Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng công nghệ số

Nguyễn Ánh Hiền
Với một hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, việc ứng dụng công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng để lưu trữ dữ liệu, quản lý và bảo tồn di sản. Cũng từ quá trình này, đã và đang hình thành nên loại hình di sản số.

a1-59-1684550056.jpg

Chùa Diên Hựu phỏng dựng từ công nghệ thực tế ảo. (Nhóm Sen Heritage thực hiện)

"Chạm tay" vào di sản

Phỏng dựng toàn bộ kiến trúc chùa Một Cột và chùa Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo, phục dựng đài đèn và tòa Tu di Thích Ca sơ sinh cách đây hơn 1.000 năm từ các tư liệu khảo cổ học, văn bản lịch sử, văn tự cổ, đặc điểm kiến trúc cùng nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ thực tế ảo (VR), nhóm Sen Heritage đã tái lập, đưa những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống Việt Nam tới công chúng.

Việc áp dụng công nghệ (VR-AR-thực tế tăng cường) đã hiện thực hóa các giả thuyết khoa học và tái lập các di sản, hiện vật, đem đến sức sống mới cho hiện vật và di sản. Cuộc trưng bày "Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột-Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo" vừa qua tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã thu hút hàng nghìn lượt người tham quan, trải nghiệm không gian và hiện vật thông qua kính VR. Khách tham quan có thể "xuyên không", ung dung "đi dạo" trong chùa Diên Hựu, ngắm hồ sen từ hai bên hành lang, chiêm ngưỡng và tương tác với di sản.

Là những người yêu di sản và đam mê công nghệ, Đinh Việt Phương là một cái tên gắn với triển lãm 3D "Hà Nội những góc nhìn lịch sử", tái hiện di sản kiến trúc Pháp, phục dựng phố cổ Hà Nội bằng kỹ thuật 3D. Kết hợp số hóa hiện vật từ những dữ liệu lịch sử, kiến trúc sư Đinh Việt Phương cùng PinArt phục dựng nguyên bản pho tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt của chùa Báo Ân, phỏng dựng tháp lưu ly bằng sứ men trắng đặc trưng thời Lý.

Trong quá trình phục dựng cột đá Chùa Dạm, tái điều tra hiện trường, các dấu vết còn lại của cột đá, nhà nghiên cứu độc lập Đào Xuân Ngọc đã trực tiếp tham gia khai quật khảo cổ. Anh và nhóm 3DArt sử dụng công nghệ 3D phỏng dựng cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh), từ đó giới thiệu bản phục dựng tổng thể kiến trúc chùa Dạm trên mặt bằng khảo cổ học…

Một số đơn vị nhà nước cũng không nằm ngoài cuộc chơi với công nghệ, Viện Nghiên cứu Kinh thành cũng đã áp dụng công nghệ số phục dựng một phần di sản Hoàng thành Thăng Long từ các nghiên cứu và hệ thống di vật, hiện vật phát lộ (tại các hố khai quật của di chỉ 18 Hoàng Diệu). Tận dụng những ưu thế của internet và công nghệ số, các bảo tàng, khu di tích tích cực thực hiện chuyển đổi số, tạo môi trường khám phá và trải nghiệm cho người xem.

Những sản phẩm 3D đã có mặt tại một số bảo tàng nhằm tăng khả năng tương tác, phục vụ công chúng. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức trưng bày trực tuyến và tour tham quan ảo 360 độ giới thiệu về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long. Bảo tàng Lịch sử quốc gia ứng dụng công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour góp phần quảng bá các tác phẩm nghệ thuật và bảo vật quốc gia.

Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã triển khai nhiều dự án liên quan đến số hóa như ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping góp phần giáo dục di sản, hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, tham quan ảo 3D trên internet, trải nghiệm di tích bằng công nghệ thực tế ảo VR 360…

Nắm bắt xu thế, nhiều nhóm bạn trẻ đam mê di sản và công nghệ đã xây dựng hệ sinh thái cho các di sản của riêng mình. Nhóm Vietnam Centre đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ và nền tảng mạng xã hội để quảng bá và lan tỏa các yếu tố văn hóa lịch sử một cách rộng rãi. Mày mò nghiên cứu, scan hiện vật gốc, dựa trên những tư liệu, ghi chép cổ, nhóm đã số hóa tái hiện trang phục và nghi lễ của triều đình nhà Lê, giáp phục Việt Nam.

Bằng sử dụng công nghệ thực tế ảo và công nghệ thực tế tăng cường tạo nên diện mạo mới cho di sản. Ngoài ra, nhóm còn cho ra mắt ấn phẩm song ngữ "Dệt nên triều đại", "Mình đồng da sắt", phỏng dựng và sản xuất trang phục, gia tăng cảm giác trải nghiệm về hình ảnh chi tiết và âm thanh sống động đối với các sản phẩm của mình…

a2-4044-1684550087.jpg

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp các đơn vị tái hiện không gian Điện Kính Thiên trên phối cảnh 3D.

