Tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm

Thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, cộng với thói quen sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách làm gia tăng nỗi lo ngộ độc.

t4-1-3753-1683950908.jpg

Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn bán trú trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh: THU TRANG)

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4/2023, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 117 người bị ngộ độc. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 25 vụ với 344 người bị ngộ độc, trong đó có 8 người tử vong. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể đến ở mọi khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán...

Khảo sát tại một số quán cơm bình dân trên phố Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội), không khó để bắt gặp cảnh nhân viên dùng chung dao thớt khi chế biến đồ ăn chín và đồ tươi sống. Khi chế biến, nhân viên lúc dùng tay bốc thịt sống, lúc lại thái thịt chín.

Lúc đông khách, các loại đĩa đựng đồ tươi sống chỉ được lau qua trước khi đựng đồ ăn chín. Một bộ phận người tiêu dùng có thói quen sử dụng thức ăn đường phố.

Hình ảnh gánh hàng rong với vài vật dụng đơn sơ vẫn thu hút đông thực khách khá phổ biến trên phố phường Hà Nội. Nhiều cửa hàng bán thực phẩm chế biến sẵn không có tủ kính che đậy, bày bán trên vỉa hè, đường phố nườm nượp người qua lại.

Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến nhất là do vi khuẩn và do các độc tố của vi khuẩn. Tiếp theo là ngộ độc do hóa chất bảo vệ thực vật, chất phụ gia, chất bảo quản… Ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm tới sức khỏe biểu hiện ở nhiều mức độ; nhẹ nhất là đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước...; nặng hơn là tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, liệt, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.

Trước những nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), thành phố Hà Nội và các tỉnh đã triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Thực hiện từ ngày 15/4 đến 15/5, Tháng hành động vì ATTP năm 2023 của Hà Nội mang nhiều hoạt động như:

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP; đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật về ATTP; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP;

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

QUANG MINH

Link nội dung: https://tapchivietduc.vn/tang-cuong-phong-chong-ngo-doc-thuc-pham-a9988.html