Đẩy mạnh khai thác, gia tăng trữ lượng dầu khí

Bên cạnh những tác động khó lường của thị trường dầu mỏ thế giới, việc suy giảm tự nhiên của các mỏ dầu khí đang là những thách thức mà ngành dầu khí Việt Nam phải đối diện. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, doanh nghiệp cần linh hoạt triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, bảo đảm hiệu quả tối ưu.

untitled-1-3599-1680836256.jpg

Khai thác dầu khí tại mỏ Sông Đốc.

Bên cạnh đó, chi phí nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao, các mỏ khai thác đang bước vào giai đoạn cuối đời mỏ và không có các giếng khai thác mới bổ sung,... cũng gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để vượt qua khó khăn, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) và các đơn vị thành viên đã không ngừng nghiên cứu, triển khai các giải pháp ứng phó, từng bước vượt khó và hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Chủ động các kịch bản ứng phó

Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam cho biết, trong bối cảnh đầy biến động, thách thức do giá dầu quay đầu giảm, ngay từ đầu năm 2023, PVEP đã tập trung duy trì quản trị biến động, quản trị chi phí, đồng thời đưa ra các kịch bản, giải pháp ứng phó kịp thời với biến động thị trường. Trong đó, PVEP tập trung đầu tư theo mục tiêu, chiến lược dài hạn để tạo đà phát triển cùng với việc nghiên cứu xu thế biến động thị trường nhằm triển khai hoạt động khai thác phù hợp, nhất là tận dụng cơ hội gia tăng dòng tiền tại các thời điểm giá dầu cao.

Trong quý I, sản lượng khai thác quy dầu của đơn vị đạt 0,89 triệu tấn, vượt 7% kế hoạch. Trong đó, sản lượng dầu và condensate đạt 0,59 triệu tấn, vượt 2% kế hoạch; sản lượng khí xuất đạt 294 triệu mét khối, đạt 120% kế hoạch. PVEP và các đơn vị, dự án cũng hoàn thành khoan và đưa vào khai thác bảy giếng với lưu lượng đều cao hơn dự kiến. Các dự án phát triển mỏ được thúc đẩy triển khai; công tác quản lý đầu tư, phê duyệt đầu tư cũng có bước tiến quan trọng, nhiều dự án đã được phê duyệt đầu tư của các cấp thẩm quyền (13 quyết định đầu tư 13 dự án/giếng khoan đối với Lô 15-2/01, Lô PM3CAA, Lô 09-2, Lô 12W, Lô 15-1).

Ngoài ra, đơn vị luôn chú trọng ưu tiên, chủ động thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp và quản trị danh mục đầu tư.

Với kết quả khai thác khả quan, PVEP đã hoàn thành vượt chỉ tiêu theo kế hoạch tài chính được giao với tổng doanh thu phần PVEP ước tính 9.813 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch năm; nộp ngân sách 3.980 tỷ đồng, trong đó nộp thuế phần PVEP là 2.790 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch năm, phần lãi của nước chủ nhà 1.190 tỷ đồng. Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện PVEP vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn khi các mỏ dầu khí suy giảm sản lượng tự nhiên, các dự án phát triển khí chưa có kế hoạch triển khai rõ ràng để đạt mốc có dòng khí đầu tiên (FG).

Trong khi đó, việc đầu tư phát triển dự án mới cũng như tìm ra các mỏ mới còn hạn chế, cơ hội thấp; vấn đề thủ tục đầu tư, kết thúc đầu tư của các dự án còn nhiều khó khăn..., cũng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị nói riêng và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nói chung.

Thời gian tới, PVEP tập trung duy trì vận hành thiết bị khai thác ổn định, liên tục, đồng thời phấn đấu sản lượng khai thác quy dầu trong quý II đạt 0,91 triệu tấn, trong đó dầu và condensate đạt 0,61 triệu tấn, sản lượng khí xuất đạt 301 triệu mét khối…

Đồng thời, đối với công tác tìm kiếm dự án mới và chuyển nhượng dự án, đơn vị sẽ tập trung tìm kiếm các dự án ở trong nước, trong đó triển khai công tác tìm kiếm ở chính các dự án PVEP đang có, các lô mở ở Việt Nam, các cơ hội nhận chuyển nhượng những dự án có tiềm năng, phát hiện dầu khí.

Thúc đẩy gia tăng trữ lượng

Cũng theo Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam, đơn vị đang tập trung triển khai thực hiện các kế hoạch đề ra, trong đó phấn đấu đạt kế hoạch hai chỉ tiêu quan trọng là khai thác dầu khí và gia tăng trữ lượng. PVEP sẽ nỗ lực, phấn đấu mục tiêu sản lượng khai thác năm nay đạt 3,66 triệu tấn quy dầu. Đây là chỉ tiêu rất thách thức, đòi hỏi sự hỗ trợ của PVN và nỗ lực của tất cả các bên.

Hiện tại, PVEP đang cùng các nhà điều hành thực hiện các nhóm giải pháp giúp tối ưu khai thác, tối ưu thời gian vận hành uptime, các giải pháp khoan đan dày, can thiệp giếng,… để đạt kết quả gia tăng trữ lượng cao nhất. Trong năm nay, đơn vị dự kiến triển khai 21 giếng khoan phát triển khai thác, tập trung thực hiện các dự án phát triển mỏ.

Đánh giá về những khó khăn của doanh nghiệp, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng khẳng định, áp lực đối với các doanh nghiệp dầu khí, nhất là các doanh nghiệp trong khối thăm dò và khai thác (E&P) như PVEP là rất lớn, chịu nhiều tác động của các xu hướng, khó khăn từ chuyển dịch năng lượng.

Những khó khăn, áp lực này đòi hỏi PVEP cũng như các đơn vị trong khối E&P của Tập đoàn phải đẩy mạnh và tăng tốc trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng, phát triển các mỏ dầu khí để sớm đưa các mỏ vào khai thác hiệu quả, từ đó xây dựng kế hoạch để phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Do đó, PVEP và các đơn vị cần tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu sản lượng khai thác 3,66 triệu tấn trong năm 2023.

Bên cạnh đó, PVEP phải tiếp tục phân tích, đánh giá rủi ro và có giải pháp quản trị cụ thể; tập trung rà soát, đánh giá danh mục đầu tư, cùng với các đơn vị trong khối E&P của Tập đoàn nghiên cứu xây dựng danh mục các mỏ nhỏ, mỏ cận biên, các lô, mỏ được ưu đãi theo Luật Dầu khí năm 2022 để xây dựng danh mục và quản trị hiệu quả.

Đồng thời, đơn vị cũng cần có các giải pháp dự báo chuẩn xác hơn nhằm duy trì tối ưu khai thác, bảo đảm an toàn, hiệu quả cho các công trình cũng như tăng cường thúc đẩy các dự án đầu tư trọng điểm.

BÀI VÀ ẢNH: HOÀNG VĂN

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/day-manh-khai-thac-gia-tang-tru-luong-dau-khi-a9127.html