Hiệu quả sản xuất bền vững từ xây dựng nông thôn mới

Sau một thời gian xây dựng nông thôn mới, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã và đang “gặt hái” được nhiều kết quả tích cực, nhất là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Trên địa bàn huyện, nhiều vùng chuyên canh lúa, cây ăn quả, rau an toàn, thủy sản được hình thành.

thuong-tin2-2273-1683338825.jpeg

Ảnh minh họa: Huyện Thường Tín thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất trong nông nghiệp mang lại hiệu quả cao. (Ảnh: VGP)

Theo Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, hết năm 2022 toàn thành phố có 15 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, qua kết quả thẩm định năm 2022 có bốn huyện là Ðan Phượng, Gia Lâm, Ðông Anh, Thanh Trì có cơ sở để hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Ðức Mạnh cho biết: “Ðến nay, trên địa bàn huyện có năm xã đạt nông thôn mới nâng cao và một xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Ðặc biệt, từ xây dựng nông thôn mới, nhận thức của cán bộ và nhân dân đã có sự thay đổi rõ rệt”.

Khi vai trò của người dân được xác định rõ ràng, điều đó đã khuyến khích, động viên nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Ở nhiều xã, những con đường rợp sắc hoa, góp phần hình thành và thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề giữ gìn, bảo vệ môi trường. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện.

Hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương, thủy lợi phục vụ sản xuất được ưu tiên đầu tư bảo đảm an toàn trong phòng chống lũ, tiêu thoát nước. Nổi bật là hệ thống đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, đường làng, ngõ xóm được nhựa hóa và bê-tông hóa 100%.

Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như lúa hàng hóa tập trung, cây ăn quả, rau an toàn, nuôi trồng thủy sản. Ðến nay, Thường Tín có sáu mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, giúp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phát triển, tạo điều kiện cho nhân dân làm giàu, nổi bật là các Hợp tác xã rau sạch Thanh Bình xã Hòa Bình, Hợp tác xã hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân xã Hồng Vân, Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ Thanh Hà xã Ninh Sở với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động, thu nhập bình quân từ 4 đến 7 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tô Hiệu Ðào Hồng Thái chia sẻ: “Ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã đã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Xã cũng xác định, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, trong những năm qua, xã đã đẩy mạnh xây dựng các đề án, dự án phát triển sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương.

Công tác đào tạo nghề tiếp tục được quan tâm, từng bước nâng cao tay nghề, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất; thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện tốt quy hoạch theo vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong xây dựng nông thôn mới tại Thường Tín vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền xã chưa thật sự chú trọng chỉ đạo tổ chức thực hiện giải pháp về bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường. Công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường còn hạn chế.

Một số doanh nghiệp, gia đình chưa tích cực bảo vệ môi trường. Sự vào cuộc tham gia xây dựng nông thôn mới của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đồng đều; tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm; hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp chưa bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang khai thác dịch vụ, du lịch còn khó khăn.

Nguyên nhân là do nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế về xây dựng nông thôn mới nâng cao; nguồn vốn đầu tư, huy động xây dựng nông thôn mới gặp khó khăn; đầu ra cho nông sản chưa ổn định. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp hiện nay quy mô vẫn nhỏ lẻ, manh mún, phương thức sản xuất lạc hậu, cơ giới hóa chưa đồng bộ nên ảnh hưởng đến thu nhập của người dân; việc thu hút đầu tư cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều.

Năm 2023, huyện Thường Tín đưa ra mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện, xã nông thôn mới tiến tới xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu để bảo đảm chương trình này là quá trình thường xuyên, liên tục... Huyện cũng phấn đấu năm 2023 có chín xã đạt xã chuẩn nông thôn mới nâng cao, ba xã Văn Bình, Nhị Khê, Hà Hồi đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.

 

THANH HÀ

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/hieu-qua-san-xuat-ben-vung-tu-xay-dung-nong-thon-moi-a9798.html