Nước sạch cho phụ nữ và trẻ em: Vẫn còn nhiều khó khăn

Nước sạch và vệ sinh là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.

Ảnh minh họa. Nguồn: unicef.org
Ảnh minh họa. Nguồn: unicef.org

Hơn 10 năm qua, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan, đối tác trong nước, tổ chức quốc tế, các cấp Hội phụ nữ đã tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu quốc gia về vệ sinh và nước sạch, giúp hàng triệu hộ gia đình cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trung ương Hội đã xây dựng kế hoạch thúc đẩy nội dung ba sạch trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2023-2025.

Kế hoạch hành động với mục tiêu đóng góp ít nhất 10% vào kết quả thực hiện mục tiêu bao phủ nhà tiêu hợp vệ sinh trên toàn quốc và xóa bỏ đi tiêu bừa bãi vào năm 2025; 100% cán bộ Hội các cấp được đào tạo, nâng cao năng lực về thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với xây dựng nông thôn mới; 80% hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao kiến thức về nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh các mô hình truyền thông hiệu quả vận động phụ nữ duy trì các hành vi vệ sinh tốt...

Bình đẳng giới được thúc đẩy thông qua cải thiện điều kiện nước sạch, vệ sinh cho phụ nữ và trẻ em gái, từ đó nâng cao sức khỏe, hỗ trợ xây dựng gia đình có sức khỏe trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm công bằng, bình đẳng, sức khỏe và an toàn của phụ nữ, trẻ em gái, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những khó khăn ảnh hưởng đến việc tiếp cận nước sạch và vệ sinh khi nhận thức của hội viên, phụ nữ về vệ sinh nói riêng và xây dựng nông thôn mới nói chung ở một số địa bàn chưa đầy đủ; phong tục, tập quán của phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn lạc hậu, khó xóa bỏ. Một bộ phận người dân quen với nếp cũ là chỉ cần quan tâm đến nhà ở mà chưa quan tâm đến xây dựng "công trình phụ".

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần phối hợp các bộ, ngành liên quan hỗ trợ xây dựng chính sách, khuôn khổ pháp lý, thể chế và củng cố hệ thống để cung cấp dịch vụ nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn bền vững, chống chịu với biến đổi khí hậu và đáp ứng giới, phù hợp nhu cầu của trẻ em, vị thành niên và những người dễ bị tổn thương trên toàn quốc.

Hội cần tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ Hội các tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ vận động hội viên, phụ nữ cải thiện điều kiện nước sạch và vệ sinh môi trường trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác; xây dựng lực lượng cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia vào các hoạt động của dự án và cải thiện điều kiện nhà vệ sinh, nhà tắm và công trình nước sạch của chính gia đình họ.

Cùng với đó, việc tổ chức các hoạt động "3 sạch" tại địa phương cần thu hút, huy động cả nam giới, các thành viên trong gia đình, người dân trong cộng đồng tham gia.

 

 

LÊ THÚY

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/nuoc-sach-cho-phu-nu-va-tre-em-van-con-nhieu-kho-khan-a9680.html