Di sản cần cái "bắt tay" của công nghệ

Quá trình phỏng dựng và phục dựng di sản gặp nhiều khó khăn bởi hiện vật gốc chỉ còn lại một phần hoặc là những mảnh vỡ, tàn tích. Các nhà nghiên cứu di sản phải dựa vào tài liệu sưu tầm, khảo cứu, tiếp cận dữ liệu, đưa ra nhiều giả thuyết và bắt tay với các công ty về công nghệ tạo nên những sản phẩm di sản số. Bằng những công nghệ tiên tiến, các không gian di tích, hiện vật, bối cảnh lịch sử… đều được tái hiện sống động trong một hình hài mới, nhập cuộc với nhịp sống đương đại.

Công nghệ số không chỉ là kỹ thuật mà còn mở ra kho tàng tri thức của nhân loại đã và chưa được phát hiện, mang lại những giá trị tích cực trong khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Không chỉ số hóa các di sản văn hóa vật thể, việc ứng dụng công nghệ số hóa các di sản phi vật thể hoàn toàn có thể thực hiện được. PGS, TS Trần Trọng Dương (Viện Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Ở Italia, các nhà công nghệ đã thực hiện số hóa một bản đồ di dân thời Hy Lạp cổ đại, trong đó phục dựng cảnh quan, không gian, kiến trúc thời kỳ đó.

Với thái độ lạc quan, ông Trần Trọng Dương cho rằng hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ số như vậy trong phỏng dựng tác phẩm "Hoàng hoa sứ trình đồ" đã được UNESCO ghi danh Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Không những vậy, công nghệ số còn hỗ trợ đắc lực trong phục dựng những di sản gốc, bảo vật, cổ vật đang lưu lạc ở nước ngoài. Cụ thể như bức họa "Trúc lâm đại sĩ xuất sơn" đang được lưu giữ tại Bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc) và cơ hội đưa văn hóa thiền phái Trúc Lâm cách đây gần 1.000 năm về hiện tại thông qua kỹ thuật số là có thể.

Di sản bản gốc chưa hồi hương, nhưng di sản số hóa với độ phân giải cao đã xuất hiện trên mạng, cung cấp cứ liệu về trang phục, phong cảnh, nghi lễ, mô tả quá trình Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, về kinh trước khi di chuyển lên Yên Tử. Có thể nói, trong tương lai gần, tri thức lịch sử, nghi lễ, văn hóa, lễ hội sẽ được số hóa, là cầu nối để công chúng tiếp cận di sản, trở thành tài sản số của quốc gia, dân tộc.

Hiện nay, ở các địa phương, việc số hóa di sản đang được thực hiện tùy thuộc vào nguồn lực. Tuy nhiên quá trình số hóa mới ở mức độ đơn giản với kỹ thuật cơ bản là scan hiện vật khảo cổ, tượng, công trình kiến trúc, hoa văn có sẵn. Quá trình này mới chỉ mang tính chất lưu trữ tư liệu và bảo tồn hiện vật, làm nền tảng cho công tác số hóa sau này.

Nguồn lực di sản của Việt Nam vô cùng dồi dào, trải dài theo chiều dài lịch sử đất nước. Việc số hóa cần được tiến hành song song với ứng dụng công nghệ, đầu tư, khai thác để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Vì vậy, cần một chiến lược và kế hoạch tổng thể thúc đẩy bảo tồn, phát huy giá trị nguồn lực di sản. Cái bắt tay giữa di sản và công nghệ đang thúc đẩy sự hình thành các khái niệm mới về di sản phái sinh, chưa từng được luật hóa và cần có hệ thống luật pháp kèm theo.

Từ đó sẽ có cơ chế thúc đẩy những người làm nghiên cứu có những sản phẩm tốt, người làm công nghệ sẽ có những sản phẩm số hóa mang tính ứng dụng cao trong đời sống, lúc đó di sản mới thật sự phát huy được giá trị. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu, đưa khái niệm di sản số trở thành một khái niệm chính thức trong Luật Di sản. Khi đã được luật hóa, các chính sách đầu tư, thiết kế, bản quyền, an ninh mạng, vấn đề thương mại hóa sản phẩm sẽ góp phần thúc đẩy số hóa di sản.

Mục tiêu của chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất. Hiện nay, Việt Nam chưa có chuyên ngành đào tạo di sản số hóa. Các cơ quan nhà nước được đầu tư về kết cấu hạ tầng nhưng nguồn lực con người cũng như năng lực triển khai số hóa hạn chế, cán bộ chủ yếu là chuyên gia nghiên cứu hoặc làm công tác quản lý mà chưa rành rõ về làm công nghệ.

Để có các sản phẩm số hóa di sản như hiện nay, các nhà di sản học, khảo cổ học, người làm công tác nghiên cứu phải kết hợp các công ty tư nhân, nguồn lực bên ngoài thực hiện các gói số hóa hiện vật. Cũng vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu số, thể chế phục vụ chuyển đổi số, có chiến lược về đào tạo cán bộ để tương lai gần sẽ có các nhà di sản số đầu tiên đảm đương được các mục tiêu trong chương trình số hóa di sản Việt Nam.