Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội năm 2023 (VITM 2023) với chủ đề "Du lịch văn hóa" nhằm làm sáng rõ hơn về những giá trị văn hóa góp phần xây dựng, định vị thương hiệu cho du lịch Việt.
Du lịch văn hóa
Giải đáp thắc mắc về chủ đề này của VITM 2023, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Du lịch văn hóa là một khái niệm không mới nhưng hoạt động thì mới. Vậy triển khai du lịch văn hóa như thế nào? Hội chợ VITM lần này chính là dịp để giới thiệu các giá trị văn hóa và hướng doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của Việt Nam”.
Gian hàng của Hà Nội tại VITM 2023 nổi bật với hình ảnh Khuê Văn Các. |
Thăm các gian hàng tại hội chợ, có thể thấy tính văn hóa được thể hiện rõ ràng và đậm nét hơn so với các kỳ VITM trước. Tại gian hàng của du lịch Thủ đô Hà Nội, bình hoa loa kèn, loài hoa đặc trưng của tháng tư Hà Thành nổi bật cùng chiếc ghế sơn mài dưới mái mô hình Khuê Văn Các đặc biệt thu hút khách đến chụp ảnh. Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) chia sẻ: “Du lịch văn hóa là thế mạnh của Hà Nội. Gian hàng của thành phố với chủ đề “Huyền tích Thăng Long-Ngàn năm di sản” có nhiều hoạt động giới thiệu các sản phẩm điêu khắc nghệ thuật gắn với du lịch, trình chiếu các video clip giới thiệu điểm đến. Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu một số tuyến điểm di sản, tour du lịch văn hóa như: Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, kết nối trung tâm Hà Nội-thành Cổ Loa, Bát Tràng, đền Phù Đổng, chùa Thầy...”.
Đến gian hàng của tỉnh Đồng Nai, du khách như về miệt vườn cây trái. Ông Huỳnh Đức Huệ, chủ cơ sở du lịch sinh thái vườn làng bưởi Tân Triều Năm Huệ mời chúng tôi nhâm nhi rượu bưởi mà ông đã kỳ công nghiên cứu thành công. “Giống bưởi đặc sản Tân Triều ngọt, thơm, mát, được trồng ở địa phương từ năm 1869. Khi lo cho con út học hành xong, tôi trở về quê hương để gây dựng lại vườn bưởi. Chúng tôi giới thiệu với du khách giống bưởi Tân Triều trứ danh qua các món ăn như trà bưởi, mứt bưởi, gà hấp bưởi, gỏi bưởi, bì bưởi chiên giòn... và họ rất thích”, ông Huỳnh Đức Huệ thông tin. Ở một góc khác, trước gian hàng của tỉnh Lào Cai, bà Vàng Thị Sua vừa tỉ mẩn vẽ sáp ong lên vải vừa giới thiệu với khách các công đoạn để có thổ cẩm truyền thống. Hình ảnh bà Vàng Thị Sua bên chảo sáp ong nóng chảy gợi cho du khách vẻ đẹp lao động của bà con dân tộc Mông ở Bắc Hà (Lào Cai).
Không chỉ gian hàng địa phương, nhiều công ty du lịch lớn cũng tranh thủ giới thiệu các tour, tuyến điểm có sử dụng yếu tố văn hóa để làm tăng giá trị sản phẩm. Tập đoàn Mường Thanh giới thiệu chuỗi khách sạn mang đậm dấu ấn Việt trải dài ở Việt Nam, Lào, Campuchia; Flamingo Redtours, Vietravel... giới thiệu tới du khách những tour mới gắn với yếu tố văn hóa truyền thống của cả Việt Nam và nước ngoài.
Sản phẩm du lịch với những điểm chạm văn hóa
Trong các năm 2019, 2020 và 2022, Việt Nam đều được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới”, cho thấy vai trò to lớn của văn hóa trong việc định vị, xây dựng thương hiệu du lịch Việt. Trong khi đó, theo điều tra của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), có trên 60% du khách coi việc có điểm du lịch văn hóa trong chương trình du lịch là quan trọng. Tuy nhiên, tại “Diễn đàn Du lịch năm 2023-Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” trong khuôn khổ VITM 2023, nhiều đại biểu cho rằng, phát triển du lịch văn hóa dù đã được biết đến nhưng khai thác chưa xứng với tiềm năng. Chẳng hạn, bàn riêng góc độ phi vật thể, ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: “Việc tuyên truyền, quảng bá văn hóa Việt Nam đang bỏ ngỏ. Khách du lịch còn thiếu các sản phẩm nghe nhìn hấp dẫn; các sản phẩm du lịch chưa cung cấp phong phú kiến thức văn hóa truyền thống, lịch sử, con người Việt Nam khiến nhiều khách, ngay cả khách Việt cũng không hiểu lịch sử của chúng ta. Đây là một trong những thiếu sót hiện nay. Để lan tỏa hình ảnh văn hóa Việt Nam, thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức chương trình “Việt Nam huyền sử diễn ca” áp dụng công nghệ để đề cao yếu tố văn hóa, lịch sử truyền thống của Việt Nam...”.
Ông Lee Kyung Taek, Phó trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam từng đến Sa Pa (Lào Cai), Ninh Bình, Nha Trang (Khánh Hòa)... Ông rất thích phở, cơm lam, khẳng định ẩm thực Việt ngon, phong phú, phù hợp với du khách 5 châu... Đưa chúng tôi đi một vòng gian hàng của KTO tại VITM 2023, ông Lee Kyung Taek giới thiệu: “Năm nay, gian hàng của KTO quảng bá văn hóa, du lịch Hàn Quốc bằng cách thêm các trải nghiệm cho khách như chơi trò chơi ẩm thực, chat với tổng đài 1330, chụp ảnh Hàn Quốc... Việt Nam có nhiều tiềm năng về du lịch có thể khai thác được. Đất nước các bạn trải dài nên có thể khai thác du lịch văn hóa nhiều địa phương thay vì chỉ tập trung ở một số điểm du lịch trọng điểm như hiện nay, để thu hút thêm nhiều du khách”.
Là một người say mê với di sản và đã áp dụng thành công những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam vào các sản phẩm du lịch, tạo ấn tượng với du khách trong và ngoài nước, ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Lux Group chia sẻ: “Du lịch chính là điểm đến cộng với trải nghiệm và ký ức. Chúng ta bán cảm xúc bằng tổng thể trải nghiệm, bán những câu chuyện và sau tất cả, du khách chỉ nhớ những câu chuyện hay. Trên các du thuyền như Emperor Cruises hay Heritage Bình Chuẩn, chúng tôi đều phát triển từ những câu chuyện di sản thành sản phẩm du lịch trải nghiệm một cách tinh tế, hấp dẫn với những điểm chạm văn hóa, di sản, kiến trúc, ẩm thực, thời trang... Khi chúng ta trân quý di sản và biết cách làm thì du khách nước ngoài sẵn sàng trả tiền cao hơn. Chúng ta không "ăn mày" di sản mà phải sáng tạo để lan tỏa giá trị của di sản”.
Bài và ảnh: TÙNG NGỌC
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/hoi-cho-du-lich-quoc-te-vitm-ha-noi-nam-2023-dinh-vi-thuong-hieu-du-lich-van-hoa-a9374.html