành, quận huyện và chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn quý 1 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1 58,7 triệu USD.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố quý 1/2023 ước tính đạt 81.800 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, vốn nhà nước 27.400 tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng vốn đầu tư và tăng 2,9%; vốn ngoài Nhà nước 48.000 tỷ đồng, chiếm 58,6% và tăng 11,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,9% và tăng 15,4%.
Nhờ sự phục hồi kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào địa bàn, trong quý 1/2023, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 7.496 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 73.100 tỷ đồng, tăng 15% về số lượng doanh nghiệp nhưng giảm 27% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 921 doanh nghiệp giải thể, giảm 5%; hơn 10 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 22%; 3.457 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 21,5%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.
Một dây chuyền may xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, qua kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 1/2023 cho thấy, có 21,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý 4/2022; có 38,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 40% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Những tháng tiếp theo, các doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ khả quan hơn với 33,4% số doanh nghiệp nhận định xu hướng quý 2/2023 sẽ tốt hơn so với quý 1; 45,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 21,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Chia theo loại hình kinh tế, có 71,4% doanh nghiệp khu vực Nhà nước dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 2 sẽ ổn định và tốt hơn so với quý 1; tỉ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là 81,4% và 69,5%.
Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố năm 2023, nhiệm vụ 9 tháng cuối năm, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi đơn vị cần tiếp tục khẩn trương, tập trung thực hiện nghiêm túc các văn bản, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023; tập trung củng cố, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, phát triển các lĩnh vực văn hóa, du lịch, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, những tháng tiếp theo là rất quan trọng, đòi hỏi phải tập trung cao độ để thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2023.
Vì vậy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nôi đề ra 6 giải pháp lớn; trong đó, tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.
Đồng thời, tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn và thực hiện đồng bộ hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua các khoản cho vay với lãi suất ưu đãi, các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực...; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi số, khuyến công, khuyến nông, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Thành phố khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt; đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng, thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam;" tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung với nhiều lĩnh vực, kết hợp giới thiệu quảng bá nhằm đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô.
Thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo định hướng chương trình phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; củng cố, nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất kinh doanh trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Giải pháp nữa là thành phố thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp. Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, tích cực nâng cao chất lượng cây, con giống; bảo đảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất. Bám sát khung thời vụ, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các ngành, quận huyện và chủ đầu tư thực hiện đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương, có hiệu quả hơn nữa các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống và nhà ở xã hội.
Thành phố lưu ý các cấp, ngành cần kiểm soát tốt dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm cung ứng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cho cơ sở khám, chữa bệnh. Thực hiện công tác an sinh, phúc lợi xã hội; hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách thường xuyên và đột xuất./.
Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN/Vietnam+)
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/de-nen-kinh-te-thu-do-ha-noi-tiep-da-tang-truong-trong-nam-2023-a8952.html