Lịch sử phát triển cho thấy ĐHQGHN luôn có vai trò quan trọng, gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng Chính phủ tin tưởng và mong muốn tập thể lãnh đạo và toàn thể các thầy cô giáo, học sinh và sinh viên của ĐHQGHN tiếp tục kế thừa và không ngừng phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp này. Với vai trò của một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có truyền thống lịch sử lâu đời, có đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao dẫn đầu cả nước cả về số lượng và chất lượng; đào tạo nguồn nhân lực trong nhiều lĩnh vực quan trọng, then chốt cả về lý thuyết hàn lâm, khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo ĐHQGHN trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, phát huy bề dày truyền thống lịch sử, coi đây là tài sản vô giá để không ngừng phát huy và nhân rộng những bài học hay, kinh nghiệm quý, cách làm hiệu quả; phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, không ngừng đổi mới sáng tạo với khát vọng phát triển ĐHQGHN lên tầm cao mới, sớm trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học theo mô hình hiện đại, có tầm cỡ, uy tín trong khu vực và quốc tế; trong đó, lựa chọn để tập trung vào một số lĩnh vực khoa học cơ bản, đào tạo chuyên ngành, mũi nhọn, chất lượng cao, có thế mạnh của Việt Nam, phù hợp với xu thế của thế giới, nhất là đào tạo chuyên sâu các ngành chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, với phương châm "đi tắt đón đầu" và "đi sau đến trước".
Thứ hai, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển đồng thời cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - nhân văn, khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là góp phần phát triển, hoàn thiện nền tảng tư tưởng, cung cấp luận cứ khoa học, tin cậy cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược, xây dựng chủ trương, đường lối, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị.
Thứ ba, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, tập trung giải quyết những vấn đề lớn, điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn ở cấp quốc tế, quốc gia cũng như cấp địa phương. Bối cảnh thay đổi thì tư duy cũng phải thay đổi phù hợp, có vậy mới tranh thủ sức mạnh của nhân dân. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thương mại hóa các kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học trên cơ sở tăng cường hợp tác công tư; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào những ngành mới nổi, những ngành mũi nhọn.
Thứ tư, phải thể hiện khát vọng vươn lên, tập trung phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên chất lượng cao, đẳng cấp khu vực, quốc tế. Trong quá trình này phải chú ý đặc thù của đất nước. Đây là những nền tảng quan trọng của ĐHQGHN, do đó phải có khát vọng lớn hơn đi cùng khát vọng của đất nước, có như vậy mới tạo sức lan toả, truyền cảm hứng cho việc đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học theo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, xu thế của thời đại.
Tiếp tục phát huy, nhân rộng các hình thức tuyển sinh phù hợp, hiệu quả, trong đó có hình thức Đánh giá năng lực học sinh THPT; từ thực tiễn, ĐHQGHN cần đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển; có cơ chế khuyến khích sinh viên vào học các ngành khoa học cơ bản, ngành đặc thù, ngành hiếm để vừa phục vụ bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị riêng có của quốc gia, dân tộc, vừa phục vụ sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Đặc biệt quan tâm, tăng cường đầu tư cho lĩnh vực phát triển nhân lực nghiên cứu về công nghệ vi mạch tích hợp bán dẫn ở Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa trong lĩnh vực này; đào tạo nguồn nhân lực để thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp sản xuất chíp; thích ứng hoàn cảnh đất nước, thực hiện khát vọng của đất nước, vừa có tính chất bao trùm, xuyên suốt, tổng thể, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ở khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, đặc biệt là vùng miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Thứ năm, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, sớm hoàn thành dứt điểm nhiệm vụ xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, hình thành một khu đô thị đại học xanh, hiện đại, thông minh, ngang tầm khu vực theo mô hình 5 trong 1; tăng cường và mạnh dạn thí điểm hợp tác công tư trong đầu tư xây dựng và đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Giải quyết các kiến nghị của Đại học Quốc gia Hà Nội
Về một số kiến nghị của ĐHQGHN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ động, tích cực phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ ĐHQGHN giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc; làm tốt công tác quy hoạch, phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc theo hướng ưu tiên thu hút, phát triển các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, đổi mới sáng tạo chất lượng và có tính kết nối cao.
Về việc đầu tư xây dựng Trung tâm hỗ trợ thiết kế và đo kiểm vi mạch quốc gia và Phòng thí nghiệm chế tạo vi mạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý về nguyên tắc, ĐHQGHN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng đề án cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy trình, thủ tục và quy định.
Về việc xây dựng Hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tổng hợp kiến nghị của ĐHQGHN trong quá trình xây dựng "Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0", báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2023.
Xuân Kiên
Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/thu-tuong-giao-5-nhiem-vu-cho-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-a9699.html