Cấp giấy phép xuất nhập khẩu các chất HFC đến hết ngày 31/12/2023

(tapchivietduc.vn) - Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương về việc tiếp tục thực hiện quản lý xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC theo quy định tại Thông tư số 05/2020/TT-BCT ngày 16/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho đến hết ngày 31/12/2023.

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 của Chính phủ về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Bộ Công Thương triển khai cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC cho thương nhân theo quy định tại Thông tư số 05/2020/TT-BCT cho đến hết ngày 31/12/2023.

acool-1681645698.jpg
Các loại gas lạnh thuộc nhóm môi chất HFC. Ảnh minh họa, ảnh: Acool

Từ ngày 01/01/2024, đề nghị các thương nhân thực hiện theo quy định tại Nghị định số 06/2020/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có văn bản số 222/XNK-TLH ngày 13/4/2023 gửi thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu các chất HFC để biết và thực hiện.

Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, tổ chức có hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu chất được kiểm soát và thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát, tổ chức sở hữu thiết bị có chứa các chất được kiểm soát và tổ chức thực hiện dịch vụ thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất được kiểm soát quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký lần đầu trước ngày 31/12/2022 và báo cáo về tình hình sử dụng chất được kiểm soát gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/01 hằng năm. Trường hợp thay đổi thông tin đăng ký hoặc đăng ký hạn ngạch sản xuất, nhập khẩu, tổ chức cung cấp thông tin điều chỉnh, bổ sung trong báo cáo hằng năm.

HFC là môi chất lạnh nhân tạo có tên đầy đủ là Hydrofluorocarbon, được tạo thành từ 3 nguyên tố: Hidro, Flo và Cacbon. HFC có ứng dụng thiết thực trong rất nhiều lĩnh vực như: dược phẩm, thực phẩm, điện lạnh, cứu hỏa,... Tuy không gây tác động phá hủy tầng ozon nhưng các nghiên cứu đã cho thấy, HFC có khả năng gây hiệu ứng nhà kính và làm nóng lên toàn cầu cao, gấp hàng nghìn lần so với CO2. Chính vì tác động gây hiệu ứng nhà kính của HFC nên Chính phủ các nước đã nhiều lần họp bàn để đưa ra các thống nhất về việc sử dụng HFC. Năm 2016, tại hội nghị diễn ra ở Kigali, Rwanda với sự tham gia của 197 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua thỏa thuận Kigali về cắt giảm loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính HFC. Theo đó, các quốc gia đồng ý tham gia được chia thành 3 nhóm: Nhóm 1 bao gồm các quốc gia phát triển như Mỹ và nhiều nước châu Âu cam kết giảm lượng khí HFC vào năm 2019; Nhóm 2 bao gồm Trung Quốc và các nước đang phát triển bắt đầu cắt giảm HFC vào năm 2024. Việt Nam thuộc nhóm 2 và phải đối mặt với không ít thách thức vì lĩnh vực làm lạnh công nghiệp của Việt Nam phụ thuộc chủ rất nhiều vào HFC; Nhóm 3 bao gồm các nước như Ấn Độ, Pakistan và một số nước thuộc vịnh Persian bắt đầu cắt giảm lượng khí HFC vào năm 2028.

 

Xuân Kiên

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/cap-giay-phep-xuat-nhap-khau-cac-chat-hfc-den-het-ngay-31122023-a9356.html