Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại di tích

Thanh Hóa có 1.535 di tích, trong đó có hơn 800 di tích đã được xếp hạng. Gần đây, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, nhất là quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện chưa nghiêm theo quy định pháp luật về di sản văn hóa.

anh-1-mot-so-ky-tu-bien-mat-1367-1680577086.jpg

Hành vi khoan, vít đinh làm mất ký tự trên bia ký ở Chùa Quan Thánh, thành phố Thanh Hóa.

Tại danh lam thắng cảnh Động Hồ Công, di tích Chùa Quan Thánh, Đền Nưa, Nghè Đông Kinh,... đã xảy ra việc tự ý tu bổ, tôn tạo di tích, bổ sung tượng thờ, đồ thờ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát tại các di tích nhằm phòng ngừa, sớm phát hiện và ngăn chặn được việc các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm đối với di tích; bảo đảm hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo đúng quy định của pháp luật. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các sai phạm thuộc trách nhiệm quản lý của Sở; kịp thời báo cáo, tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, xử lý, giải quyết những công việc thuộc thẩm quyền, theo quy định.

anh-2-khac-phuc-7382-1680577112.jpg

Lực lượng chức năng khắc phục hành vi tự ý tôn tạo, đưa tượng, đồ thờ vào Động Hồ Công ở huyện Vĩnh Lộc.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, quản lý nhà nước về di sản văn hóa, nhất là hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về di sản văn hóa; có biện pháp phòng ngừa, bảo đảm không để xảy ra việc tổ chức, cá nhân tự ý thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nơi có di tích thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; tăng cường tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn, nhất là đối với tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý di tích trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, có biện pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, không để tổ chức, cá nhân tự ý tu bổ, phục hồi di tích, bổ sung tượng thờ, đồ thờ, đưa các hiện vật vào di tích, sơn thếp các thành phần kiến trúc, tượng thờ, đồ thờ hiện có của di tích hoặc xây dựng mới công trình trong khu di tích khi chưa được cơ quan chuyên môn, cấp có thẩm quyền cho phép.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm trong quản lý, bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.

MAI LUẬN

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/chu-dong-phong-ngua-ngan-chan-hanh-vi-xam-hai-di-tich-a9037.html