Qua đó, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, với giá trị hàng hóa vi phạm gần 11,5 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 2 vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra.
Thời gian qua, lợi dụng hình thức thương mại điện tử phát triển, một số đối tượng kinh doanh trên không gian mạng đã lợi dụng để đưa hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu vào buôn bán nhằm thu lợi bất chính.
Theo số liệu thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế (Bộ Công thương), trong năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so năm trước.
Với mức tăng trưởng này, có thể thấy, trong suốt 7 năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%.
Với 75% người dân sử dụng internet tham gia mua sắm trực tuyến, các sản phẩm được lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm, điện thoại di động tiếp tục là phương tiện chủ yếu thường được người tiêu dùng sử dụng để đặt hàng trực tuyến (chiếm 91%).
Chính vì vậy, mức tăng trưởng của hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam được các hãng dự báo tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ hai sau Indonesia (104 tỷ USD) và sẽ ngang bằng Singapore.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, dường như thương mại điện tử trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì vậy, lực lượng quản lý thị trường xác định đây là mặt trận mới, nhưng để làm được bài bản thì phải có nhiều công cụ hơn nữa.
Thực tế, 3 năm trở lại đây, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý khoảng 3.000 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng, nhưng đây là con số khiêm tốn so thực tế.
Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo cơ quan quản lý nhà nước; không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về cá nhân, tổ chức sở hữu website; giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử.
Đặc biệt, việc cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet...
Vì vậy, nếu không kiểm soát tốt môi trường online gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế, ảnh hưởng người tiêu dùng và bản thân nền tảng thương mại điện tử sẽ bị mất uy tín.
Mới đây nhất, theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, ngày 13/4 vừa qua, tại phường Bắc Cường (Lào Cai), lực lượng quản lý thị trường Lào Cai đã phối hợp lực lượng công an tỉnh thực hiện việc khám lô hàng gồm 37 thùng carton bên trong chứa hàng hoá là thanh cua ăn liền và kẹo dẻo không thể hiện xuất xứ của hàng hóa.
Qua kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong các thùng hàng có chứa hơn 10 nghìn thanh cua ăn liền và 2.880 hộp kẹo dẻo trên bao bì không thể hiện xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, giấy tờ và tài liệu kèm theo.
Chủ sở hữu của số hàng hóa trên được xác định là bà Trần Thị Huyền, trú tại phường Bắc Cường, TP Lào Cai. Qua làm việc, bà Huyền khai nhận do thấy sự thông dụng của mạng xã hội nên đã đăng bán hàng online trên các nhóm rao vặt, khi có khách đặt hàng thì tìm mua gom trôi nổi trên thị trường về bán để kiếm lời.
Tương tự, mới đây, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cũng tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột phát hiện chủ cơ sở kinh doanh đang bày bán hàng trăm sản phẩm giày thể thao, trên nhãn hàng hóa không thể hiện rõ nội dung về nguồn gốc, xuất xứ.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn hoặc bất kỳ chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Chủ cơ sở khai nhận mua hàng hóa trôi nổi trên thị trường, sau đó thuê các KOL (người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng) tạo video ngắn để bán hàng trên các tài khoản mạng xã hội Instagram với hơn 200 nghìn lượt người theo dõi.
Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm, tiếp tục xử lý theo quy định.
Đây là những hành động cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử theo Quyết định số 319/QĐ-TTg đã được Chính phủ phê duyệt và ban hành. Đây tiếp tục là chỉ đạo cương quyết, mạnh mẽ đối với tệ nạn này.
Tuy công tác kiểm tra, xử lý đã được các lực lượng chức năng triển khai có hiệu quả, song vẫn còn những tồn tại, hạn chế về lĩnh vực này.
Cụ thể, việc ứng dụng thương mại điện tử phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã trở nên phổ biến, nhưng phần lớn doanh nghiệp còn chưa có chiến lược cũng như đầu tư thích đáng để khai thác các ứng dụng thương mại điện tử theo chiều sâu, chưa chuẩn bị sẵn sàng để bắt kịp những tiến bộ công nghệ mới về thương mại điện tử của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hệ sinh thái cho thương mại điện tử bao gồm dịch vụ thanh toán, logistics và các dịch vụ phụ trợ còn chưa hoàn thiện. Tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử vẫn còn cao.
Các vấn đề hạ tầng, chất lượng vận chuyển, thời gian vận chuyển, thủ tục thông quan, chi phí, các dịch vụ theo dõi và truy xuất đơn hàng vẫn chưa phát triển đồng bộ và còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Vì vậy, để tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường không gian mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, thời gian tới, lực lượng chức năng, trong đó chủ công là lực lượng quản lý thị trường cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Đặc biệt, phối hợp các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, các cảng cạn...
Trong quá trình thực thi công vụ cần kết hợp các cơ quan chức năng khác để có sự trao đổi thường xuyên hơn thông tin về hàng giả, hàng nhái và các loại hàng hóa vi phạm.
Đồng thời, kết hợp các hiệp hội, cơ quan báo chí, xử lý và ngăn chặn những vi phạm, mục tiêu là tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
MINH DŨNG
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/tang-cuong-kiem-soat-hang-hoa-tren-khong-gian-mang-a9347.html