Trong khuôn khổ tuần lễ Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin 2023, ngày 31/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức đã phối hợp với Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU) tổ chức Hội thảo về “Tăng cường hợp tác trong khuôn khổ chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cho Việt Nam vào năm 2050."
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức Vũ Quang Minh khẳng định đây cuộc thảo luận chuyên sâu chính thức và công khai lần đầu tiên về việc thực hiện JETP, một khuôn khổ quan trọng mà Việt Nam được chọn để tham gia cùng các nền kinh tế phát triển.
Đại sứ Vũ Quang Minh nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đã đưa ra những cam kết táo bạo và tham vọng, đó là trở thành nền kinh tế trung hòa carbon vào năm 2050, chỉ 5 năm sau thời hạn Đức đặt ra vào năm 2045.
Đây là mục tiêu vô cùng thách thức không chỉ về công nghệ, kinh tế, tài chính mà còn cả các khía cạnh xã hội gắn với quá trình chuyển đổi lớn, trong đó có cả quyền và lợi ích của tất cả các dân tộc và các bên liên quan.
Việt Nam rất cần sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác quốc tế để đạt được mục tiêu này.
Chính vì vậy, Hội thảo diễn ra bên lề Tuần lễ Năng lượng Berlin 2023 là cơ hội tuyệt vời để các bên giải quyết các vấn đề cũng như mọi khía cạnh chính của việc thực hiện JETP với tầm nhìn và kế hoạch hành động để tiếp tục hành trình hướng tới một Việt Nam xanh và một thế giới xanh, nhất là trong môi trường quốc tế phức tạp và nhiều thách thức như hiện nay.
Để tận dụng cơ hội này, Bộ Công Thương Việt Nam đang hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, theo đó định hướng giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, tập trung gia tăng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện Mặt Trời và sinh khối…. giảm phát thải khí nhà kính.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An, trong phát biểu trực tuyến khai mạc hội thảo, cũng khẳng định sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện các cam kết của Việt Nam, đồng thời phân công các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động trong từng lĩnh vực. Trong đó, quá trình chuyển dịch năng lượng đang được chỉ đạo đẩy nhanh trên tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, các định chế tài chính song phương và đa phương.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, ngoài việc phát huy nội lực, các đối tác sẽ là một bên đồng hành hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cũng như đẩy nhanh việc đạt đỉnh điểm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Về phần mình, Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Đức Jochen Flasbarth, bày tỏ ấn tượng đặc biệt về chuyến thăm Việt Nam tháng Chín năm ngoái, khi chứng kiến Việt Nam triển khai năng lượng tái tạo.
Theo ông Jochen Fasbarth, với công suất rất lớn từ năng lượng gió và Mặt Trời, Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đông Nam Á.
Chính phủ Việt Nam đã chứng minh được các mục tiêu đầy tham vọng liên quan đến giảm thiểu biến đổi khí hậu cũng như sẵn sàng giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện, chuẩn bị cho một hệ thống năng lượng sạch trong tương lai.
Tuy nhiên, theo ông Fasbarth, quá trình chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công nếu nó được thực hiện một cách công bằng và mang lại cơ hội cho các ngành công nghiệp trong nước cũng như cơ hội việc làm bền vững cho người dân địa phương.
Bên cạnh đó, các mục tiêu của JETP phải nhanh chóng được chuyển thành các biện pháp chính sách và chiến lược cụ thể.
Ông khẳng định Đức sẵn sàng trở thành một đối tác đáng tin cậy và có năng lực cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Các giải pháp sẵn có của Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Đức nói riêng có thể được chuyển giao cho Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại.
Với tư cách là Phó Chủ tịch Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU), ông Cao Thế Anh, đại diện cho những chuyên gia, trí thức, nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam đang sinh sống, nghiên cứu, học tập và làm việc tại châu Âu cũng cam kết sẽ đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới thông qua đổi mới sáng tạo, khoa học-công nghệ và chuyển giao công nghệ.
Con đường hướng tới mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 còn gian nan, nhưng với việc Đức có thể đạt được mục tiêu này vào năm 2045, những kinh nghiệm của Đức là rất hữu ích để các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đưa ra lộ trình phù hợp và hiệu quả cho các mục tiêu vào năm 2050.
Những kinh nghiệm được chia sẻ từ hội thảo cho thấy sự cần thiết thành lập một nhóm công tác chung của chính phủ, trong đó bao gồm các đầu mối từ các Bộ liên quan của Việt Nam và Đức để nhanh chóng thực hiện các sáng kiến liên quan đến JETP./.
Mạnh Hùng-Phương Hoa-Thanh Tùng
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/duc-san-sang-la-doi-tac-tin-cay-ho-tro-viet-nam-chuyen-doi-nang-luong-a9080.html